Tại sao các chatbot AI mới khó lật đổ Google?

Dù tham vọng trở thành kỷ nguyên mới của công cụ tìm kiếm, các start-up như Perplexity và You.com vẫn chịu thua Google ở tính năng cốt lõi - truy vấn điều hướng.

Khi kết quả trên Google ngày càng tệ và các chatbot AI như ChatGPT, Gemini và Copilot dần cải thiện, người dùng có xu hướng tìm cách khác để tìm và tiêu thụ thông tin trực tuyến. Tích hợp nhiều mô hình ngôn ngữ mới, các công ty như Perplexity và You.com tự quảng cáo mình là công cụ tìm kiếm thế hệ mới. Ngay cả Google và Bing cũng đặt cược rất lớn vào kỳ vọng AI trở thành tương lai của tìm kiếm.

Nhưng điều quan trọng hơn cả là một công cụ tìm kiếm như Google bao hàm rất nhiều thứ. Bên cạnh những người sử dụng Google để tìm thông tin khoa học phức tạp, phần lớn người dùng chỉ “mượn” nó để tìm đến hòm thư email, website siêu thị để đi chợ online hay tra những câu hỏi đơn giản. Trên thực tế, Google được yêu cầu làm bất cứ điều gì con người có thể nghĩ ra, hàng tỷ lần mỗi ngày.

Vì vậy, câu hỏi đặt cho những công cụ AI muốn thách thức vị thế Google không phải chúng có thể tìm thấy thông tin tốt đến mức nào, mà là có thể làm tốt những điều Google giỏi như thế nào.

Cây bút David Pierce của The Verge đã thử nghiệm bằng cách nhập những câu hỏi được tìm kiếm nhiều nhất trên Google vào các chatbot AI mới. Trong một vài trường hợp, các bot này quả thật hữu ích hơn trang kết quả của Google. Nhưng trong hầu hết lần thử còn lại, cây bút cho rằng các sản phẩm tân tiến dù là AI vẫn rất khó thay thế Google, trở thành “trung tâm đầu mối” của Internet.

Google chiếm ưu thế từ nhiệm vụ cơ bản nhất

Theo các chuyên gia trong ngành, mảng tìm kiếm về cơ bản chỉ có 3 loại truy vấn. Phổ biến nhất là tìm kiếm điều hướng, tức là mọi người chỉ gõ tên của một trang web để truy cập vào nó.

Hầu như tất cả truy vấn hàng đầu trên Google như “youtube”, “facebook”, “yahoo mail” đều là các truy vấn điều hướng. Trên thực tế, đây là nhiệm vụ chính của công cụ tìm kiếm: đưa người dùng đi đến một trang web.

 Google giỏi cung cấp đường link cụ thể, thông tin chính xác. Ảnh: Bloomberg.

Google giỏi cung cấp đường link cụ thể, thông tin chính xác. Ảnh: Bloomberg.

Đối với các truy vấn điều hướng, các công cụ tìm kiếm AI còn kém hơn Google. Khi bạn tìm kiếm điều hướng trên Google, rất ít khi kết quả đầu tiên không phải là thông tin bạn đang tìm kiếm. “Nó nhanh và hiếm khi sai”, cây bút The Verge nhận định.

Các bot AI có xu hướng suy nghĩ trong vài giây và cung cấp một loạt thông tin hữu ích về từ khóa đó. Tuy nhiên, tất cả những gì bạn cần là một liên kết. Một số AI thậm chí còn không đưa liên kết đến trang web nào.

Loại tìm kiếm phổ biến nhất tiếp theo là truy vấn thông tin, tức là bạn muốn biết về một điều cụ thể và chỉ có một câu trả lời đúng duy nhất. “Tỷ số trận bóng”, “bây giờ là mấy giờ”, “thời tiết hôm nay” là những truy vấn thông tin rất phổ biến. Chúng chỉ đơn giản là điều bạn cần biết.

Với loại tìm kiếm này, kết quả có ở khắp mọi nơi. Đối với những nội dung theo thời gian thực như tỷ số thể thao, AI không đáng tin cậy. Với bộ dữ liệu giới hạn, You.com và Perplexity thường xuyên trả về kết quả đã cũ.

Trong khi đó, Google không chỉ làm đúng mà còn thường hiển thị cửa sổ, chứa các số liệu thống kê và thông tin khác. Tương tự, bất cứ câu hỏi nào cần cung cấp vị trí hoặc bối cảnh cụ thể của bạn, Google có thể có thông tin đó, nhưng hầu hết bot AI lại không.

Khi nói đến những thông tin thường thức hơn như “có bao nhiêu tuần trong một năm” hoặc “khi nào là ngày của mẹ”, Google tiếp tục chiếm ưu thế. Đôi khi, các câu trả lời của AI cũng khá tốt vì bổ sung thêm một số thông tin ngoài lề hữu ích. Tuy nhiên, độ xác thực của chúng lại không cao.

Trong khi Google trả về kết quả một năm có 52,1429 tuần, You.com trả lời 52 tuần và một ngày, cộng thêm một ngày vào những năm nhuận. Nhưng Perplexity lại nói rằng thực ra, một năm thông thường là 52 tuần, còn một năm nhuận là 52 tuần và một ngày.

Việc phải xác minh thông tin một lần nữa mất quá nhiều thời gian và đi ngược lại với mục đích ban đầu - tóm tắt thông tin hữu ích. Tóm lại, Google tiếp tục giành chiến thắng ở loại tìm kiếm này chỉ nhờ một yếu tố duy nhất là tốc độ.

Chatbot AI tóm tắt tốt hơn, nhưng không thể tìm kiếm giỏi hơn Google

Loại tìm kiếm thứ 3 trên Google là truy vấn khám phá. Đây là những câu hỏi không có câu trả lời duy nhất mà thay vào đó là sự khởi đầu của một quá trình học tập, tích lũy. Trong danh sách phổ biến nhất, những câu hỏi như “cách thắt cà vạt”, “tại sao máy cưa được phát minh” và “TikTok là gì” được coi là các truy vấn mang tính khám phá.

Nếu bạn từng tìm kiếm trên Google tên của một nhạc sĩ vừa nghe nói đến hoặc tra cứu những thứ như “những điều cần làm ở bảo tàng” hoặc “lịch sử NASA”, bạn đang thực hiện tìm kiếm khám phá. Theo bảng xếp hạng, đây không phải là mục đích chính mọi người sử dụng Google. Nhưng đây lại là nơi các công cụ tìm kiếm AI tỏa sáng.

 Nhiều chatbot AI hiện nay tham vọng thay thế Google. Ảnh: Shutterstock.

Nhiều chatbot AI hiện nay tham vọng thay thế Google. Ảnh: Shutterstock.

Với câu hỏi “tại sao máy cưa được phát minh”, Copilot đã trả về câu trả lời gồm nhiều phần về nguồn gốc, tiến trình phát triển về mặt công nghệ và cuối cùng cách chúng được người thợ rừng áp dụng. Nó cũng cung cấp thêm 8 liên kết khá hữu ích để đọc thêm.

Trong khi đó, Perplexity trả lời ngắn hơn nhiều, kèm một vài hình ảnh thú vị về những chiếc cưa máy cũ và một liên kết tới YouTube về chủ đề này. Đến Google, kết quả hiển thị rất nhiều liên kết giống nhau, nhưng không có liên kết nào tổng hợp thông tin giúp người dùng.

Bên cạnh đó, một điểm nổi bật của các công cụ AI là khả năng trích dẫn. Perplexity, You.com và những trang khác đang dần trở nên tốt hơn trong việc dẫn link tới bài gốc. Điều đó có nghĩa là nếu người dùng gặp một thông tin gây tò mò, họ có thể truy cập thẳng vào nguồn từ kết quả của AI.

Theo The Verge, đối với một số truy vấn, AI tổng quát có thể làm tốt hơn Google - công cụ tìm kiếm của nhiều thập kỷ trước. Nhưng các công cụ tìm kiếm không chỉ có các trang liên kết, mà giống một hệ điều hành thu nhỏ.

Chúng có thể trả lời trực tiếp các câu hỏi, có máy tính, bộ chuyển đổi đơn vị, chọn chuyến bay… được tích hợp sẵn. Chúng có thể đưa bạn đến nơi bạn muốn chỉ bằng 1-2 cú click chuột.

Mục tiêu của phần lớn truy vấn tìm kiếm không phải là để bắt đầu một hành trình khám phá thông tin, mà chỉ đơn giản là để lấy được một liên kết hoặc câu trả lời, rồi thoát ra. Hiện tại, các công cụ AI vẫn còn quá chậm để cạnh tranh với Google.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/tai-sao-cac-chatbot-ai-moi-kho-lat-do-google-post1478648.html