Tại sao đã nhiều tháng phương Tây vẫn không ngăn được Houthis ở Biển Đỏ?

Mỹ đã áp dụng nhiều cách để ngăn chặn Houthis tấn công ở Biển Đỏ nhưng dường chưa phương án nào phát huy hiệu quả, ít nhất là tới thời điểm hiện tại.

Kể từ tháng 11 năm ngoái, Houthis - lực lượng thân Iran ở Yemen bắt đầu tấn công các tàu hàng - mà nhóm này cho là liên quan Israel - di chuyển trên Biển Đỏ để phản ứng lại cuộc tấn công của Israel vào phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, những cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Houthis ngày càng nghiêm trọng và đã gây thiệt hại lớn.

Đầu tháng này, tàu hàng Rubymar (treo cờ Belize, thuộc sở hữu của Anh), lúc đó chở 21.000 tấn phân bón, bị Houthis tấn công bằng tên lửa đã chìm ở Biển Đỏ. Tàu Rubymar đã bị trúng tên lửa vào ngày 18-2 và đến ngày 2-3 thì bị chìm.

Đây là tàu đầu tiên bị chìm kể từ khi Houthis tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các tàu trên Biển Đỏ.

Sau đó, vào ngày 6-3, Houthis bắn tên lửa đạn đạo chống hạm vào tàu chở hàng True Confidence (treo cờ Barbados) khiến 3 thủy thủ thiệt mạng, trong đó có 1 người Việt Nam. Đây là những trường hợp thiệt mạng đầu tiên do các cuộc tấn công của Houthis gây ra.

Trước tình hình đó, câu hỏi đặt ra là tại sao sau nhiều tháng, phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, không thể ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthis, để nhóm này tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng?

Có thể nói rằng Mỹ đã rất nỗ lực để ngăn chặn Houthis nhưng dường như Mỹ chưa có phương án nào tốt nhất, hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này.

Mỹ phòng thủ không được…

Giữa tháng 12, phản ứng trước các cuộc tấn công của Houthis, Mỹ tuyên bố thành lập lực lượng đa quốc gia mang tên “Người Bảo vệ Thịnh vượng” để bảo vệ tuyến đường giao thương trên Biển Đỏ.

Theo đó, các tàu chiến của 10 nước trong lực lượng trên sẽ tuần tra Biển Đỏ và Vịnh Aden, bắn hạ bất kỳ tên lửa hoặc UAV nào của Houthis dùng để tấn công các tàu trên Biển Đỏ.

 Tàu Rubymar trúng tên lửa của Houthis vào ngày 18-2 và bị chìm vào đầu tháng 3. Ảnh: TV HANDOUT/EPA

Tàu Rubymar trúng tên lửa của Houthis vào ngày 18-2 và bị chìm vào đầu tháng 3. Ảnh: TV HANDOUT/EPA

Theo TS Gregory D. Johnsen - nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Các quốc gia vùng Vịnh (Mỹ) và là phó giám đốc Viện nghiên cứu Xung đột Tương lai thuộc ĐH Không quân Mỹ, cho rằng đây là phương án “chỉ phòng thủ” mà Mỹ đã theo đuổi trong nhiều tháng.

Tuy nhiên, theo ông Johnsen, vấn đề của phương án này là nó không hiệu quả. Dù Mỹ và đồng minh đã đã bắn hạ tên lửa và UAV của Houthis, nhưng nhóm này vẫn tiếp tục tấn công các tàu, thậm chí là nhằm vào tàu chiến Mỹ.

Minh chứng đáng chú ý gần đây là Houthis hôm 9-3 nói rằng đã nhắm mục tiêu vào tàu chở hàng Propel Fortune và một số tàu khu trục Mỹ tại Biển Đỏ và Vịnh Aden bằng 37 UAV. Mỹ tuyên bố lực lượng nước này và đồng minh đã bắn rơi ít nhất 28 UAV trong số đó và cuộc tấn công của Houthis không gây ra thiệt hại nào.

…tấn công Houthis ở Yemen cũng không xong

Theo TS Johnsen, lựa chọn thứ hai và cũng là lựa chọn khả thi nhất mà Mỹ đã theo đuổi bấy lâu là tấn công quân sự có giới hạn, tức là có cách tiếp cận “ngăn chặn và làm suy yếu” Houthis.

Trong cách tiếp cận này, Mỹ và các đồng minh đã tấn công nhằm vào các mục tiêu của Houthis ở Yemen, nhưng chỉ giới hạn trong việc nhắm vào hạ tầng mà Houthis dùng để phóng tên lửa và UAV, cũng như các kho đạn của nhóm này. Mỹ không tấn công tất cả mục tiêu của Houthis, cũng như không nhắm vào các thủ lĩnh của nhóm này.

Bằng cách tấn công như vậy, Mỹ có thể làm suy giảm khả năng của Houthis đến mức nhóm này không còn có thể tấn công tuyến đường Biển Đỏ nữa. Tuy nhiên, theo ông Johnsen, cách làm này cũng không hiệu quả, ít nhất là tới thời điểm hiện tại.

Lý do là Houthis đã trải qua gần chục năm hứng chịu các cuộc không kích do liên minh Saudi Arabia dẫn đầu có sự hỗ trợ của Mỹ, bắt đầu từ năm 2015. Ông Ibrahim Jalal - chuyên gia tại Viện Trung Đông (Mỹ), cho rằng Houthis đã được trui rèn sau nhiều năm chiến tranh du kích ở Yemen và vượt qua nhiều năm không kích do Saudi Arabia dẫn đầu.

“Houthis có rất ít địa điểm quân sự lâu dài, quy mô lớn mà thay vào đó sử dụng các bệ phóng di động cho rocket, UAV cùng với mạng lưới đường hầm và hang động khiến việc nhắm mục tiêu vào lực lượng này trở nên rất phức tạp” - ông Jalal lý giải.

Mỹ còn phương án nào để đối phó Houthis?

Hồi tháng 1, Mỹ đã đưa Houthis vào danh sách “Nhóm khủng bố toàn cầu được xác định đặc biệt' (SDGT) nhằm cản trở việc tài trợ cho Houthis, hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận thị trường tài chính và buộc Houthis phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.

 Tàu chiến HMS Richmond của Anh, hiện đang tham gia chiến dịch "Người Bảo vệ thịnh vượng", bắn tên lửa hạ UAV của Houthis ngày 9-3-2024. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG ANH/REUTERS

Tàu chiến HMS Richmond của Anh, hiện đang tham gia chiến dịch "Người Bảo vệ thịnh vượng", bắn tên lửa hạ UAV của Houthis ngày 9-3-2024. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG ANH/REUTERS

Cạnh đó, Mỹ cũng đã áp thêm các lệnh trừng phạt với những thực thể mà Mỹ cho rằng liên quan Houthis, chẳng hạn như các công ty, chủ tàu tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa để hỗ trợ tài chính cho Houthis.

Tuy nhiên, tờ Vox cho rằng điều này sẽ không có tác động gì lớn đối với một nhóm hầu như không tham gia nền kinh tế toàn cầu với tư cách hợp pháp ngay từ đầu.

TS. Johnsen cũng đã phân tích về độ khả thi của một số phương án mà Mỹ đã cân nhắc. Đầu tiên, một lựa chọn Mỹ đã cân nhắc vào tháng 1 là tấn công quân sự mở rộng, là cách tiếp cận “ngăn chặn, làm suy yếu và tiêu diệt” Houthis.

Trong kịch bản này, Mỹ sẽ tấn công lực lượng Houthis ở Yemen trên diện rộng, không chỉ tấn công hạn chế các mục tiêu quân sự mà còn nhắm vào thủ lĩnh của Houthis. Tuy nhiên, điều này có thể kéo Mỹ vào xung đột không hồi kết với Houthis, thậm chí là kéo Iran - lực lượng hậu thuẫn Houthis, vào cuộc xung đột, khiến chiến sự có thể lan rộng.

Theo TS. Johnsen, một phương án nữa là theo cách tiếp cận “đánh bại”. Trong kịch bản này, Mỹ sẽ coi Houthis là mối đe dọa lâu dài đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực. Do đó, Mỹ sẽ không chỉ tấn công quân sự vào Houthis mà còn nỗ lực hạ gục nhóm này, chủ yếu bằng cách hỗ trợ liên minh chống Houthis trong cuộc nội chiến ở Yemen.

Tuy nhiên, ông Johnsen cho rằng có một số vấn đề với phương án này. Thứ nhất, không có một liên minh chống Houthis thống nhất và các phe phái chống Houthis bị chia rẽ và có lịch sử đối đầu nhau. Thứ hai, Mỹ sẽ bị kéo vào cuộc chiến du kích đẫm máu ở Yemen như một bên trong cuộc nội chiến này và không chắc là thành công.

Một lựa chọn khác mà Mỹ đưa ra vào tháng 1 là tấn công trực tiếp vào Iran. Trong kịch bản này, Mỹ sẽ kết luận rằng Houthis được Iran tạo điều kiện, và để giải quyết việc Houthis tấn công ở Biển Đỏ, Mỹ cần phải “diệt cỏ tận gốc”, tức nhằm vào Iran. Vấn đề với cách tiếp cận này là nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột khu vực với Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Iran.

Chuyên gia gợi ý cách đối phó Houthis hiệu quả

TS. Johnsen gợi ý rằng cách khả thi nhất để đối phó với Houthis là Mỹ điều chỉnh phương án tấn công hạn chế vào các mục tiêu Houthis ở Yemen như đã làm bấy lâu để mang lại hiệu quả. Nếu điều chỉnh, có 3 điểm cần lưu ý.

Thứ nhất, Mỹ phải duy trì hành động quân sự, tức là tiếp tục tấn công vào các mục tiêu quân sự của Houthis ở Yemen.

Thứ hai, Mỹ cần phối hợp với các đồng minh ngăn chặn các chuyến hàng vũ khí của Iran vào Yemen.

Thứ ba là buộc Iran phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, tức là đặt các mục tiêu Iran vào nguy hiểm. Chẳng hạn như việc Mỹ hack (đột nhập) vào tàu Behshad của Iran - tàu được cho là hỗ trợ thông tin tình báo cho Houthis.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tai-sao-da-nhieu-thang-phuong-tay-van-khong-ngan-duoc-houthis-o-bien-do-post780003.html