'Tại sao cà chua ngày nay 'cứng' và có thể bảo quản vài tuần mà không hỏng?': Đây là câu trả lời cho bạn
Nhiều người khi mua và ăn cà chua cho rằng nó có trạng thái 'cứng' hơn trước, khi bảo quản có thể để vài tuần mà không bị hỏng. Vậy thực tế là thế nào?!
Cà chua là một loại thực phẩm rất phổ biến và có quanh năm. Nhiều người không chỉ dùng cà chua như một loại thực phẩm dùng để chế biến món ăn mà còn ăn sống như một loại trái cây. Ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật được ứng dụng trong nông nghiệp thì nhiều loại thực phẩm đã có quanh năm. Với cà chua cũng vậy. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng cà chua ngày nay không còn ngon như trước. Cà chua bán hiện trên thị trường luôn có trạng thái cứng và có thể bảo quản vài tuần mà không bị hỏng. Vậy thực tế là thế nào?!
Đầu tiên chúng ta hãy tìm hiểu về hàm lượng dinh dưỡng của cà chua
Cà chua rất giàu chất dinh dưỡng. Theo đo lường, cứ 100gr cà chua chứa 2,2gr đường, 0,03mg vitamin B1, 0,02mg vitamin B2, 0,31mg carotene, 8mg canxi và các chất dinh dưỡng khác. Ngoài việc giàu chất dinh dưỡng, cà chua còn chứa nhiều axit hữu cơ hơn như axit malic và axit citric. Điều này khiến cho cà chua có vị chua tự nhiên và giúp ổn định/bảo quản sản phẩm.
Ăn cà chua có thể giúp cơ thể chống lão hóa, làm đẹp da vì nó giàu vitamin C có tác dụng chống oxy hóa và ức chế hình thành melanin. Vitamin C trong cà chua cũng có vai trò rất quan trọng trong việc giúp cơ thể hấp thụ sắt. Từ đó ngăn ngừa bệnh thiếu máu... Chất lycopene có trong cà chua còn có tác dụng bảo vệ tuyến tiền liệt...
Tại sao cà chua ngày nay thường "cứng" và có thể bảo quản vài tuần mà không bị hỏng?
1. Vấn đề chín có sự can thiệp
Nói chung, chu kỳ sinh trưởng của cà chua là từ 2 đến 3 tháng. Nếu cà chua chín từ từ mà không có sự can thiệp nhân tạo thì sẽ mất khoảng thời gian dài như vậy.
Tuy nhiên, ngày nay trong nông nghiệp hầu hết việc nuôi trồng được hỗ trợ rất nhiều từ sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Việc nuôi trồng trở nên chuyên nghiệp và có quy trình đồng đều hơn. Người ta sẽ trồng cà chua trong nhà kính và tưới nước nhiều hơn để chúng luôn đủ lượng nước và đẩy nhanh quá trình phát triển của cây.
Hơn nữa, trong quá trình trồng, người nông dân sử dụng phân bón hóa học để can thiệp nhân tạo vào. Điều này làm rút ngắn chu kỳ sinh trưởng của cà chua và theo đó cũng làm giảm mùi vị.
2. Bón phân hóa học
Cà chua ngày nay không chỉ cần phun thuốc trừ sâu bệnh mà còn phải sử dụng một lượng lớn phân bón hóa học. Cách đây 20 năm, người ta thường sử dụng phân chuồng, vốn là phân của nhiều loại vật nuôi, để giảm chi phí.
Phân chăn nuôi được lên men ở nhiệt độ cao và sau đó được sử dụng cho các cây trồng, có thể cung cấp chất hữu cơ cho trái cây và rau quả. Phân bón hóa học đôi khi được sử dụng nhưng chỉ với số lượng nhỏ.
Nhưng ngày nay việc sử dụng phân bón hóa học trở nên phổ biến hơn. Điều này cũng khiến cho đất trồng trở nên cứng và ngày càng suy kiệt dinh dưỡng, cản trở sự hấp thụ các nguyên tố như kali, boron, magie. Chưa kể đến việc dùng phân bón hóa học sẽ khiến đất dư thừa các nguyên tố phốt pho, kali và nitơ. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến hàm lượng dinh dưỡng và vitamin, làm giảm độ ngon của cà chua.
3. Lưu trữ và vận chuyển
Hầu hết mọi người hiện nay sống ở các thành phố. Dân số đô thị ngày càng tăng và nhu cầu về rau cũng tăng theo. Từ đó để đáp ứng nhu cầu các loại thực phẩm, rau xanh tới đô thị thì nguồn cung ứng cũng phải thay đổi. Cà chua sẽ được thu hoạch từ khi còn xanh, đem lưu trữ rồi mới vận chuyển lên thành phố. Việc vận chuyển thế này cũng sẽ tránh được tình trạng hư hỏng của cà chua. Do đó khi cà chua đến tay người tiêu dùng nó vẫn còn trong trạng thái cứng hoặc đôi khi vẫn xanh.
4. Thay đổi về giống
Ngày nay, chúng ta có thể mua mọi thứ chúng ta muốn trên thị trường. Trái cây và rau quả dường như không có tính thời vụ và không có giới hạn về địa lý. Điều này là do sự phát triển của nền kinh tế và dịch vụ hậu cần đã giúp cho việc vận chuyển đồ tươi sống đường dài trở nên khả thi. Đồng thời các giống cà chua ngày nay đã được cải tiến, có vỏ dày, cứng và ít nước hơn.
Những giống như vậy có thể giảm tổn thất trong quá trình vận chuyển, nhưng chúng cũng làm mất đi mùi vị và hương vị. Hầu hết các giống cà chua hiện đang lưu hành trên thị trường là giống của Hà Lan và Israel. Những giống cà chua này đã chiếm lĩnh thị trường nhờ năng suất cao, thời gian bảo quản lâu và khả năng chống chịu tốt khi vận chuyển.
5. Liên quan nhiều đến mùa vụ
Với hầu hết các loại rau quả chúng ta thường được khuyến khích ăn theo mùa sinh trưởng bình thường. Bởi vì khi sinh trưởng đúng mùa vụ chúng sẽ có vị khá ngon. Tuy nhiên hiện nay, để đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường, việc trồng trái vụ đã xuất hiện.
Điều này đã thay đổi hoàn toàn môi trường sinh trưởng bình thường của cây trồng. Từ đó dẫn đến những thay đổi lớn về chất dinh dưỡng bên trong. Cà chua cũng như vậy, khi được trồng trái mùa chúng sẽ bị ảnh hưởng chất lượng, trở nên cứng và không ngon như chính vụ.
Chọn cà chua ngon với 4 mẹo sau đây
Nhìn vào màu sắc: Không phải cà chua có màu càng sáng thì càng tốt. Cà chua có màu sáng có thể là do chín ép, trong khi cà chua chín tự nhiên có những đốm trắng và thậm chí hơi vàng.
Nhìn hình dáng: Nếu phần đầu của quả cà chua tròn và đầy đặn, điều đó có nghĩa là quả cà chua có độ chín tốt hơn và nước ép đậm đà hơn. Nếu phần đầu nhọn hoặc có hình dạng lạ, những quả cà chua đó có rất ít nước,thậm chí có thể bị rỗng bên trong.
Nhìn cuống: Cà chua có cuống chứng tỏ độ tươi. Cuống của những quả cà chua đã hái lâu thường sẽ rụng và chuyển sang màu nâu sẫm.
Nhìn vào các đốm li ti trên vỏ: Cà chua tươi ngon, ngọt thường có những đốm nhỏ li ti trên vỏ, phân bố đều. Đây là những quả cà chua đã chín mọng, tươi ngon, bạn có thể mua ngay mà không cần suy nghĩ kỹ. Nếu các đốm trên vỏ phân bố không đều, cà chua sẽ rất cứng và có vị không ngon.