Tại sao cuộc chiến chống lại đại dịch của châu Âu sắp trở nên nguy hiểm hơn?

Châu Âu đã rất nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng và cả những biện pháp hạn chế lây nhiễm từ những ngày đầu, nhưng khu vực này phải đối mặt với sự bùng phát thường trực của Covid-19, thậm chí còn trở nên nguy hiểm hơn với sự xuất hiện của biến thể mới Omicron.

"Bất chấp nhiều tháng thuyết phục, bất chấp các chiến dịch truyền thông ráo riết, bất chấp các cuộc thảo luận trên nhiều phương tiện, chúng tôi vẫn chưa thuyết phục được đủ người đi tiêm chủng", cựu thủ tướng của Áo, ông Alexander Schallenberg cho hay.

Đức có vẻ đang tiếp nối bước đi của Áo. Những nước khác đã tiêm vắc xin bắt buộc cho một số bộ phận dân số và áp đặt các hạn chế ngày càng nhắm mục tiêu rõ ràng vào những người chưa được tiêm chủng, khi châu Âu phải đối mặt với thách thức mới. Gần một năm diễn ra chiến dịch tiêm chủng, khoảng 1/3 người châu Âu vẫn chưa được tiêm chủng.

Biểu tình phản đối tiêm phòng ở Thụy Sĩ. Ảnh: CNN

Bài liên quan

Nga có thể buộc phải triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu

Omicron đang bùng phát, sắp thống trị một số nước châu Âu

Một số nước châu Âu nới lỏng phòng dịch trước Giáng sinh

Tỷ lệ trẻ em từ 5-14 tuổi ở châu Âu mắc COVID-19 ngày càng tăng

Câu hỏi quan trọng về lòng tin

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 5/2021 bởi European Barometer, chỉ có 19% người châu Âu đưa chính phủ của họ vào trong số các nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy nhất của họ về vắc xin Covid-19.

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, sự do dự về vắc xin ở châu Âu có liên quan chặt chẽ đến sự mất lòng tin theo chủ nghĩa dân túy đối với các đảng và chính phủ chính thống.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y tế Công cộng Châu Âu năm 2019 cho thấy "mối liên hệ tích cực đáng kể giữa tỷ lệ người dân ở một quốc gia bỏ phiếu cho các đảng dân túy và tỷ lệ người tin rằng vắc xin không quan trọng và không hiệu quả".

Những gì đại dịch đã cung cấp là một bài kiểm tra trên toàn châu Âu về mối tương quan đó. Trong gần hai năm qua, dù hầu hết các quốc gia đã thực hiện mọi phương thức để khuyến khích mọi người tiêm chủng, nhưng việc 1/3 dân số chưa tiêm phòng cho thấy có sự mất lòng tin vào chính phủ và các đảng chính trị truyền thống.

Về cơ bản, những người tin tưởng các tổ chức không cần phải bị thuyết phục để đi tiêm phòng.

Đông Âu là nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất. Bulgaria có tỷ lệ thấp nhất trong số tất cả, với chỉ 26,6% tổng dân số được tiêm chủng, theo dữ liệu của chính phủ. Đất nước này cũng đã trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị lớn với ba cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức trong năm nay.

Ở Đông Âu, những khó khăn trong việc triển khai vắc xin và tiếp cận những người dân nông thôn xa xôi và cao tuổi hơn cũng là nguyên nhân, nhưng ở một số quốc gia nơi tỷ lệ tiêm vắc xin ở mức thấp nhất, các đảng dân túy đều nắm quyền hoặc mạnh về bầu cử.

Xa hơn về phía Tây, tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn cũng được tìm thấy ở các quốc gia và khu vực có các phong trào dân túy hoặc cực đoan phổ biến như ở Đức, Áo và Bắc Ý.

Trong một bài báo được xuất bản bởi tạp chí Psychological Medicine vào tháng 10, các nhà nghiên cứu Michele Roccato và Silvia Russo từ Đại học Turin lập luận rằng nghiên cứu của họ cho thấy "những người có khuynh hướng dân túy có xu hướng từ chối tiêm vắc xin Covid-19, phù hợp với nghiên cứu trước đó về việc chính trị hóa vắc xin".

Kẻ thù chung mới

Bà Sophie Tissier, người tổ chức các cuộc biểu tình chống lại các hạn chế Covid-19 và vắc xin ở Pháp, nói rằng những cuộc biểu tình này đã tạo ra một lực lượng chính trị mới cực đoan nhưng vượt ra ngoài đường lối chính trị của đảng. Bà nói rằng nhóm của bà đang tìm cách "tạo ra sự phản đối vượt quá bầu cử và giống như một cơ quan giám sát nằm ngoài thế giới chính trị".

Vào tháng 8, hơn 230.000 người đã xuống đường trên khắp đất nước chỉ trong một ngày sau khi Pháp trở thành một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên công bố việc sử dụng các thẻ thông hành vắc xin một cách nghiêm ngặt.

"Điều này thực sự khiến mọi thứ trở nên tồi tệ bởi vì mọi người nhận ra rằng cuộc sống vốn có, sắp kết thúc", bà nói. "Mọi người sẽ không còn được tự do, hoặc có thể ra ngoài như họ đã làm".

Biểu tình phản đối vắc xin Covid-19 ở Bỉ. Ảnh: CNN

Kể từ đó, các cuộc biểu tình đã giảm dần ở Pháp, một phần là do không có đảng chính thống nào công khai khuyến khích những người ủng hộ tham gia.

Tỷ lệ tiêm vắc xin của Pháp vẫn thuộc loại cao nhất ở châu Âu. Ở những nơi khác ở Châu Âu, những nhóm như vậy rõ ràng đang thổi bùng ngọn lửa chống tiêm chủng. Tại Áo, một số cuộc biểu tình được lên kế hoạch kể từ khi chính phủ tuyên bố bắt buộc tiêm vắc xin trên toàn quốc vào tháng trước và có hiệu lực vào tháng 2 năm sau.

Nhà khoa học chính trị người Pháp Jean-Yves Camus cho biết sự chia rẽ trong quan điểm về các biện pháp đại dịch không còn là về cực tả và cực hữu, mà là "giữa dòng chính và ngoại vi".

"Điều này không còn là khái niệm phân cực", ông Camus nói. "Các nhóm cực đoan nhất lợi dụng đại dịch để nói rằng loại virus này là giả mạo, không có đại dịch và bạn đang bị chính phủ các nước lừa. Đó là âm mưu trên toàn thế giới của các chính phủ quốc gia của bạn. Họ đang sử dụng đại dịch để xâm phạm các quyền cá nhân của bạn và sử dụng thẻ tiêm chủng để có dữ liệu cá nhân của bạn, v.v."

Ở một số khu vực của Đông Âu, từ Bắc Ý đến Hà Lan và Áo, các đảng từng tập trung vào nhập cư hoặc châu Âu đã khai thác sự tức giận lan rộng của những người phản đối vắc xin và các hạn chế của Covid-19 nhằm chấm dứt sự thống trị của các đảng chính trị truyền thống.

Bắt buộc tiêm vắc xin

Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo đối với ý tưởng tiêm vắc xin bắt buộc, vì tác động tiềm tàng của chúng đối với lòng tin của cộng đồng và sự tin tưởng của công chúng. Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc Châu Âu của WHO, cho biết chúng nên được sử dụng như "biện pháp cuối cùng tuyệt đối và chỉ áp dụng khi tất cả các phương án khả thi khác để cải thiện việc hấp thu vắc xin đã hết".

Ông Russo của Đại học Turin, cho biết: “Điều đáng lo ngại là những kẻ chống vắc xin có thể thúc đẩy những ý kiến cực đoan hơn. Đó là một rủi ro. Nhưng chúng ta cũng nên cân nhắc rằng khi vắc xin trở thành bắt buộc, sẽ cần có các biện pháp kiểm soát và điều đó có thể làm suy yếu thêm lòng tin của người dân".

Nói cách khác, việc bắt buộc tiêm chủng có thể buộc mọi người tới các trung tâm tiêm chủng nhưng nó cũng sẽ khiến một số người trong số họ tiếp tục nghi ngờ sâu sắc hơn về "hệ thống".

Cuộc chiến chống lại đại dịch một ngày nào đó có thể kết thúc, nhưng cuộc chiến chống lại chủ nghĩa dân túy ở châu Âu có thể chỉ mới bắt đầu.

Hoàng Việt

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-sao-cuoc-chien-chong-lai-dai-dich-cua-chau-au-sap-tro-nen-nguy-hiem-hon-post172345.html