Giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng: Cần một chiến lược xanh toàn diện

Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian tới, Chính phủ và doanh nghiệp cần phối hợp xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, từ đó khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng bền vững hơn.

Cần cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Cần cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh hướng đến một nền kinh tế bền vững không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là cơ hội lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng sống và bảo vệ môi trường thông qua việc đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Vì vậy, tại Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường năm 2024 diễn ra chiều 12/12, ông Thành cho rằng trong thời gian tới Việt Nam cần có một chiến lược toàn diện, sự phối hợp liên ngành và liên khu vực, cũng như tinh thần đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường từ các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân.

Khuyến khích các mô hình sản xuất xanh

Thông tin thêm, ông Thành cho hay để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, Việt Nam cần thúc đẩy các chính sách ưu tiên phát triển công nghệ sạch, năng lượng tái tạo và đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường. Theo đó, Chính phủ và doanh nghiệp cần phối hợp để xây dựng những hành lang pháp lý thuận lợi, từ đó khuyến khích các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn.

Cùng với đó, thời gian tới cần chú trọng vào phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua việc thay đổi tư duy từ “sản xuất - tiêu dùng - thải bỏ” sang “giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế.” Việc thay đổi này cần đẩy mạnh bởi các mô hình tuần hoàn không chỉ giúp giảm lãng phí tài nguyên, bảo vệ môi trường mà còn tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và cộng đồng, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.

Trong lộ trình giảm phát thải cần tập trung vào việc kiểm soát chặt chẽ các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao đồng thời thúc đẩy chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch, thân thiện môi trường; áp dụng công nghệ xanh, công nghệ tốt nhất hiện có, công nghệ không phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Ông Thành cũng lưu ý chất thải không phải là “gánh nặng” mà là một nguồn tài nguyên quý giá nếu biết cách khai thác. “Tuy nhiên, để biến chất thải thành tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế của đất nước thì cần phải đẩy mạnh công tác phân loại chất thải, xây dựng các nhà máy tái chế hiện đại và khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý rác tiên tiến là những hướng đi cần thiết,” ông Thành nói.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của mỗi cá nhân trong việc giảm phát thải cũng cần được đẩy mạnh. Theo đó, việc truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và người dân về bảo vệ môi trường cần phải triển khai rộng khắp, thường xuyên, lâu dài, không ngừng nghỉ.

 Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: HV/Vietnam+)

“Hành trình thực hiện các mục tiêu này đòi hỏi sự cam kết, chung tay của tất cả các bên từ Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội đến từng người dân. Chúng ta cần một chiến lược toàn diện, sự phối hợp liên ngành và liên khu vực, cũng như tinh thần đổi mới sáng tạo không ngừng,” ông Thành nêu quan điểm.

Hoàn thiện cơ chế chuyển đổi năng lượng

Nhấn mạnh đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu, ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nắm bắt thời cơ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển.

Do vậy, ông Quang khuyến nghị một số nhóm giải pháp mà Việt Nam cần chú trọng triển khai. Thứ nhất, trong thời gian tới, nhà nước cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế cacrbon thấp; hoàn thiện cơ chế thu hút nguồn lực cho chuyển đổi xanh; nghiên cứu, phát triển công nghệ mới để giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nắm bắt những công nghệ mới để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng công bằng.

Thứ hai, nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động sự tham gia của toàn xã hội trong thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26; thu hút nguồn lực, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng; khuyến khích doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, phát triển mô hình sản xuất thân thiện môi trường.

Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương tích cực tham gia thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan ngành giao thông vận tải; triển khai thực hiện Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ngày 13/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính(cập nhật); xây dựng Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam cho giai đoạn 2025-2035.

Ngoài ra, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh vận động sự hỗ trợ của quốc tế dành cho Việt Nam thông qua các khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương; tăng cường công tác nghiên cứu kinh nghiệm, thực tiễn tốt của các nước trong xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ chính sách, quy định trong nước phục vụ phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dẫn ví dụ từ ngành điện, ông Quang cho hay theo thống kế, tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước hiện đang là 450 triệu tấn CO2 tương đương, trong đó ngành năng lượng chiếm 2/3 - khoảng 280 triệu tấn CO2 tương đương (riêng ngành điện chiếm 1/2, khoảng 140 triệu tấn). Ngành điện cũng đã có một kế hoạch quy hoạch đến năm 2050, sản lượng điện năng lượng tái tạo chiếm 67-71% (hiện chiếm khoảng 15%). Do vậy cần có hành lang pháp lý khuyên khích phát triển năng lượng tái tạo.

“Vừa qua nhà nước ban hành nhiều cơ chế chính sách, năng lượng sạch. Đối với mỗi công nhân, lao động cần tiếp tục hăng say lao động, tiếp tục có những sáng kiến xanh như vận hành trụ điện tạo ra năng lượng tái tạo tốt nhất. Ngoài ra, chúng ta cần thay đổi hành vi, lối sống liên quan đến cuộc sống hàng ngày như tiết kiệm điện, trồng cây xanh để góp phần bảo vệ môi trường từ những điều nhỏ nhất,” ông Quang nói./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/giam-phat-thai-chuyen-doi-nang-luong-can-mot-chien-luoc-xanh-toan-dien-post1001710.vnp