Tầm nhìn dài hạn cho trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

VIS đánh giá tiềm năng và đề xuất các chiến lược phát triển cho phù hợp các trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, dự kiến được xây dựng tại TPHCM và TP Đà Nẵng trong thời gian tới.

Đánh giá trên của Nhóm các chuyên gia và tư vấn tài chính thuộc Hội Trí thức Việt Nam tại Vương Quốc Anh và Ireland (VIS) dựa trên kinh nghiệm quốc tế và các dữ liệu cập nhật từ Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI).

Tổng quan vị thế hiện tại

Theo báo cáo GFCI 37 được công bố vào cuối tháng 3, trung tâm tài chính TPHCM đã có sự tăng hạng đáng kể, đạt vị trí 98 trên tổng số 119 trung tâm tài chính toàn cầu. Đây cũng là vị trí cao nhất kể từ khi tham gia bảng xếp hạng GFCI vào năm 2022 với vị trí 102, và cao hơn 7 bậc so với vị trí 105 vào tháng 9-2024.

Quan trọng hơn, trung tâm tài chính TPHCM đã vượt ra khỏi nhóm các thị trường “chuyên môn địa phương” (local specialists), bao gồm các trung tâm tài chính ở Malta hay Lugano (Thụy Sĩ); tham gia vào nhóm các “trung tâm đang phát triển” (elvoving center); sánh vai với các thị trường quốc tế như Buenos Aires (Argentina), St Peterburg (Nga), Monaco, Rio de Janero (Brazil), và Nam Kinh (Trung Quốc).

Lưu ý, những trung tâm tài chính đang phát triển được coi là các thị trường có nhiều tiềm năng, và khả năng cải thiện thứ hạng cũng như tính cạnh tranh cao trong tương lai. Tuy nhiên, các trung tâm này chủ yếu mới phục vụ nhu cầu kinh tế và tài chính khu vực, và đa phần vẫn tập trung vào một số dịch vụ tài chính, ngân hàng nhất định, thay vì phát triển toàn diện như các trung tâm quốc tế (international centers) và toàn cầu (global centers) như New York, London, và Thượng Hải.

Chiến lược phát triển

Việt Nam xác định chủ trương xây dựng mô hình trung tâm tài chính “kết hợp”, kế thừa có chọn lọc ưu điểm từ các mô hình toàn cầu, đồng thời đảm bảo phù hợp với bối cảnh và lợi thế cạnh tranh của mình.

Đây là mô hình phù hợp, vì trong ngắn hạn nó giúp tạo tính đột phá tương tự các thị trường tài chính độc lập, áp dụng cơ chế đặc thù để thúc đẩy các lĩnh vực tài chính trọng điểm (ví dụ như Dubai).

Về dài hạn, nó sẽ đóng vai trò hoàn thiện thể chế, thử nghiệm chính sách và thúc đẩy hội nhập với thông lệ quốc tế, góp phần xây dựng một hệ sinh thái tài chính hiện đại, bền vững và có năng lực cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu.

Song để xây dựng mô hình “kết hợp”, dựa vào phân tích từ GFCI và kinh nghiệm của các trung tâm tài chính đi trước, Việt Nam có hai chiến lược phát triển chính.

Một là phát triển theo chiến lược chuyên sâu. Theo định hướng này, Việt Nam cần tập trung phát triển trung tâm tài chính tại TPHCM hoặc Đà Nẵng mang tính chuyên môn cấp khu vực hoặc toàn cầu, tương tự như các thị trường ở Tel Aviv, Mumbai (cấp khu vực), hoặc Dubai, Hồng Kông và Luxembourg (cấp toàn cầu). Chiến lược này yêu cầu đầu tư mạnh vào các lĩnh vực tài chính đặc thù như quản lý tài sản, công nghệ tài chính (fintech) và tài chính xanh.

Hai là theo chiến lược đa dạng hóa, đòi hỏi nâng cấp và phát triển thị trường tài chính theo diện rộng và cung cấp các dịch vụ tài chính toàn diện như ngân hàng, bảo hiểm, thị trường vốn, tương tự các trung tâm như Lisbon, Atlanta, và Helsinki. Sau đó, có thể phát triển mở rộng cạnh tranh với các trung tâm mang tính khu vực như Bangkok (Thái Lan), Madrid (Tây Ban Nha) và Stockholm (Thụy Điển).

Lộ trình và khuyến nghị

Tuy nhiên, Việt Nam không nhất thiết phải lựa chọn cứng nhắc giữa hai chiến lược phát triển trên. Một chiến lược kết hợp với định hướng rõ ràng và phân bổ nguồn lực hợp lý, sẽ giúp tối ưu hóa tiềm năng phát triển. Ví dụ, TPHCM có thể theo đuổi mô hình một trung tâm tài chính toàn diện, đồng thời chú trọng vào thế mạnh riêng về Fintech, học tập từ mô hình của Dubai, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI/Machine Learning) và tài sản số và mã hóa (crypto/ditigal asets).

Lợi thế của Việt Nam trong hai lĩnh vực này bao gồm khả năng đào tạo, tiếp cận và áp dụng về AI/Machine Learning và sự phổ biến của tài sản số và tài sản mã hóa trong đại chúng, cũng như sự phù hợp với định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước.

Hiện nay, cũng theo GFCI, trung tâm tài chính TPHCM đã có sự tăng hạng đáng kể về mảng Fintech, ở vị trí thứ 88, cải thiện 11 bậc so với năm ngoái.

Về lộ trình, các trung tâm tài chính ở Việt Nam có thể phát triển theo hai cấp độ khu vực và quốc tế. Ở cấp độ khu vực, cần tận dụng cơ hội thu hút các công ty có xu hướng rời khỏi Trung Quốc sang các nước láng giềng và muốn tiếp cận vốn trong nước và quốc tế. Cần có định hướng khai thác nguồn vốn cho nền kinh tế khu vực đang phát triển (gồm cả Indonesia, Bangladesh), và sau đó mở rộng ra quy mô quốc tế, trở thành các trung tâm toàn cầu như Singapore.

Về nguồn lực và địa lý, TPHCM có nhiều điều kiện để phát triển một trung tâm tài chính quốc tế toàn diện (phát triển theo chiều rộng). Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, một số nội dung quan trọng cần tiếp tục được kiện toàn và nghiên cứu.

Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng về vai trò của mỗi trung tâm, tránh sự cạnh tranh nội bộ kém hiệu quả, và có chính sách đồng nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức tài chính quốc tế.

Nếu thực hiện tốt, cùng với định hướng đúng đắn và chiến lược phù hợp, Việt Nam có thể vươn lên trở thành một điểm đến tài chính quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Về phía TP Đà Nẵng, do có lợi thế đặc thù về địa lý, nên sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để tập trung vào phát triển chuyên sâu các sáng kiến tài chính bền vững. Ví dụ tài chính xanh và đối phó biến đổi khí hậu, trở thành trung tâm tài chính khu vực theo hướng này.

Tuy nhiên, cần tránh tình trạng các Trung tâm tài chính trong nước cạnh tranh không lành mạnh, gây ra “cuộc đua xuống đáy”. Ví dụ, chỉ một trong hai TPHCM và Đà Nẵng nên tập trung vào Fintech hoặc AI để không phân mảnh nguồn lực (riêng Đà Nẵng vẫn có thể kết hợp Fintech và AI cùng với tài chính bền vững).

Bài học từ châu Âu cho thấy, việc phân mảnh quy định có thể cản trở sự phát triển của các thị trường tài chính, và đây là điều khiến cho các thị trường ở Frankfurt và Paris không thể cạnh tranh với London do các rào cản này.

*Nhóm chuyên gia của VIS gồm: GS.TS Đặng Việt Anh, Đại học Manchester; PGS.TS Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol; PGS.TS Nguyễn Hoài Linh, Đại học St Andrews; GS.TS Nguyễn Huy Tâm, Đại học Nottingham Trent; GS.TS Bùi Thị Minh Hồng, Đại học Bath và IPAG; GS.TS Quách Mạnh Hào, Đại học Lincoln; GS.TS Lê Võ Phương Mai, Đại học Cardiff.

Hội Trí thức Việt Nam tại Vương Quốc Anh và Ireland (VIS)

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tam-nhin-dai-han-cho-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tai-viet-nam-post121632.html