Tài sản Nga bị phong tỏa: 'Thời cơ chín muồi' để đáp trả phương Tây, điều gì khiến Moscow 'chùn bước'?
Hãng tin Reuters (Anh) nhận thấy, nếu các nhà lãnh đạo phương Tây tịch thu tài sản đóng băng của Nga, khả năng đáp trả của nước này đã bị xói mòn do đầu tư nước ngoài ngày càng giảm. Nhưng các quan chức và nhà kinh tế cho rằng, Điện Kremlin vẫn có nhiều cách.
Mỹ muốn tịch thu các khoản dự trữ cố định của Nga - khoảng 300 tỷ USD hiện đang bị đóng băng trên toàn cầu - và giao cho Ukraine. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ việc thu lợi nhuận từ tài sản này, ước tính lên tới khoảng 15-20 tỷ Euro vào năm 2027.
Phía Nga nhiều lần lên tiếng rằng, bất kỳ nỗ lực nào nhằm chiếm đoạt vốn hoặc lợi ích của họ đều sẽ là "cướp bóc" và đã cảnh báo về những đòn đáp trả cứng rắn.
Mới đây, Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev thừa nhận, nước này không "nắm trong tay" đủ tài sản nhà nước của Mỹ để trả đũa một cách tương xứng. Thay vào đó, Nga sẽ phải "đánh" vào túi tiền của các nhà đầu tư tư nhân - một bước đi mà ông Dmitry Medvedev cho rằng sẽ "không kém phần đau đớn".
Nga sẽ trả đũa bằng cách nào?
Hãng tin Reuters đã phỏng vẫn 6 nhà kinh tế, luật sư và chuyên gia đang theo dõi tình trạng tài sản bị phong tỏa của cả hai bên kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Theo đó, một trong những biện pháp đối phó của Moscow có khả năng xảy ra nhất là tịch thu tài sản tài chính và chứng khoán của các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang được giữ trong các tài khoản "loại C" đặc biệt ở Nga. Quyền truy cập vào tài khoản này đã bị chặn kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu.
Nga không tiết lộ số tiền trong các tài khoản do Trung tâm lưu ký thanh toán quốc gia của nước này nắm giữ nhưng các quan chức cho hay, số tiền này tương đương với khoảng 300 tỷ USD dự trữ của Moscow đang bị đóng băng.
Vladimir Yazev, nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty đầu tư Aigenis cho biết: “Các khoản tiền hiện đang được giữ trong các tài khoản 'loại C' có thể bắt đầu bị tịch thu. Thêm vào đó, chính phủ Nga có thể xem xét các biện pháp phong tỏa tài sản phi trao đổi vẫn do các quốc gia được xem là 'không thân thiện' nắm giữ. Những tài sản này bao gồm thuế, trợ cấp và quyên góp tư nhân".
Một luật sư người Nga quen thuộc với các tài khoản "loại C" nói rằng, nếu những người không cư trú tại Nga từ chối tham gia vào chương trình hoán đổi tài sản do nhà nước chỉ định điều hành, lựa chọn duy nhất còn lại sẽ là tịch thu tài sản thế chấp.
Theo kế hoạch này, người phương Tây sẽ nhận được quyền sở hữu chứng khoán nước ngoài bị phong tỏa của người Nga và ngược lại, người Nga sẽ nhận được quyền sở hữu chứng khoán nước ngoài bị phong tỏa của người phương Tây.
Mới đây, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng thông tin, vẫn còn rất nhiều tiền phương Tây ở Nga có thể trở thành mục tiêu của các biện pháp đáp trả của Moscow.
Ông cho biết, chính phủ Nga cũng sẽ theo đuổi các thách thức pháp lý chống lại việc tịch thu tài sản của nước này.
Trước đó, hồi tháng 1/2024, hãng thông tấn RIA của nhà nước Nga đưa tin, tài sản trị giá 288 tỷ USD của các công ty phương Tây là "thời cơ chín muồi" để tịch thu ở Nga.
Không chỉ có một cách đáp trả
Kể từ tháng 2/2022, loạt doanh nghiệp phương Tây đã "lũ lượt" rời Nga. Đơn cử như: Tập đoàn năng lượng Shell, gã khổng lồ thức ăn nhanh McDonald's và các nhà sản xuất ô tô Volkswagen và Renault đã bán chi nhánh tại Nga.
Moscow cáo buộc rằng các doanh nghiệp này bán tài sản ở Nga với mức chiết khấu ít nhất 50%. Các doanh nghiệp phương Tây cũng thừa nhận khoản lỗ lên tới 107 tỷ USD - một khoản tiền vượt xa giá trị tài sản vật chất. Nhưng theo các chuyên gia, thiệt hại của doanh nghiệp phương Tây không chỉ nằm ở các tòa nhà hay máy móc mà còn ở công nghệ, bí quyết và các kết nối kèm theo.
Một lĩnh vực đòn bẩy khác mà Moscow có là ở châu Âu - nơi có Euroclear, một công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Bỉ - hiện nắm giữ phần lớn khối tài sản bị đóng băng của Nga.
Một số chính trị gia trong khối lo ngại rằng, đồng Euro có thể bị ảnh hưởng bất lợi nếu các quốc gia khác như Trung Quốc - một đồng minh của Nga - bắt đầu chuyển các khoản dự trữ về nước.
Người phát ngôn của Euroclear nói, Euroclear tính đến tất cả các tình huống rủi ro có thể xảy ra và tăng cường vốn của mình bằng cách giữ lại lợi nhuận liên quan đến lệnh trừng phạt của Nga như một biện pháp đệm chống lại các rủi ro hiện tại và tương lai. Với những lo ngại như vậy, có thể, châu Âu khó "ra tay" với tài sản Moscow.
FDI - một trong những bất lợi của Nga
Dù vậy, không thể phủ nhận, trong "cuộc chiến" tịch thu tài sản, Nga đang gặp phải những bất lợi nhất định.
Kể từ khi các quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng để đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, khoản tiền mà các nhà đầu tư nước ngoài vào Nga đã giảm khoảng 40%, xuống còn 696 tỷ USD.
Các chuyên gia cho hay, bên cạnh cổ phần trong các công ty và tài sản vật chất, Nga có thể nhắm mục tiêu đầu tư nước ngoài nắm giữ vào chứng khoán. Tuy nhiên, số liệu công bố mới nhất của Ngân hàng trung ương Nga về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho thấy, một tỷ lệ lớn tiền trong lĩnh vực này có thể đến từ các công ty Nga đang hoạt động ở nước ngoài.
Gian Maria Milesi-Ferretti, thành viên cấp cao về nghiên cứu kinh tế tại Trung tâm Hutchins về Chính sách tài chính và tiền tệ tại Viện Brookings, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ nhận định: “Một phần tổng vốn FDI vào Nga là tiền của chính người dân nước Nga”.
Ngoài ra, theo ông Gian Maria Milesi-Ferretti, trong khi mối quan hệ với phương Tây rạn nứt, Moscow đã sử dụng thặng dư tài khoản vãng lai gần 300 tỷ USD trong năm 2022-2023 để tích lũy tài sản ở nước ngoài.
"Đất nước của Tổng thống Putin đã giảm sự hội nhập vào các hệ thống tài chính phương Tây kể từ khi các biện pháp trừng phạt đưa ra vào năm 2014. Việc giảm sự phụ thuộc vào tiền nước ngoài cũng hạn chế khả năng trả đũa trong bất kỳ 'cuộc chiến' về tài sản bị đóng băng nào", thành viên cấp cao về nghiên cứu kinh tế tại Trung tâm Hutchins về Chính sách tài chính và tiền tệ tại Viện Brookings khẳng định.
(theo Reuters)