Tại sao gấu đen thích nấp trong thùng rác
Một con gấu đen đột ngột leo ra khỏi thùng rác bên ngoài trường học đã khiến hiệu trưởng một trường tiểu học ở Tây Virginia (Mỹ) phải khiếp sợ và bỏ chạy.
Vụ việc xảy ra vào ngày 1/5 và được camera giám sát của trường học ghi lại. Theo đó, khoảng 7h15, khi ông James Marsh (Hiệu trưởng trường Tiểu học Zela, Tây Virginia, Mỹ) đi đổ rác, một con gấu đen bất ngờ xuất hiện từ bên trong thùng rác, gầm lớn và leo ra ngoài.
Ông Marsh khiếp sợ và bỏ chạy. Ngay sau đó, con gấu cũng rời đi mà không gây nguy hiểm gì cho con người.
Trao đổi với BBC, các chuyên gia về động vật hoang dã cho biết vụ việc trên không phải là trường hợp duy nhất. Ngược lại, việc gấu nấp trong thùng rác rất phổ biến.
Được biết, Bắc Mỹ là nơi sinh sống của hơn 700.000 cá thể gấu đen. Chúng xuất hiện ở nhiều bang của Mỹ và các tỉnh của Canada. Loài vật này ít khi hung dữ nhưng chúng có nhiều khả năng tiếp xúc với con người hơn so với các loài gấu Bắc Mỹ khác như gấu xám và gấu bắc cực.
GS David Drake, chuyên gia về động vật hoang dã tại Đại học Wisconsin (Mỹ), cho biết con người có thể gặp gấu đen nhiều hơn ở một số nơi như Tây Virginia, New Jersey và Tennessee - nơi có quần thể gấu đen sinh sống lớn.
Lý giải về việc gấu đen thích mò thùng rác, bà Kim Titchener, founder tổ chức Bear Safety and More (Alberta, Canada), cho biết thùng rác, nhất là những thùng chứa thức ăn thừa, là nơi lý tưởng đối với gấu đen.
"Loài động vật này thà ăn bữa trưa còn sót lại của con người hơn là ăn quả mọng. Vì vậy, thùng rác là nơi hấp dẫn với chúng", bà Titchener nói.
Trong khi đó, một số chuyên gia khuyên những người sống ở những khu vực có nhiều gấu nên khóa tủ lạnh của họ bởi những sinh vật này thậm chí đột nhập vào nhà để kiếm thức ăn.
Ngoài ra, các khu vực nhiều gấu nên được trang bị các thùng rác an toàn, được làm bằng kim loại và có khóa nắp. Điều này không những bảo vệ con người mà còn bảo vệ chính loài gấu. Bà Titchener cho biết nhiều cá thể gấu đã bị giết hại trong những cuộc "chạm trán" như trên.
"Những con gấu đã quen với việc tìm kiếm thức ăn gần con người sẽ tiếp tục tiếp cận gần gũi với con người. Dần dần, chúng sẽ bị tiêu diệt hoặc bị loại khỏi môi trường sống tự nhiên", bà Titchener nhận định.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-gau-den-thich-nap-trong-thung-rac-post1413871.html