Tài sản trí tuệ - nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế
Tài sản trí tuệ (TSTT) đã và đang trở thành công cụ đắc lực và hữu hiệu giúp các địa phương, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khai thác tiềm năng, lợi thế và nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm, hàng hóa. Do vậy, tạo lập, phát triển và bảo vệ TSTT sẽ khuyến khích, tạo động lực cho sự sáng tạo, thúc đẩy cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học để tạo ra những sản phẩm mới, hữu ích cho xã hội.
Xã Bắc Lương (Thọ Xuân) có hơn 40ha trồng bưởi diễn, bưởi đường đào, trong đó có 15ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP với 35 hộ tham gia. Để nâng cao giá trị sản phẩm, huyện Thọ Xuân đã quy hoạch, phát triển vùng cây ăn quả tập trung, trong đó có cây bưởi diễn, cung cấp sản phẩm với số lượng lớn theo hướng hàng hóa; hướng dẫn nông dân đổi mới quy trình thâm canh, áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất tiên tiến như: chọn giống chất lượng cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, định hướng hữu cơ... Năm 2023, bưởi diễn Bắc Lương được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Với việc được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bắc Lương” cho sản phẩm đồng nghĩa với việc được Nhà nước bảo hộ, chống vi phạm quyền SHTT và nâng cao uy tín, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Với hương vị thơm ngon, độ giòn tan khi thưởng thức, kẹo nhãn Lang Chánh đã làm nên thương hiệu, trở thành đặc sản được khách hàng ưa chuộng. Với những giá trị mang lại, năm 2017, Bộ KH&CN phê duyệt danh mục dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT đối với sản phẩm kẹo nhãn Lang Chánh. Đây là tiền đề quan trọng để sản phẩm từ một đặc sản truyền thống phát triển thành một thương hiệu trên thị trường. Đồng thời, là cơ hội nâng cao giá trị sản phẩm; mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm; chống hàng giả, hàng nhái, cũng như phục vụ phát triển du lịch. Để giữ vững thương hiệu truyền thống, huyện Lang Chánh chú trọng công tác quảng bá cho sản phẩm; phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, gắn với chương trình OCOP của địa phương, hướng đến xây dựng làng nghề kẹo nhãn truyền thống; thực hiện việc liên kết với các đơn vị sản xuất khác để đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho chuỗi giá trị; xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng; đầu tư liên kết hoặc mở các chuỗi cửa hàng bán lẻ để tiêu thụ và quảng bá sản phẩm tại các trung tâm thành phố và các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.
Nhằm nâng cao nhận thức về SHTT, những năm qua, Sở KH&CN đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của các địa phương, viện, trường, doanh nghiệp để hướng dẫn triển khai thực hiện bảo hộ quyền sở hữu, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo dựng, phát triển các TSTT của tỉnh. Theo đó, Sở KH&CN phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu với UBND tỉnh ban hành hệ thống các văn bản liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, gắn với hoạt động SHTT, phát triển TSTT. Trong đó, nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo dựng, phát triển các TSTT của tỉnh giai đoạn 2020-2025, như: Quyết định số 4408/QĐ-UBND, ngày 5/11/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND, ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025...
Để triển khai các đề án, chính sách hỗ trợ hoạt động SHTT nói trên, ngành KH&CN đã chủ trì, phối hợp tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị, tập huấn và trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu đặc sản tỉnh; hàng năm các địa phương đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tích cực đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và quyền SHTT để quản lý và quảng bá thương hiệu đặc sản nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm. Hiện nay, toàn tỉnh đã triển khai hướng dẫn hơn 400 tổ chức, cá nhân (550 lượt hướng dẫn) về quyền SHTT; có 62 văn bằng bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề; trong đó, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm gắn với địa danh địa phương, gồm: Dưa hấu Mai An Tiêm, cói Nga Sơn (Nga Sơn); bưởi Luận Văn, bưởi Bắc Lương (Thọ Xuân); quế ngọc Thường Xuân; cải Làng Lê (Yên Định); mắm tôm Hậu Lộc (Hậu Lộc)... và 16 sản phẩm địa phương được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, gồm: nước mắm Do Xuyên - Ba Làng, chè lam Phủ Quảng, mắm tép Hà Yên, tương làng Ái, rượu làng Quảng Xá, bánh gai Tứ Trụ, nón lá Trường Giang, tơ Hồng Đô, nước mắm Khúc Phụ, cam Vân Du, bưởi Thanh Đường, cam Xuân Thành, vịt Cổ Lũng... đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tạo tiền đề để phát triển sản phẩm truyền thống của các địa phương trên cơ sở có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc hỗ trợ các đặc sản địa phương mới dừng lại ở việc bảo hộ, vấn đề kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu sản phẩm chưa được triển khai rộng rãi. Vấn đề xâm phạm quyền SHTT vẫn còn diễn ra phức tạp, trong khi chương trình chưa triển khai được nhiều dự án quy mô lớn để xử lý vấn đề này. Chương trình hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm đặc trưng giai đoạn này mới chỉ tổ chức được nhiệm vụ triển khai xây dựng và hỗ trợ phát triển thương hiệu, còn thiếu cơ chế hỗ trợ đăng ký và phát triển TSTT...
Bằng những biện pháp đồng bộ, chương trình hỗ trợ phát triển TSTT đã tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân về tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển TSTT. Thời gian tới, các sở, ngành liên quan cần tiếp tục hướng dẫn các địa phương, các doanh nghiệp phát triển nhãn hiệu, thương hiệu dựa trên các quyền SHTT đối với địa danh dùng cho sản phẩm đặc thù. Cùng với đó, cần nâng cao vai trò của quản lý Nhà nước về kiểm soát sử dụng nhãn hiệu trên thị trường, tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Và chỉ khi nhận thức của người dân và doanh nghiệp về SHTT được nâng cao, thì tình trạng vi phạm quyền SHTT sẽ giảm, và đó là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.