Tại sao ẩm thực Ấn Độ lại đặc trưng với dạng sệt?
Dù nằm trong châu Á nhưng văn hóa ăn uống của người Ấn Độ rất khác lạ so với các nước cùng trong khu vực, đặc biệt là với đặc trưng thức ăn dạng sệt, sánh mịn và nồng nàn hương vị.
Ẩm thực Ấn Độ đa dạng giống như sự đa dạng của tôn giáo của quốc gia này. Mỗi món ăn là một câu chuyện với những giá trị và phong cách sống đặc trưng nơi đây.
Nếu như người dân khu vực Á Đông thường dùng đũa để gắp thức ăn, người Châu Âu dùng dao và thìa thì người Ấn Độ lại đặc biệt với cách dùng tay để ăn uống. Có lẽ, xuất phát từ cách ăn này đã đưa đến sự khác biệt rõ nét trong cách chế biến các món ăn, đặc biệt là độ sánh quyện và sệt của đa số món ăn được chế biến.
Với người Ấn, gia vị được xem là yếu tố cực kỳ quan trọng để tạo ra một món ăn ngon. Chúng có tác dụng làm sánh đặc thức ăn ở dạng bột thường được làm từ ngũ cốc như bắp, lúa mạch, đậu. Những gia vị không sử dụng độc lập mà được kết hợp tạo độ sánh đặc trưng cho món ăn. Chính bởi lẽ đó mà Ấn Độ được biết đến là nơi cung cấp 70% gia vị cho toàn thế giới.
Loại gia vị tạo hương thơm đặc trưng của người Ấn và không thể thiếu trong nhiều món ăn là lá càri. Lá thường được sử dụng ở các dạng tươi, sấy khô hay được xay nhuyễn thành bột. Bên cạnh đó còn rất nhiều gia vị ở dạng nước cũng có tác dụng tạo mùi thơm; được chiết xuất từ các loại thảo mộc như nguyệt quế, tiểu hồi, đại hồi, thảo quả, hồ trăn, đinh hương. Hoặc gia vị ở dạng bột làm từ trái cây như dừa, me, xoài… để tạo ra các vị chua, cay, cũng rất được ưa chuộng. Trước khi dùng để nêm vào thức ăn, gia vị luôn được rang cho khô, như thế thì hương thơm mới đậm đà, thấm đượm.
Trong cách chế biến món ăn của người Ấn, ngoài việc chịu ảnh hưởng từ các quốc gia Á Đông, thì vấn đề tôn giáo cũng đóng vai trò quan trọng. Bởi trong Ấn Độ giáo và Phật giáo, ăn chay là một nét đẹp còn với người Hồi giáo kiêng khem thịt lợn do đó thông dụng nhất vẫn là thịt gà, dê, cừu và các loại thủy hải sản, lượng tiêu thụ thịt ở đây là thấp nhất thế giới. Do đó, món ăn thường được bổ sung thêm bơ, sữa để tạo hương vị đặc trưng cho món ăn. Với niềm tin giúp thanh lọc tinh thần, sữa trâu hay sữa dê ở đây được sử dụng phổ biến tạo nên độ sánh mịn rất riêng cho các món ăn của người dân.
Nói đến các món ăn đặc trưng dạng sệt của người Ấn không thể không kể đến càri. Họ dùng món càri trong mọi bữa cơm thường ngày với rất nhiều khẩu vị khác nhau: càri trứng, hải sản, thịt băm càri, chả viên càri, càri gà, càri bắp cải khô, càri rau củ… Với những nguyên liệu đơn giản, dễ ăn phù hợp với mọi lứa tuổi càri được biến tấu với rất nhiều món ăn bản địa. Món càri kiểu Ấn thơm ngon luôn có sự góp mặt của nhiều loại gia vị như: dầu, bơ, quế, đinh hương, nguyệt quế, thảo quả,... tạo nên hồn cốt vốn có của càri.
Đến với quốc gia này, đặc biệt là ở Nam Ấn Độ, các bữa ăn thường được phục vụ trên lá chuối thay vì đĩa. Ngay cả trong các quán ăn thương mại và nhà hàng, không có gì lạ khi nhìn thấy thức ăn được dọn trên đó. Đây cũng là một trong những lý do thức ăn có dạng sệt để giúp người ăn tăng hiệu quả khi dùng bữa.
Tập tục ăn bằng tay là một truyền thống cổ xưa với ý nghĩa tâm linh của người Ấn. Nó có nguồn gốc từ các văn bản Vệ Đà cổ đại dạy rằng cơ thể chúng ta đồng bộ với các nguyên tố và mỗi ngón tay đại diện cho một trong năm nguyên tố đặc trưng của vũ trụ. Người ta tin rằng bằng cách nối các ngón tay lại với nhau khi ăn, ý thức của một người về thực phẩm họ đang ăn sẽ tăng lên. Chính bởi vậy, đồ ăn dạng sệt giúp tăng trải nghiệm với món ăn hơn và có thể mang tới hương vị chân thật nhất về kết cấu, mùi vị, hương thơm và nhiệt độ của thực phẩm.
Ngày nay, với sự giao thoa văn hóa đa dạng, người phương Tây và người phương Đông tiếp nhận nền ẩm thực của nhau nên trong cách ăn và khẩu vị cũng phần nào cho thấy sự linh hoạt và giao thoa văn hóa. Nhưng dù hòa nhập như thế nào đi chăng nữa, thức ăn sánh mịn được ăn bằng tay vẫn luôn là một nét đặc trưng đặc biệt trong văn hóa của người Ấn Độ.