Tại sao châu Phi lại 'ngoạn mục' thoát được đại dịch COVID-19?

Châu Phi - nơi có ít hơn 6% người dân được tiêm chủng – lại ít bị ảnh hưởng nhất bởi COVID-19. Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn đã giúp châu lục này tránh được những tác động tồi tệ của coronavirus cho đến nay.

Người dân châu Phi thoải mái không đeo khẩu trang tại một khu chợ đông đúc ở Harare, Zimbabwe trong tuần này

Lý giải sự bí ẩn

Tại một khu chợ sầm uất ở một thị trấn nghèo bên ngoài Harare vào tuần này, Nyasha Ndou vẫn để khẩu trang trong túi khi hàng trăm người khác, hầu hết không đeo khẩu trang, chen lấn mua bán trái cây và rau quả bày trên bàn gỗ và tấm nhựa. Cũng như ở phần lớn Zimbabwe, ở đây coronavirus nhanh chóng bị lùi về quá khứ, khi các cuộc mít tinh, các buổi hòa nhạc và các cuộc tụ họp tại gia đã quay trở lại.

"COVID-19 đã biến mất, lần cuối bạn nghe tin có ai đã chết vì COVID-19 là khi nào? Khẩu trang là để bảo vệ túi tiền của tôi. Cảnh sát sẽ phạt tiền nếu bạn không đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường" – anh Ndou giải thích.

Đầu tuần này, Zimbabwe chỉ ghi nhận 33 trường hợp mắc COVID-19 mới và không có trường hợp tử vong nào, đúng theo xu hướng giảm mạnh các ca mắc gần đây của dịch bệnh trên khắp châu lục này. Được biết, theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các ca COVID-19 ở châu Phi đã giảm đáng kể từ hồi tháng 7.

Khi coronavirus lần đầu tiên xuất hiện vào năm ngoái, các quan chức y tế lo ngại đại dịch sẽ quét qua châu Phi, giết chết hàng triệu người. Mặc dù vẫn chưa rõ con số tử vong cuối cùng của COVID-19 sẽ là bao nhiêu, nhưng viễn cảnh thảm khốc đó vẫn chưa thành hiện thực ở Zimbabwe hoặc phần lớn lục địa đen này.

Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng việc thu thập dữ liệu COVID-19 chính xác, đặc biệt là ở các quốc gia châu Phi với hệ thống giám sát chắp vá, là vô cùng khó khăn và cảnh báo rằng xu hướng coronavirus đang suy giảm tại khu vực này có thể dễ dàng bị đảo ngược.

Tuy nhiên, thực tế lại đang chứng minh có một điều gì đó "bí ẩn" đang diễn ra ở châu Phi, khiến các nhà khoa học bối rối. Bà Wafaa El-Sadr - Chủ nhiệm Khoa Y tế toàn cầu tại Đại học Columbia (Mỹ) cho biết: "Châu Phi không có vaccine và các nguồn lực để chống lại COVID-19 như Châu Âu và Mỹ, nhưng bằng cách nào đó, họ đang đối phó với đại dịch một cách tốt hơn". Trong nhiều tháng, trong các báo cáo đại dịch hàng tuần, WHO đã mô tả châu Phi là "một trong những khu vực ít bị ảnh hưởng nhất trên thế giới". Trong khi, mới chỉ có ít hơn 6% người dân ở châu Phi được tiêm chủng…

Những giải thích hợp lý

Một số nhà nghiên cứu cho biết việc dân số trẻ của lục địa này - độ tuổi trung bình là 20 so với khoảng 43 ở Tây Âu, cộng thêm tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn và xu hướng dành thời gian ở ngoài trời nhiều hơn của người dân nơi đây, có thể đã tránh được tác động gây chết người nhiều hơn của coronavirus cho đến nay. Một số nghiên cứu đang tìm hiểu xem liệu có thể còn có những giải thích khác không, bao gồm lý do di truyền hoặc tiếp xúc với các bệnh khác.

Ông Christian Happi - Giám đốc Trung tâm Châu Phi về gen của các bệnh truyền nhiễm tại ĐH Redeemer ở Nigeria, cho biết các nhà chức trách châu Phi đã quen với việc kiềm chế bùng phát dịch bệnh ngay cả khi không có vaccine và hiệu quả của mạng lưới rộng lớn các nhân viên y tế cộng đồng nơi đây.

Ông Devi Sridhar, Trưởng khoa Y tế cộng đồng toàn cầu tại Đại học Edinburgh (Anh) cho biết các nhà lãnh đạo châu Phi chưa nhận được sự tín nhiệm xứng đáng vì họ đã hành động nhanh chóng. Điển hình như Mali quyết định đóng cửa biên giới của mình trước khi COVID-19 đến.

"Tôi nghĩ rằng có một văn hóa tiếp cận bệnh tật khác ở châu Phi – nơi đã trải qua những đại dịch như Ebola, bại liệt và sốt rét… Châu Phi đã tiếp cận COVID với điều kiện vô cùng khiêm tốn " – ông Sridhar cho biết.

Trong những tháng qua, tại Nam Phi, ước tính coronavirus giết chết hơn 89.000 người. Cho đến nay, đây là con số tử vong do COVID-19 cao nhất trên lục địa đen. Dữ liệu của WHO cho thấy số ca tử vong ở châu Phi chỉ chiếm 3% tổng số ca tử vong toàn cầu. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở châu Mỹ và châu Âu lần lượt là 46% và 29%.

Tại Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, cho đến nay, chính phủ ghi nhận gần 3.000 ca tử vong do COVID-19 trong số 200 triệu dân của nước này.

Con số tử vong thấp khiến những người Nigeria như Opemipo Are, 23 tuổi ở Abuja, cảm thấy nhẹ nhõm. "Họ nói rằng sẽ có xác chết trên đường phố nhưng không có gì như vậy xảy ra cả" - cô Are nói.

Nhà virus học người Nigeria Oyewale Tomori, hiện đang tham gia vào nhóm tư vấn của WHO, cho rằng châu Phi thậm chí có thể không cần nhiều vaccine như phương Tây.

Theo ông Tomori, ý tưởng này, dù gây tranh cãi lớn nhưng đang được thảo luận nghiêm túc giữa các nhà khoa học châu Phi. Ý tưởng này gợi nhớ đến đề xuất mà các quan chức Anh từng đưa ra vào tháng 3/ 2021 về việc COVID-19 tự do lây nhiễm vào người dân để tăng cường khả năng miễn dịch.

Không được tự mãn

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không cần vaccine ngừa COVID-19 ở Châu Phi.

Nhà dịch tễ học Salim Abdool Karim thuộc ĐH KwaZulu-Natal của Nam Phi, người từng tư vấn cho Chính phủ Nam Phi về cách đối phó với COVID-19 cho biết: "Chúng ta cần phải tiêm phòng tất cả để chuẩn bị cho đợt tiếp theo. Nhìn vào những gì đang xảy ra ở châu Âu, khả năng COVID-19 có thể tràn tới châu Phi là rất cao".

Tại Zimbabwe, các bác sĩ rất mừng khi thấy tỷ lệ mắc mới và tử vong do COVID-19 giảm mạnh, nhưng họ sợ rằng đó chỉ là tạm thời.

TS Johannes Marisa – Chủ tịch của Tổ chức Y tế và Nha khoa tư nhân Zimbabwe cảnh báo: "Mọi người nên hết sức cảnh giác. Một đợt coronavirus khác có thể sẽ tấn công Zimbabwe vào tháng tới. Sự tự mãn là thứ sẽ tiêu diệt chúng ta bởi vì chúng ta có thể bị vây bắt mà không hề hay biết".

Hà Anh (Theo AP)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//tai-sao-chau-phi-lai-ngoan-muc-thoat-duoc-dai-dich-covid-19-16921112412321123.htm