Tài sản vô giá cho hậu thế
Trở lại năm 2012, khi UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, niềm vui ấy, sự tự hào lớn lao ấy lan tỏa khắp cả đất nước Việt Nam. Bởi một lẽ đơn giản, đâu đâu trên mảnh đất hình chữ S này, Vua Hùng cũng được Nhân dân thành kính khói hương.

Thành kính tưởng nhớ, tri ân công đức cao dày của các vị Vua Hùng. (Ảnh: Hoạt cảnh khai Lễ Giỗ Tổ Vua Hùng tại Cà Mau năm 2024)
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 1.400 nơi thờ cúng Hùng Vương trải dài từ Bắc chí Nam. Tín ngưỡng thờ Vua Hùng biểu hiện sâu sắc cho ý thức về nguồn cội, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và khẳng định sức sống mãnh liệt, trường tồn của một đất nước văn hiến, một dân tộc anh hùng với nền văn hóa đậm đà bản sắc trải suốt 4000 năm lịch sử.
Thời đại Hùng Vương là thời đại khai mở của lịch sử dựng nước, định hình những giá trị nguồn cội của dân tộc. Với sự ra đời của Nhà nước đầu tiên trong lịch sử, thời đại Hùng Vương đã khẳng định sự phát triển rực rỡ của nền văn minh người Việt cổ. Một mệnh đề cô đọng nhưng vô cùng sâu sắc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” (Bác nói ngày 19/9/1954 với Đại đoàn quân tiên phong tại Đền Hùng trước ngày về tiếp quản Thủ đô sau 9 năm kháng Pháp thắng lợi).
Trước những biến thiên thăng trầm, khắc nghiệt của lịch sử thì sức sống của dân tộc ta càng tỏa rạng. Đã là người Việt thì cái nghĩa đồng bào “trăm trứng sinh ra trăm con”, ý thức về chung một nòi giống “con Lạc, cháu Hồng” mãi mãi được trao truyền, chảy suốt trong huyết quản. Những giai thoại, truyền thuyết liên quan đến thời đại Hùng Vương đã hình ảnh hóa tinh thần đại đoàn kết, sức mạnh vô địch của dân tộc ta khi đứng trước những thách thức; là bản hùng ca khẳng định chủ quyền về cương thổ, về văn hóa, về chính trị với bè lũ ngoại xâm. Đó còn là biểu hiện của một dân tộc nhân nghĩa, thủy chung, nhân văn, luôn luôn coi trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân và tiếp nối những ký thác của thế hệ đi trước trao gởi lại.
Chúng tôi nói về Đền thờ Vua Hùng ở Cà Mau như là một câu chuyện để gợi mở thêm những điều sâu sắc ấy. Hiện tại, Đền thờ Vua Hùng ở Cà Mau tọa lạc tại ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình với bề dày lịch sử ngót 200 năm - một con số gợi mở nhiều điều nếu đặt trong lịch sử khoảng hơn 300 năm của vùng đất mới ở địa đầu cực Nam Tổ quốc. Làm sao cư dân vùng Cà Mau lại có một Đền thờ Vua Hùng lâu đến vậy, niềm tin và tấm lòng thành kính của bà con lại sâu sắc, lan tỏa đến vậy. Sự thắc mắc, ngạc nhiên là điều có thể hiểu.
Nhưng nếu nhìn sâu vào quá trình khẩn hoang mở cõi của tiền nhân ở đất Cà Mau sẽ thấy câu trả lời đầy thuyết phục. Để đối mặt với biết bao nhọc nhằn, gian khổ, hiểm nguy, những lớp người đầu tiên đến đất này đã cùng nhau tìm kiếm, nương náu vào niềm tin tín ngưỡng, sức mạnh tinh thần. Không đâu vững trải, thiêng liêng và hiện hữu rõ ràng cho bằng tâm thức cội nguồn dân tộc. Và, Đền thờ Vua Hùng ở Cà Mau đã được dựng cất như một lẽ tự nhiên để con người cùng nhau hướng về cội nguồn, cùng nhau cố kết, cùng nhau vượt qua mọi trở ngại, khó khăn.

Dòng người tề tựu, thành kính hương khói trong ngày Giỗ Tổ tại Cà Mau năm 2024.
Kiến họ Phan ở vùng Giao Khẩu kế tục nhau hương khói, phụng thờ Đền Hùng ở Cà Mau, có thể gọi đây là những pho sử sống về quá trình hình thành, truyền giữ qua những thăng trầm của nơi chốn thiêng liêng này.
Ông Bảy Thông (Phan Văn Thông) là người đã cung cấp cho chúng tôi cái nhìn vừa sâu, vừa rộng, vừa hết sức sinh động về Đền thờ Vua Hùng tại Cà Mau qua các giai đoạn.
Theo đó, Đền thờ Vua Hùng ở Cà Mau được xây cất đầu tiên trên con đường “cái quan” mạn Bắc Cà Mau. Nếu chiếu vào hành trình mở cõi tiến về phía Nam, thì có thể khẳng định, những cư dân về Cà Mau đã ý thức rất sớm về việc thờ cúng Vua Hùng. Ban đầu, đây chỉ là cái miếu nhỏ, có dán đôi câu đối Nho (chữ Nôm hoặc Hán) do những người có chút ít vốn liếng chữ nghĩa biên soạn. Còn với đại đa số lưu dân buổi đầu mở đất, cái miếu ấy được thành kính khói hương bởi đó là nơi thờ cúng “Ông Vua”. Không ai rõ là “Ông Vua” nào, chỉ biết đó là “Ông Vua” của người Việt, của nước Việt.
Sang thời Pháp đô hộ, việc hương khói miếu Ông Vua chủ yếu do các hương chức, hội tề làng xã thời kỳ ấy chủ trì trông coi, thờ phụng. Lệ hằng năm, mùng 9 tháng 3 (âm lịch) xóm làng, bà con tề tựu chuẩn bị chu đáo vật phẩm, mùng 10 thành kính dâng lễ cúng dường, khẩn cầu những điều tốt đẹp. Tại vùng Giao Khẩu, người đi trước trao truyền, căn dặn con cháu nối tiếp theo lệ thờ cúng ấy rất nghiêm cẩn.
Đến năm 1950, cụ Phan Văn Sạng (thân sinh ông Phan Văn Thông) là cơ sở cách mạng, cũng là bậc cao niên am hiểu lệ cúng bái miếu Ông Vua, được tín nhiệm bầu làm Chủ miếu. Suốt từ năm 1950 đến năm 1970, khi cụ Sạng mất, lệ cúng vẫn duy trì đều đặn, chu toàn.
Theo lời kể của ông Bảy Thông, thường bà con chuẩn bị vật phẩm cúng dâng là một con heo trắng, rồi thì bà con làm đủ loại bánh trái đến cúng dường; cúng kiếng xong thì bày ra ăn uống, chuyện trò, thăm hỏi nhau. Trong dòng ký ức và sự hiểu biết của mình, ông Bảy Thông khẳng định: “Có những lúc chiến tranh khốc liệt, bà con phần nhiều tản cư, nhưng vẫn có những người dân vùng Giao Khẩu bám trụ, hương khói, cúng bái rất chu đáo mỗi dịp giỗ miếu Ông Vua. Có lúc cả vùng chỉ còn có 3 nóc gia trụ lại nơi này để ngày đêm khói hương cho ngôi miếu”.
Cụ Sạng, thân sinh ông Bảy Thông, là một minh chứng xúc động cho tấm lòng của bà con vùng Giao Khẩu với miếu Ông Vua. Cụ Sạng kiên quyết không tản cư chạy bom đạn giặc mà bám trụ ở lại để làm tròn nhiệm vụ Chủ miếu và cơ sở cách mạng. Rồi một lần ra sau đồng, cụ Sạng đạp trúng “trái nổ”, qua đời. Người dượng của ông Bảy Thông là ông Nguyễn Văn Cống đứng ra gánh vác trách nhiệm trông coi, thờ phụng ngôi miếu. Thời điểm này, ngôi miếu trúng bom giặc cháy trụi. Ông Cống là người đứng ra vận động sức người, sức của để xây cất ngôi miếu lớn hơn, bề thế hơn dù chỉ bằng cây lá địa phương và cách vị trí miếu cũ khoảng 300 m.
Suốt từ năm 1970 đến năm 1993, dưới sự chủ trì của ông Cống, nhất là sau “tiếp thu” (năm 1975), khi đất nước hòa bình, thống nhất, lệ cúng bái miếu Ông Vua không chỉ được duy trì mà quy mô và sức lan tỏa ngày càng lớn.

Dịp giỗ Tổ hằng năm, người dân Thới Bình nói chung, vùng Giao Khẩu nói riêng lại tề tựu chuẩn bị vật phẩm tiến dâng Vua Hùng. (Ảnh: Chị em phụ nữ Thới Bình gói bánh dâng Vua Hùng dịp Giỗ Tổ năm 2024)
Cũng sau thời điểm 1993, miếu Ông Vua được trả lại đúng tên là Đền thờ Vua Hùng. Việc Giỗ Tổ Hùng Vương được chuẩn bị bài bản hơn, quy củ hơn với sự quan tâm của chính quyền địa phương và các nguồn lực xã hội hóa.
Năm 2011, Đền thờ Vua Hùng tại Cà Mau được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Năm 2022, việc trùng tu, tôn tạo Đền thờ Vua Hùng hoàn tất, không gian linh thiêng này thêm uy nghiêm, trang trọng.
Đến thời điểm hiện tại, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành một sự kiện quan trọng thường niên của người Cà Mau, và Đền thờ Vua Hùng là một nơi chốn thiêng liêng để dòng người hành hương từ khắp nơi trở về, tìm về với tâm thức cội nguồn của dân tộc.
Việc đưa Lễ Giỗ Tổ vào chuỗi hoạt động gắn với chương trình “Cà Mau - Điểm đến” hằng năm đã lan tỏa thêm niềm tự hào của đất và người Cà Mau, mang vùng đất mới của những điều kỳ diệu, thảo thơm, tươi đẹp đến gần hơn, cuốn hút hơn với bạn bè muôn phương. Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để người người cầu cho “quốc thái, dân an”, đất nước ngày càng đổi mới, phát triển, phồn vinh, hạnh phúc. Ý nguyện ấy kết nối, lan tỏa, trở thành sức mạnh tinh thần to lớn, và tất cả đều có chung một khởi nguồn trường tồn là cội nguồn dân tộc.
Xin tri ân những thế hệ tiền nhân ở Cà Mau, những con người bình dị của vùng đất Giao Khẩu đã không chỉ tiếp nối mà còn góp phần làm tỏa rạng lịch sử hơn 4000 năm đất nước Việt Nam, một đất nước văn hiến, một dân tộc anh hùng. Để hôm nay, tại Cà Mau - vùng đất địa đầu thiêng liêng cực Nam Tổ quốc Việt Nam, Đền thờ Vua Hùng hiện diện uy nghiêm và trở thành tài sản vô giá cho hậu thế.
Những ngày này, cả dân tộc Việt Nam cùng nhau cúi đầu thành kính hướng về cội nguồn: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”…
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tai-san-vo-gia-cho-hau-the-a38185.html