Tại sao chuyển và nhận tiền qua 'một ngân hàng'?

Đó là băn khoăn mà cộng đồng doanh nghiệp đặt ra khi góp ý với Ngân hàng Nhà nước về dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch chuyển khẩu hàng hóa.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Dự thảo thì “việc chuyển tiền ra nước ngoài để thanh toán cho hợp đồng mua hàng và việc nhận nguồn thu ngoại tệ từ hợp đồng bán hàng trong cùng một giao dịch kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa của thương nhân phải được thực hiện tại cùng một ngân hàng được phép”.

Theo quan điểm của nhiều doanh nghiệp mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp để góp ý dự thảo, quy định này cần được xem xét ở một số điểm. Thứ nhất, về mục tiêu quản lý nhà nước, mục đích của quy định trên là “giúp ngân hàng được phép kiểm soát nguồn ngoại tệ chuyển ra, cũng như đảm bảo doanh nghiệp phải chuyển nguồn thu ngoại tệ về nước”.

Tuy nhiên, VCCI cho rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Dự thảo thì “mọi hoạt động thanh toán, chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa phải thực hiện thông qua ngân hàng được phép”, tức là các nguồn thu ngoại tệ chuyển ra và nguồn thu ngoại tệ chuyển về đều có thể được kiểm soát thông qua các ngân hàng được phép.

“Do đó, yêu cầu hoạt động chuyển tiền thanh toán cho hợp đồng mua hàng và nhận tiền từ hoạt động bán hàng qua một ngân hàng được phép để đảm bảo mục tiêu trên là chưa thực sự hợp lý” – VCCI nhận định.

Không những thế, cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp còn cho rằng, quy định trên có thể gây ra những khó khăn và gia tăng chi phí cho doanh nghiệp kinh doanh chuyển khẩu. Kinh doanh chuyển khẩu, doanh nghiệp phải thực hiện hai giao dịch (hợp đồng mua hàng và hợp đồng bán hàng) với hai nhóm khách hàng khác nhau.

Đối với mỗi giao dịch, đối tác khác nhau các bên có thể thỏa thuận các phương thức thanh toán với những ngân hàng khác nhau. Việc yêu cầu hoạt động chuyển tiền của hai giao dịch này phải thông qua một ngân hàng sẽ có thể tác động đến quyền tự do thỏa thuận của các bên, gây khó khăn, rủi ro cho hoạt động kinh doanh.

“Để đảm bảo tính minh bạch và hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo giải trình vấn đề tại sao việc chuyển tiền ra nước ngoài để thanh toán cho hợp đồng mua hàng và việc nhận nguồn thu ngoại tệ từ hợp đồng bán hàng trong cùng một giao dịch kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa của thương nhân được thực hiện tại nhiều ngân hàng được phép khác nhau thì không thể kiểm soát được nguồn thu ngoại tệ chuyển ra và đảm bảo doanh nghiệp phải chuyển nguồn thu ngoại tệ về nước và đánh giá các tác động của quy định này đối với doanh nghiệp, nhất là các vấn đề nêu ở trên. Trong trường hợp không giải trình thuyết phục, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại khoản 3 Điều 3 Dự thảo”, VCCI kiến nghị.

Khoản 5 Điều 3 Dự thảo quy định “nguồn thu ngoại tệ từ hợp đồng bán hàng phải chuyển vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của thương nhân mở tại ngân hàng được phép tại Việt Nam phù hợp với thời hạn thanh toán của hợp đồng hoặc các chứng từ thanh toán”.

Từ thực tiễn hoạt động, các doanh nghiệp cho rằng, yêu cầu nguồn thu ngoại tệ của hợp đồng phải chuyển vào tài khoản phù hợp với “thời hạn thanh toán” dường như chưa phù hợp bởi trên thực tế việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán của các bên trong hợp đồng có thể xảy ra vi phạm về thời hạn, vì vậy trong trường hợp này nguồn thu ngoại tệ không thể chuyển vào tài khoản phù hợp với “thời hạn thanh toán của hợp đồng” được. VCCI cho rằng, để đảm bảo tính hợp lý, phải sửa đổi quy định để có thể dự liệu được các trường hợp trên thực tế có thể xảy ra.

Bách Nguyễn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/tai-sao-chuyen-va-nhan-tien-qua-mot-ngan-hang-486313.html