Tại sao căng thẳng Nga - Litva gia tăng?
Căng thẳng mới giữa Nga và phương Tây đang gia tăng sau khi Litva (Lithuania) quyết định ngừng vận chuyển một số hàng hóa qua lãnh thổ của mình tới vùng Kaliningrad của Nga.
Điện Kremlin cảnh báo họ sẽ trả đũa các lệnh trừng phạt theo cách sẽ có "tác động tiêu cực đáng kể" đối với người dân Litva, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
Các chuyến hàng chờ thông quan ở biên giới Litva sang Kaliningrad. Ảnh: AP
Bài liên quan
Nhà làm phim nổi tiếng người Litva thiệt mạng ở Mariupol, Ukraine
Nga tiếp tục đóng cửa không phận với Latvia, Litva, Slovenia và Estonia
Ukraine nhận tên lửa phòng không từ Litva
Đức xem xét gửi quân đội đến Litva
Hãy xem lý do tại sao căng thẳng gia tăng đối với Kaliningrad, một phần của Nga trên Biển Baltic và tách biệt với phần còn lại của đất nước.
Lãnh thổ miền tây của Nga
Vùng Kaliningrad từng là một phần của tỉnh Đông Phổ của Đức, được Liên Xô tiếp quản sau Thế chiến thứ hai theo thỏa thuận Potsdam năm 1945 giữa các cường quốc Đồng minh. Thủ đô Konigsberg của Đông Phổ được đổi tên thành Kaliningrad, do Mikhail Kalinin, một thủ lĩnh Bolshevik lãnh đạo.
Ước tính có khoảng 2 triệu người Đức đã chạy khỏi lãnh thổ trong những tháng cuối cùng của Thế chiến thứ hai, và những người ở lại đã bị trục xuất sau khi chiến tranh kết thúc.
Chính quyền Liên Xô đã phát triển Kaliningrad như một cảng lớn và là trung tâm đánh bắt cá chính, khuyến khích người dân từ các khu vực khác di chuyển vào lãnh thổ này. Kể từ thời Chiến tranh Lạnh, Kaliningrad cũng đóng vai trò là căn cứ chính của hạm đội Baltic của Nga.
Nhưng kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Kaliningrad bị tách ra khỏi phần còn lại của Nga bởi Litva, Latvia và Estonia, những nước hiện đều là thành viên NATO. Về phía nam của Kaliningrad là Ba Lan, một thành viên NATO khác.
Vai trò quân sự
Khi quan hệ của Nga với phương Tây trở nên tồi tệ, vai trò quân sự của Kaliningrad ngày càng lớn. Vị trí của khu vực này được đặt lên hàng đầu trong các nỗ lực của Nga nhằm chống lại những gì mà nước này mô tả là các chính sách thù địch của NATO.
Điện Kremlin đã củng cố các lực lượng quân sự của mình ở đó, trang bị những vũ khí tối tân, bao gồm tên lửa Iskander dẫn đường chính xác và một loạt hệ thống phòng không.
Khi tầm quan trọng về quân sự của khu vực ngày càng tăng, sự phụ thuộc vào hàng hóa đi qua Ba Lan và Litva càng khiến cho khu vực này trở nên nhạy cảm.
Dừng vận chuyển
Litva nhấn mạnh rằng lệnh cấm vận chuyển hàng hóa bị trừng phạt là một phần trong gói lệnh trừng phạt thứ tư của EU đối với Nga, đồng thời lưu ý rằng lệnh cấm này chỉ áp dụng đối với thép và kim loại đen bắt đầu từ ngày 17/6.
Chính quyền ở Vilnius nhấn mạnh rằng hàng hóa không nằm trong danh sách và hành khách vẫn có thể di chuyển qua Litva bằng tuyến đường sắt.
Theo quyết định của EU, than đá sẽ bị cấm vào tháng 8 và các chuyến hàng chở dầu và các sản phẩm từ dầu sẽ bị tạm dừng vào tháng 12.
Phản ứng từ Nga
Nga chính thức phản đối việc ngăn chặn vận chuyển hàng hóa tới Kaliningrad là vi phạm các thỏa thuận giữa Nga và EU về việc vận chuyển hàng hóa tự do tới khu vực này.
Thống đốc Kaliningrad Anton Alikhanov cho biết lệnh cấm sẽ ảnh hưởng tới một nửa số mặt hàng được đưa vào khu vực, bao gồm xi măng và các vật liệu xây dựng khác.
Ông Nikolai Patrushev, thư ký của Hội đồng An ninh Nga và là người thân tín của Tổng thống Vladimir Putin, đã đến thăm Kaliningrad hôm thứ Ba (21/6) để gặp gỡ các quan chức địa phương. Ông mô tả các hạn chế là "hành động thù địch" và cảnh báo rằng Moscow sẽ đáp trả bằng các biện pháp không xác định "sẽ có tác động tiêu cực đáng kể đến người dân Litva".
Ông Patrushev không nêu chi tiết, nhưng ông Alikhanov gợi ý rằng phản ứng của Nga có thể bao gồm việc chặn dòng hàng hóa qua các cảng của Litva và các quốc gia Baltic khác.
Tuy nhiên, Litva đã giảm đáng kể sự phụ thuộc kinh tế và năng lượng vào Nga, trở thành quốc gia EU đầu tiên ngừng sử dụng khí đốt của Nga. Nước này hiện không còn nhập khẩu dầu của Nga và đã ngừng nhập khẩu điện của Nga.
Việc vận chuyển phần lớn quá cảnh của Nga qua các cảng của Litva đã bị ngừng lại theo lệnh trừng phạt của EU, nhưng Moscow có thể hạn chế vận chuyển hàng hóa từ các nước thứ ba qua Litva. Ông Putin sẽ quyết định phản ứng của Nga sau khi nhận được báo cáo từ ông Patrushev.
Quốc Thiên (theo CNA)
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-sao-cang-thang-nga--litva-gia-tang-post200452.html