Tại sao 5 ngày nghỉ lễ trôi qua nhanh

Những dịp nghỉ lễ dài ngày, phần đông đều thấy thời gian trôi qua nhanh chóng. Tâm lý chung này không giống nhau một cách tình cờ mà được lý giải dưới góc độ khoa học.

Hàng ngày, đa số đều thấy có rất nhiều điều bình thường xảy ra, khiến thời gian trong ngày trôi qua. Đồng hồ báo thức kêu mỗi sáng, giao thông đông đúc vào cùng một thời điểm trong ngày, dân văn phòng đi làm trong khung giờ nhất định, sau đó về nhà, ăn uống và lên giường đi ngủ.

Nói cách khác, chúng ta dùng những cột mốc đó để đánh giá nhịp điệu của mọi thứ xung quanh.

Nhưng khi trải qua kỳ nghỉ lễ hay tham gia chuyến du lịch, tất cả mốc thời gian thông thường này đều biến mất. Sự kích thích của những cảnh vật, âm thanh và trải nghiệm làm cho thế cân bằng bị phá vỡ và tạo ra hai loại đánh giá về thời gian.

Kết quả là nhận định sai lệch về thời gian được tạo ra, dẫn đến việc chúng ta thường thấy các kỳ nghỉ trôi qua rất nhanh chóng, chỉ trong chớp mắt.

 Dù nghỉ ít hay ngắn ngày, phần đông đều có cảm nhận chung là các kỳ nghỉ lễ trôi qua nhanh chóng. Ảnh: NBC News.

Dù nghỉ ít hay ngắn ngày, phần đông đều có cảm nhận chung là các kỳ nghỉ lễ trôi qua nhanh chóng. Ảnh: NBC News.

Nghịch lý kỳ nghỉ

Theo Timetastic, hiện tượng này được nhà tâm lý học Claudia Hammond (Anh) đặt tên là holiday paradox (tạm dịch: nghịch lý kỳ nghỉ), miêu tả việc các kỳ nghỉ lễ kéo dài nhiều ngày nhưng phần lớn đều thấy chúng trôi qua nhanh.

Trong cuốn sách Time Warped: Unlocking the Mysteries of Time Perception, Claudia giải thích cách ý niệm về thời gian được tạo ra từ trong tâm trí con người. Nó liên quan đến nhận thức của chúng ta về thời gian và bị ảnh hưởng bởi số lượng ký ức mỗi người hình thành.

Nhà tâm lý học lý giải khi chúng ta làm điều gì đó mới mẻ và thú vị, chẳng hạn như khi đi chơi và du lịch, thời gian sẽ trôi nhanh hơn so với những khi thấy buồn chán hoặc lo lắng.

Đến khi nhìn lại quá khứ, đánh giá của mỗi người về thời gian dựa trên số lượng ký ức mới mà chúng ta đã xây dựng trong khoảng thời gian đó.

Trung bình, trong hai tuần, một người bình thường chỉ tích lũy được từ 6 đến 9 ký ức mới bởi phần lớn những gì chúng ta làm là các thói quen quen thuộc hàng ngày.

Nhưng trong một kỳ nghỉ, chúng ta có thể xây dựng số lượng ký ức đó trong một ngày bởi vì mọi thứ trải nghiệm đều mới mẻ. Ký ức mới này được não bộ tiếp nhận khiến thời gian trong hồi tưởng dài hơn.

 Những khi vui vẻ, bận rộn, chúng ta có thể mất cảm giác về ngày tháng. Càng lớn tuổi, con người càng thấy thời gian trôi qua nhanh hơn. Ảnh: SCMP.

Những khi vui vẻ, bận rộn, chúng ta có thể mất cảm giác về ngày tháng. Càng lớn tuổi, con người càng thấy thời gian trôi qua nhanh hơn. Ảnh: SCMP.

Thời gian trôi nhanh khi chúng ta già đi

Điều tương tự cũng xảy ra khi chúng ta già đi và bắt đầu thấy thời gian trôi nhanh hơn.

Cảm giác này xuất phát từ chỗ chúng ta ít tạo ra các ký ức mới khi càng lớn tuổi. Khi lớn lên, hầu hết đều đi theo sinh hoạt theo lịch trình cụ thể, sự tò mò về thế giới giảm dần. Chúng ta nhìn lại tháng/năm/thập kỷ trước và không thấy có quá nhiều sự kiện nổi bật.

Các kỷ niệm mới dần trở nên ít hơn khiến nhận thức về thời gian từ đó cũng ngắn đi. "Có ít ký ức về những điều mới hơn và chúng ta làm những điều quen thuộc ngày càng thường xuyên hơn", Hammond nói.

Ngoài ra, có một số khác yếu tố góp phần vào sự cong vênh thời gian này, như cảm xúc, kỳ vọng vào thời điểm đó. Điều này đồng nghĩa với việc nếu chúng ta càng tạo ra nhiều sự kiện mới và thú vị thì chúng ta sẽ có cảm giác thời gian “dài hơn".

Nghịch lý là thời gian trôi nhanh khi bạn vui vẻ, nhưng khi nhìn lại những sự kiện liên quan, chúng dường như kéo dài hơn những sự kiện thông thường.

Một buổi chiều ở công viên giải trí trôi qua nhanh hơn một ngày ngồi trước máy tính, nhưng khi nhớ lại, ngày ở công viên giải trí chiếm phần lớn bộ nhớ của bạn so với ngày "cắm mặt" vào làm việc.

Cảm giác kỳ lạ này thường xuất hiện sau khi bạn quay lại văn phòng, hồi tưởng về chuyến đi của mình. Mặc dù vào thời điểm đó, khi bạn dành cả buổi chiều để nằm dài trên ghế tắm nắng, mọi thứ đang diễn ra với tốc độ khá thoải mái.

Nó xuất phát từ sự mất kết nối giữa bản thân đang trải nghiệm và bản thân đang ghi nhớ - một sự kỳ quặc của bộ não chúng ta giúp lựa chọn một cách có chọn lọc những gì nên nhớ và những gì nên loại bỏ.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-5-ngay-nghi-le-troi-qua-nhanh-post1427864.html