Tại sao cơ thể bạn hay bị ra mồ hôi nhiều?

Cơ thể bạn thường xuyên ra nhiều mồ hôi có thể do mang thai, tuyến giáp hoạt động nhiều, ăn uống không đúng cách.

Tuyến mồ hôi là gì?

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Tuyến mồ hôi là ống dẫn nằm dưới vùng hạ bì. Ống dẫn này thường cuộn lại, mồ hôi được sản xuất tại phần cuộn, còn phần ống dài là đường nối tuyến mồ hôi với bề mặt của da và tế bào thần kinh (hệ thống thần kinh giao cảm) kết nối với các tuyến mồ hôi. Khi tâm lý tác động lên hệ thần kinh giao cảm thì xảy ra tình trạng đổ mồ hôi nhiều.

Tuyến mồ hôi ở khắp nơi trên cơ thể (trừ môi và núm vú), khi gặp bất kỳ tác động nào thì cũng đều xảy ra tình trạng tiết mồ hôi.

Có 2 loại tuyến mồ hôi là:

Tuyến mồ hôi toàn vẹn (Eccrine): có mặt ở khắp cơ thể, nhưng chủ yếu là tay và chân. Mồ hôi ở tuyến này chỉ bao gồm nước, muối và chất khoáng. Tuyến mồ hôi này chủ yếu hoạt động ở tuổi dậy thì và có liên quan đến nội tiết, sự phát triển của cơ thể. Do đó, thường thấy các em học sinh ở tuổi dậy thì gặp hiện tượng đổ mồ hôi nhiều.

Tuyến mồ hôi đầu hủy (Apocrine): chủ yếu có ở nách, hậu môn và bộ phận sinh dục. Mồ hôi ở tuyến này vừa có nước, muối, vừa có các protein và axit béo. Bình thường, mồ hôi ở vùng nách hay vùng kín sẽ chuyển hóa các thành phần protein, axit béo tạo ra các mùi khó chịu và có màu vàng.

Đổ mồ hôi là một hiện tượng sinh lý bình thường, giúp cân bằng nhiệt độ cơ thể và loại bỏ các độc tố bên trong. Tuy nhiên, nếu đổ mồ hôi nhiều thì đó có thể là một hiện tượng bất thường cần được tìm hiểu nguyên nhân để điều trị.

Nguyên nhân khiến bạn đổ mồ hôi nhiều

Mang thai: Mang thai là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn của việc đổ mồ hôi quá nhiều. Đây là tình trạng hoàn toàn bình thường bởi giai đoạn này nhiệt độ của người phụ nữ sẽ tăng lên, lưu lượng máu lưu thông trong cơ thể cũng nhiều hơn nên họ luôn cảm thấy nóng hơn bình thường. Ngoài ra, quá trình mang thai cũng làm tăng chuyển hóa và thay đổi hormone khiến việc chảy mồ hôi thường xuất hiện ở người đang mang thai.

Tuyến giáp hoạt động quá mức: Tình trạng này xảy ra khi tuyến giáp của bạn sản sinh ra quá nhiều hormone chuyển hóa thyroxine (T4) và tri-iodothyronine (T3). Vì lý do này, quá trình trao đổi chất trong cơ thể bị tăng nhanh hơn bình thường, khiến nhịp tim không đều, giảm cân nhanh và gây ra tình trạng đổ mồ hôi nhiều.

Ăn uống: Một số thực phẩm có tác động rất lớn tới hệ tiêu hóa của bạn, đặc biệt là thực phẩm cay, caffeine hay rượu… Những thực phẩm này khiến hệ tiêu hóa làm việc hết công suất để xử lý thức ăn đồng thời sản sinh nhiệt gây ra hiện tượng đổ mồ hôi.

Hạ đường huyết: Lượng đường trong máu thấp có thể kích thích hệ thần kinh giao cảm tăng bài tiết hormone adrenaline, gây đổ mồ hôi nhiều, tim đập nhanh… Nếu đường huyết hạ xuống quá thấp, bạn sẽ dễ bị chóng mặt, ngất xỉu. Nếu bạn hay bị hạ đường huyết, hãy nhớ luôn mang theo một ít kẹo bánh hoặc socola để khi thấy cơ thể rơi vào tình trạng khó chịu, hãy ăn ngay một ít đồ ngọt để khắc phục các triệu chứng này.

Ung thư: Tình trạng mồ hôi tăng tiết bất thường, đặc biệt là vào ban đêm, có thể là một triệu chứng sớm của bệnh ung thư. Các bệnh ung thư như u lympho, bệnh bạch cầu, u tế bào crom… thường gây đổ mồ hôi nhiều, đi kèm với sưng hạch, sốt cao, ớn lạnh, người mệt mỏi…

Rối loạn nội tiết: Tình trạng này xuất hiện ở cả nam và nữ. Việc thiếu hụt hormone testosterone và estrogen ở cả hai giới có thể khiến cơ thể truyền thông tin sai lệch cho não, khiến não cho rằng cơ thể đang bị nóng nên tăng tiết mồ hôi để giải nhiệt.

Theo Hải Đường/Tiêu dùng

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doi-song/tai-sao-co-the-ban-hay-bi-ra-mo-hoi-nhieu/20230330085421601