Tại sao Amazon ngừng bán Kindle tại thị trường Trung Quốc?
Ông lớn thương mại điện tử Amazon sẽ ngừng bán máy đọc sách Kindle và ngừng cung cấp các ứng dụng liên quan tại Trung Quốc.
Người phát ngôn của Amazon cho biết trong một tuyên bố qua email gần đây: “Chúng tôi vẫn duy trì cam kết với khách hàng ở Trung Quốc. Việc bán máy đọc sách Kindle sẽ dừng từ ngày 30/6/2023 và các ứng dụng liên quan sẽ bị dừng cung cấp đúng một năm sau ngày này”. Như vậy, ứng dụng Kindle sẽ tiếp tục hoạt động tại Trung Quốc cho tới ngày 30/6/2024.
Tuy nhiên, Amazon vẫn cam kết hỗ trợ người đọc Kindle và hoàn lại tiền cho mọi giao dịch mua thiết bị của họ nếu được yêu cầu. Chính sách hoàn tiền chỉ áp dụng cho các giao dịch được thực hiện sau tháng 1.
Sức ép từ các quy định mới?
Theo Bloomberg, việc Amazon rút Kindle khỏi Trung Quốc trùng với thời điểm các công ty hoạt động tại Trung Quốc phải chịu nhiều sức ép từ các quy định mới từ chính phủ nước này, bao gồm cả việc kiểm duyệt và hạn chế nội dung sản phẩm. Các công ty Internet khác của Mỹ, như Yahoo và LinkedIn của Microsoft Corp, đã thông báo thu hẹp hoạt động tại Trung Quốc, với lý do môi trường đầy thách thức.
Đồng tình với nhận định trên, phóng viên Brenda Goh của Reuters tại Thượng Hải cũng cho rằng Amazon không đơn độc trong việc điều chỉnh danh mục đầu tư tại Trung Quốc.
Goh viết: “Các công ty Internet phương Tây khác, trong đó có LinkedIn của Microsoft, Yahoo và Airbnb Inc., đã cắt dịch vụ tại Trung Quốc hoặc rút lui hoàn toàn trong những tháng gần đây, trong bối cảnh chính phủ nước này tìm cách thắt chặt kiểm soát nội dung trực tuyến và thực hiện luật mới nhắm đến dữ liệu và quyền riêng tư của khách hàng”.
Trong khi đánh giá Amazon không đưa ra được lý do cụ thể cho sự thay đổi chính sách ở Trung Quốc, cây viết Annie Palmer của CNBC thông tin thêm: “Trước đó, Amazon đã đóng cửa thị trường thương mại điện tử của họ ở Trung Quốc vào năm 2019 và chuyển trọng tâm sang bán hàng xuyên biên giới cho người tiêu dùng Trung Quốc”.
Về phần mình, Amazon chỉ đưa ra thông tin chung rằng việc họ rút Kindle khỏi Trung Quốc không phải do sức ép kiểm duyệt nội dung, mà đây chỉ là hoạt động đánh giá định kỳ các dịch vụ của họ trên toàn thế giới.
Rút lui vì yếu tố cạnh tranh?
Theo dữ liệu của đơn vị tham vấn Counterpoint Research, độc giả điện tử đã chiếm khoảng 7% đến 8% hoạt động đọc sách ở Trung Quốc. Và Kindle cũng là đơn vị có kho sách điện tử lớn nhất ở Trung Quốc, với ít nhất 700.000 đầu sách.
Cây viết Jon Fingas của trang tin điện tử Engadget cho biết Trung Quốc từng là thị trường lớn nhất của Kindle, với dữ liệu nội bộ (do Reuters thu thập) cho thấy Kindle chiếm hơn 40% doanh số bán thiết bị đọc sách điện tử trong năm 2017 tại nước này.
"Tuy nhiên, sự lớn mạnh của các đối thủ cạnh tranh như Xiaomi và ByteDance, công ty mẹ của Tiktok, đã làm xói mòn thị phần của Amazon”, Jon Fingas nhận định.
Jon Fingas cũng dẫn lời đánh giá của nhà phân tích Zhang Yi từ iiMedia rằng thương hiệu Kindle hiện "tương đối mờ nhạt" tại Trung Quốc. Kindle thậm chí còn không nằm trong top 10 thiết bị và ứng dụng đọc sách tại nước này.
Cũng theo đánh giá của công ty tham vấn Daxueconsulting, sự cạnh tranh trong thị trường thiết bị đọc sách điện tử tại Trung Quốc rất khốc liệt. Dù Kindle là thiết bị duy nhất và chiếm thị phần mạnh mẽ tại Trung Quốc vào trước năm 2016, hoạt động của họ đã bị thu hẹp đáng kể khi nhiều thương hiệu máy đọc sách điện tử địa phương xuất hiện. Ví dụ, các công ty iFlytek, Ireader, và BOOX đã cho ra đời các thiết bị đọc sách nhỏ gọn nhưng có hiệu năng mạnh mẽ.
Hơn nữa, các thương hiệu đọc sách điện tử của Trung Quốc có thể thiết kế ra các sản phẩm phù hợp với thói quen đọc sách của người dân nước này.
Vào đầu năm nay, Huawei đã giới thiệu thiết bị đọc sách điện tử đầu tiên của mình, MatePad Paper. Bên cạnh các chức năng thông thường như ghi chú, MatePad Paper có thể hoạt động tương tự một chiếc máy tính bảng Android được trang bị màn hình E-Ink. Điều này có thể đánh dấu một bước tiến mới trong thị trường thiết bị đọc sách điện tử Trung Quốc.
Bên cạnh đó, xu hướng đọc sách bằng điện thoại cũng đang được nhiều người Trung Quốc ưa chuộng. Theo số liệu của Học viện Báo chí và Xuất bản Trung Quốc, 76,7% người trưởng thành Trung Quốc sử dụng điện thoại để đọc. Tại nước này, công ty hàng đầu cung cấp ứng dụng đọc trên điện thoại là Ireader, với 87,5 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. QQ Book và Migu Reading xếp thứ hai và thứ 3 với lần lượt là 58,7 triệu và 17,9 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Như vậy, dù quy mô tăng trưởng của thị trường sách điện tử tại Trung Quốc còn nhiều tiềm năng, Amazon đang phải đối mặt với rất nhiều đối thủ, cả về mặt thiết bị đọc sách điện tử và cả về ứng dụng đọc sách trên điện thoại.
Trang Financial Times đã dẫn số liệu của Hiệp hội xuất bản số, âm thanh và video Trung Quốc, hơn 500 triệu người dùng Trung Quốc đã nghe hoặc đọc sách trên một thiết bị số vào năm 2021. Năm ngoái, thị trường đọc kỹ thuật số của Trung Quốc cũng đã tạo ra hơn 6 tỷ USD doanh thu, tăng hơn 18% so với năm 2020.