Góp phần quan trọng hoàn thiện hạ tầng giao thông quốc gia

Tập đoàn Đèo cả hiện đã và đang là nhà đầu tư 6 dự án trọng điểm quốc gia với tổng giá trị khoảng 100.000 tỷ đồng. Trong đó các dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh đang triển khai, là hai dự án được đầu tư theo mô hình PPP++ nhằm huy động nguồn lực giữa Nhà nước, địa phương và doanh nghiệp để giải quyết khó khăn về phương án tài chính đáp ứng yêu cầu khởi công và hoàn thành dự án.

Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả

Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả

Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả.

Ông có thể chia sẻ về mô hình PPP++ mà tập đoàn đang triển khai?

Trong quá trình triển khai các dự án, Tập đoàn đã chủ động kiến nghị với cơ quan chức năng tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách và khung pháp lý và được đồng thuận (như áp dụng cơ chế góp vốn ngân sách nhà nước theo tỷ lệ 70-30 cho vùng khó khăn; cơ chế đặc thù cấp phép mỏ vật liệu…) nhằm thu hút các nguồn lực trong xã hội cùng Nhà nước xây dựng hạ tầng giao thông đất nước.

Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ để tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho các dự án PPP và áp dụng linh hoạt trong mô hình PPP++, Tập đoàn Đèo Cả trong năm 2025 sẽ tiếp tục là nhà đầu tư đề xuất các dự án trong điểm theo hình thức PPP như Dự án mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận; Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, cao tốc Đồng Đăng Trà Lĩnh giai đoạn 2,… góp phần hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành 5.000 đường cao tốc trên cả nước trước năm 2030.

Trong năm 2025 chiến lược trọng tâm của Tập đoàn Đèo Cả là gì thưa ông?

Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục định hướng phát triển tập trung vào hạ tầng giao thông với ba lĩnh vực mũi nhọn: đầu tư, tổng thầu thi công và quản lý khai thác công trình giao thông. Với quy mô gần 10.000 nhân lực và hơn 1.000 đầu máy thiết bị, Tập đoàn hiện đóng vai trò Tổng thầu thi công xây lắp tại 15 dự án cao tốc như cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Quy Nhơn – Chí Thạnh, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột,…

Trong năm 2025, Tập đoàn Đèo Cả xác định tập trung triển khai tốt các dự án đang thi công nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ và an toàn theo tinh thần “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” do Thủ tướng Chính phủ phát động, đáp ứng sự kỳ vọng của Nhà nước và người dân. Đồng thời, Tập đoàn cũng đang chủ động chuẩn bị nguồn lực về con người, kinh nghiệm và thiết bị để tham gia vào đại dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, dự kiến triển khai trong năm 2027.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn với tổng mức đầu tư hơn 12 nghìn tỷ

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn với tổng mức đầu tư hơn 12 nghìn tỷ

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, Tập đoàn đã hoàn thành Trung tâm Đào tạo Huấn luyện Thực hành Đèo Cả tại tỉnh Lạng Sơn nhằm phát triển nguồn nhân lực tại địa phương nơi có dự án đi qua (công nhân, lái xe lái máy, kỹ sư thực chiến). Việc đào tạo một mặt sẽ cung cấp nhân lực tay nghề cao cho hai dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng – Trà Lĩnh, mặt khác sẽ trở thành nguồn nhân lực dự trữ cho các dự án trong thời gian tới.

Ngoài ra, Tập đoàn Đèo Cả còn tổ chức các chương trình học tập tại nước ngoài, nghiên cứu thực tiễn về đào tạo ngành đường sắt - metro và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Đặc biệt, Đèo Cả tích cực hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao từ quốc tế để chuyển giao công nghệ, hấp thụ chuyên gia và áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào thực tế.

Ông cho biết cụ thể hơn về “mũi nhọn thứ 3” là quản lý và khai thác công trình giao thông?

Tập đoàn Đèo Cả với kinh nghiệm quản lý khai thác hơn 430km đường cao tốc và quốc lộ, 29km hầm đường bộ, 6 cây cầu lớn và tổ chức 18 trạm thu phí trên cả nước tại các dự án hầm Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân, cao tốc Bắc Giang Lạng Sơn, Trung Lương Mỹ Thuận,... Năm 2025 đánh dấu cột mốc quan trọng khi Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc trên cả nước và tiến tới hoàn thành 5.000km đường cao tốc năm 2030. Tập đoàn xác định đây sẽ là cơ hội lớn để tiếp tục phát huy thế mạnh trong lĩnh vực quản lý, vận hành và khai thác các công trình giao thông, đặc biệt là hầm xuyên núi và cao tốc.

Với các kế hoạch trọng tâm trong năm 2025 xoay quanh chiến lược tăng trưởng tập trung vào hạ tầng giao thông, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động chuẩn bị nguồn lực cả về nhân sự và công nghệ để đón đầu các xu hướng mới trong ngành, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao và metro. Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả sẽ hoàn thành chương trình đào tạo Đường sắt và metro khóa 1 vào tháng 6/2025 và tiếp tục khai giảng khóa 2. Với chiến lược tăng trưởng đồng bộ và trọng tâm, Tập đoàn Đèo Cả tin tưởng sẽ góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hạ tầng giao thông quốc gia, đồng thời khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực đầu tư, thi công và vận hành công trình giao thông tại Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Thảo Nguyên

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/gop-phan-quan-trong-hoan-thien-ha-tang-giao-thong-quoc-gia-159416.html