Tài sản quốc gia Hoàng đế chi bảo
Theo thông tin từ nhà đấu giá Millon, Hoàng đế chi bảo có giá dự kiến từ 2-3 triệu EUR. Các nhà nghiên cứu cho biết đây là chiếc ấn vàng quan trọng của thời nhà Nguyễn (1802-1945)
Ngày 24-10, ông Nguyễn Đắc Xuân, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế, đã ký văn bản gửi hãng đấu giá Millon (Pháp), kiến nghị hủy bỏ cuộc đấu giá chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo" (bửu) và bát vàng của vua Khải Định dự kiến diễn ra vào ngày 31-10 tới.
Trong văn bản, ông Xuân khẳng định: "Bảo vật quốc gia của bất kỳ quốc gia nào đều bị cấm chuyển nhượng, kể cả việc bán đấu giá công khai. Nước Pháp với tư cách là một quốc gia nên không thể và không được tiếm quyền xóa bỏ thỏa ước hay công ước vì bất cứ lý do nào".
Các nhà nghiên cứu cho biết "Hoàng đế chi bảo" có hình vuông kép chồng lên nhau, quai ấn là một con rồng uốn khúc (rồng đoanh), đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng về phía trước. Đỉnh đầu rồng khắc hình chữ vương; kỳ (vây lưng) và đuôi dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước; 4 chân rồng đúc rõ 5 móng, tư thế chống chân xuống mặt ấn rất vững vàng. Mặt dưới của ấn khắc 4 chữ triện "Hoàng đế chi bảo". Mặt trên của ấn, phía 2 bên quai khắc nổi 2 dòng chữ: "Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo" (đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4). "Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân" - (Đúc bằng vàng, trọng lượng 280 lạng 9 chỉ 2 phân).
"Hoàng đế chi bảo" có nghĩa là ấn của hoàng đế, đúc vào năm thứ 4 đời vua Minh Mạng (năm 1823), chất liệu bằng vàng, nặng 10,78 kg và truyền từ đời vua này đến đời vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại.
Ông Nguyễn Đắc Xuân nói rằng ấn này chỉ đóng vào những văn bản quan trọng do vua ký tên như sắc phong, đất đai… từ đời Minh Mạng đến Bảo Đại dùng. "Hoàng đế chi bảo" cùng cây kiếm được cựu hoàng Bảo Đại trao cho phái đoàn Trần Huy Liệu, là đại diện của phái đoàn cách mạng trong lễ tuyên bố thoái vị của mình vào chiều 30-8-1945 tại Đại nội Huế. Sau đó được đưa ra Hà Nội cùng với nhiều đồ vật khác.
Theo ông Xuân, Bảo Đại đại diện cho nhà Nguyễn xin thoái vị, chuyển quyền hết cho cách mạng mà biểu tượng cho việc này là ấn và kiếm. Vì vậy, bảo vật này được xem là vô giá.
"Khi nghe tin báu vật này sẽ đưa ra đấu giá thì tôi rất mừng vì cuối cùng đã biết chiếc ấn này đang ở đâu sau bao nhiêu năm mất tích. Tuy nhiên, tôi rất phẫn nộ vì quốc bảo của nước Việt Nam bị đưa ra buôn bán. Chiếc ấn đúc thời đại quân chủ nước Đại Nam thống nhất, hùng mạnh nhất. Đó là biểu tượng của một quốc gia không ai được giữ cả. Vì vậy người giữ ấn và tổ chức đưa ra đấu giá đều bất hợp pháp, họ đã bất chấp luật lệ quốc tế. Chúng ta cần đấu tranh mạnh mẽ để dừng cuộc đấu giá này lại" - ông Xuân phân tích.
Ông Xuân cho biết từ năm 1996 ông đã qua Pháp và được bà Bùi Mộng Điệp (thứ phi của vua Bảo Đại) kể lại hành trình lưu lạc của bộ ấn kiếm này.
"Bà Mộng Điệp kể rằng sau ngày toàn quốc kháng chiến vào tháng 12-1946, không biết lý do gì mà ấn kiếm rơi vào tay người Pháp. Hai cổ vật này được người Pháp tìm thấy khi chúng được bỏ vào một thùng dùng để đựng dầu hỏa làm bằng thiếc. Ông Lê Thanh Cảnh (người làm việc cho Pháp) đã liên hệ với bà Mộng Điệp để trả lại cho Bảo Đại. Tuy nhiên, khi đó Bảo Đại đang ở Pháp nên không ai đủ tư cách đứng ra nhận. Cuối cùng, bà Mộng Điệp và mẹ vua Bảo Đại là đức Từ Cung đã đứng ra nhận lại 2 bảo vật này tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vào ngày 3-3-1952" - ông Xuân kể lại.
Bà Mộng Điệp nói với ông Xuân rằng cây kiếm có tay cầm bằng ngọc trắng, lưỡi hơi cong, bị bẻ làm đôi. Sau khi nhận lại thì bà Mộng Điệp đã thuê người hàn lại nên khó nhận biết và được cất giữ trong một thùng sắt.
Năm 1953, Bảo Đại viết giấy và giao cho bà Mộng Điệp đưa cặp ấn kiếm cùng một số tư trang sang Pháp. Sau đó, bà Mộng Điệp giao chúng lại cho Hoàng hậu Nam Phương và Hoàng tử Bảo Long để "danh chính ngôn thuận".
"Thời điểm tôi gặp bà Mộng Điệp năm 1996 thì bà nói rằng 2 báu vật này vẫn do Bảo Long cất giữ. Trước đây, nhiều lần Bảo Đại muốn lấy chiếc ấn để đóng vào cuốn hồi ký của mình nhưng Bảo Long không cho. Sau này chiếc ấn mới được trả lại cho Bảo Đại và có thể vị cựu hoàng đế này đã viết di chúc để lại cho người vợ cuối của mình là bà Monique Baudot. Bà này không có con nên có thể người thân, họ hàng của bà này mang chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo" ra bán đấu giá lần này" - ông Xuân kể.
Ông Xuân cho rằng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đặc biệt là tỉnh Thừa Thiên - Huế cần phải thành lập ban cố vấn để thu thập, thống kê các tài sản của quốc gia liên quan đến nhà Nguyễn nhằm có phương án thu hồi những vật quý đã thất lạc.