Tài sản quan lại tham nhũng thời xưa bị tịch biên như thế nào?
Để chống tệ nạn tham nhũng, vua triều Nguyễn dùng nhiều biện pháp nghiêm khắc và xử rất nặng, đồng thời tịch biên tài sản.
Dưới triều Nguyễn, quan lại tham nhũng bị coi là mối họa lớn không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội mà còn là nguy cơ làm mục ruỗng bộ máy nhà nước.
Để chống loại tội phạm này, triều Nguyễn thực hiện nhiều biện pháp như: Xây dựng luật pháp nghiêm minh, quy định trách nhiệm hình sự nghiêm khắc. Bên cạnh đó, chú trọng cải cách hành chính, thiết lập một chế độ lương bổng công bằng, hợp lí, răn đe trừng trị kịp thời những người có hành vi tham nhũng, nhận hối lộ, lấy trộm công quỹ và chú trọng việc thu hồi tài sản do phạm tội tham nhũng mà có.
Bộ luật Gia Long xây dựng năm 1811, cơ sở của pháp luật của triều Nguyễn có tổng cộng 398 điều thì có hơn 70 điều quy định về các tội tham nhũng, quan lại lạm quyền, trong đó có các điều liên quan đến thu hồi tài sản do tham nhũng mà có như: Tịch thu trả lại của đút lót, ẩn giấu man trá gia sản sung làm của công…
Sách Đại Nam Hội điển sự lệ quyển 180 phần luật về tội danh và các lệ có quy định về tang vật nên trả lại hay tịch thu. Quy định này phân biệt tương đối rạch ròi những tài sản nào thì tịch biên sung công, tài sản nào trả về cho người dân.
Đại Nam Hội điển sự lệ viết: “Những tang vật nào mà hai bên cùng có tội (tức là tội tham tang làm cong pháp luật, số tang vật người đưa và người nhận đều phạm tội cả) thì sung vào của công. Nếu là số tang vật thuộc về kẻ lấy người cho, không có sự thỏa thuận giữa hai bên, dùng cường quyền, sinh sự, bắt hiếp mà lấy, hay yêu sách mà lấy thì đều trả lại cho người chủ có tang vật ấy.
Các quan lại lấy cắp của công, tham tang, hết thảy các tội bắt phải bồi lại lạng bạc, thì quan coi doanh, trấn ấy phải ủy cho viên quan tra xét của công hội họp với quan địa phương bắt người nhà của kẻ can phạm ấy khai ruộng nhà, đề vật trình rõ ràng, đến kỳ thì cùng công đánh giá, biên rõ vào sổ sách, báo lên thượng ty biết… Quan lại nào bớt xén sách nhiễu thì chiếu luật “xén móc lấy tiền lương”, “tham tang làm sai pháp luật” mà trị tội”.
Để giám sát hành vi của quan lại, xử lý tài sản quan lại tham nhũng, triều Nguyễn đặt ra các các cơ quan sát hạch, chỉnh đốn phép làm quan. Năm 1804, vua Gia Long đặt các chức quan Đô ngự sử và Phó đô ngự.
Năm Gia Long thứ 6 (1805) đặt Ngự sử đài. Năm 1832, vua Minh Mệnh chính thức thành lập Đô sát viện với một quy chế đầy đủ bao gồm Lục khoa (Thanh tra, giám sát lục bộ và các viện, ty ở trung ương) và giám sát ngự sử 16 đạo ở địa phương.
Năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), vua cho Đình thần bàn định hợp Thanh tra Bộ hình và Thanh tra Bộ hộ theo định kỳ 6 năm 1 khóa để xử lý các đồ vật, của cải tịch biên, sung công quỹ.
Phàm các án có bằng chứng kiện cáo, phải sung công ruộng đất, tài vật và truy thu, hết thảy đem ra xét hỏi, dựng thành án tâu lên, cứ lấy tháng hai làm hạn.
Nhằm ngăn ngừa, phòng chống tệ nạn tham nhũng, các vua triều Nguyễn dùng nhiều biện pháp nghiêm khắc và xử rất nặng nhiều vụ án quan lại tham nhũng, đồng thời tịch biên gia sản sung công các tài sản do tham ô mà có và trả lại cho người dân.
Chính sử Đại Nam thực lục cho biết, năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), phó tổng trấn thành Gia Định Hoàng Công Lý (là nhạc phụ của nhà vua) tham nhũng, tang vật đến trên 2 vạn quan tiền. Vua đã gạt tình riêng, giao Đình thần bàn xét, đáng tội chết, bèn đem giết, tịch thu gia sản đem trả lại cho dân.
Năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), vua cho xử chém bêu đầu viên bị cách là Trần Nhật Vĩnh, dâm ô, tham nhũng, bị dân Gia Định tố cáo đến hơn 30 khoản và tịch biên nhà hắn được hơn 128.000 quan.
Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), tri huyện huyện Nghĩa An là Ngô Thế Chu mở tiệc hát xướng, nhận hơn 300 quan tiền của dân. Tỉnh Biên Hòa tâu lên. Án xử phạt trượng và tội đồ, truy thu tang tiền sung công. Vua cho rằng tang tiền ấy là do dân thuận tình mà đưa, chứ không phải là yêu sách, nên miễn cho tội đồ. Thế Chu bị phát đi phủ Tây Ninh, hết sức làm việc để chuộc tội. Tang tiền ấy chia cho dân nghèo.
Dưới thời vua Tự Đức, xét xử nguyên tuần phủ Hưng Yên Tôn Thất Đản tham nhũng. Đây là vụ án lớn, có quá trình điều tra kéo dài, từ năm Tự Đức 24 (1871) đến năm Tự Đức 27 (1874). Có tới 14 châu bản triều Nguyễn ghi lại vụ án này, có những văn bản hàng trăm trang. Nội dung văn bản xoay quanh việc tố cáo, xét xử, kết án, tịch biên và định giá gia sản của nguyên Thự tuần phủ Hưng Yên Tôn Thất Đản.
Tổng cộng số tiền Tôn Thất Đản tham nhũng rất lớn, từ tháng 7 năm Tự Đức 21 (1868) đến tháng 7 năm Tự Đức 24 (1871) đã lấy tiền bạc, gạo và mua sắm các vật hạng cùng chi việc công ở tỉnh là 8.405 quan tiền, 56 hốt 5 lượng bạc. Từ tháng 8 năm Tự Đức 21 (1868) đến tháng 7 năm Tự Đức 24 (1871) sức lấy tiền gạo trong kho là 4.830 quan tiền, 910 phương gạo trắng…
Như vậy, có thể thấy, những viên quan tham khi bị phát giác và kết án không những phải chịu tội theo luật mà còn phải bồi hoàn số tiền đã tham ô. Với biện pháp này triều Nguyễn phần nào đó hạn chế được nạn tham quan và thu hồi được những tài sản công bị chiếm dụng.