Tại sao giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản trong tháng Một giảm 4,9%?

Xuất khẩu nông lâm thủy sản trong tháng 1/2025 giảm 4,9%. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai hệ thống các giải pháp để duy trì đà tăng trưởng và 'về đích' mục tiêu xuất khẩu.

Khách hàng châu Âu rất ấn tượng với các sản phẩm trái cây của Việt Nam tại hội chợ Fruit Logistica 2025. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Khách hàng châu Âu rất ấn tượng với các sản phẩm trái cây của Việt Nam tại hội chợ Fruit Logistica 2025. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm 4,9% ngay trong tháng 1/2025 phần nào phản ảnh những thách thức trong việc thực hiện mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản của năm 2025.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,08 tỷ USD

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, uớc giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 1/2025 đạt 5,08 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 2,64 tỷ USD, giảm 6,2%; xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 39 triệu USD, giảm 9,3%; xuất khẩu thủy sản đạt 750 triệu USD, tăng 0,3%; xuất khẩu các mặt hàng lâm sản đạt gần 1,5 tỷ USD, giảm 4,8%; xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 158 triệu USD, giảm 5,1%; xuất khẩu muối đạt 0,7 triệu USD, tăng 82,7%.

Ước tháng 1/2025, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang các khu vực châu Mỹ, châu Á, và châu Âu giảm. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ đạt 1,21 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2024; châu Á đạt 2,43 tỷ USD, giảm 1,8%; và châu Âu đạt 577 triệu USD, giảm 16,2%. Trong khi đó, xuất khẩu sang khu vực châu Phi tăng 31,3%, và châu Đại Dương tăng 0,2%.

Xét theo thị trường chi tiết, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu dẫn đầu với thị phần chiếm 21,9%, Trung Quốc chiếm 21,5% và Nhật Bản với 6,6%, đây là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Về nhập khẩu, ước tổng giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản trong tháng 1/2025 đạt 3,9 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 12,9%; nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 383 triệu USD, tăng 32,5%; nhập khẩu thủy sản đạt 300 triệu USD, tăng 22,6%; nhập khẩu các mặt hàng lâm sản đạt 243 triệu USD, tăng 8,9%; nhập khẩu đầu vào sản xuất đạt 568 triệu USD, giảm 5,3%; nhập khẩu muối đạt 4 triệu USD, tăng 52,6%.

Xét theo thị trường chi tiết, Trung Quốc, Braxin, và Hoa Kỳ, là 3 thị trường cung cấp các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất cho Việt Nam với thị phần lần lượt là 9,7%, 8,1%, và 7,7%. So với năm 2023, giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam năm 2024 từ thị trường Trung Quốc tăng 27,4%, Braxin và Hoa Kỳ cùng tăng 10,4%.

Xuất khẩu giảm cả về lượng và giá

Lý giải về kết quả xuất khẩu tháng 1/2025 giảm 4,9%, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng xuất khẩu trong tháng 1 vừa giảm về lượng vừa giảm về giá. Ở một số thị trường xuất khẩu, nhu cầu trong tháng 1/2025 đã giảm đi.

 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến trao đổi về kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến trao đổi về kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm một số sản phẩm xuất khẩu mặc dù sản lượng vẫn tăng nhưng giá giảm, đây cũng là nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu giảm 4,9%. Ví dụ, giá gạo xuất khẩu trước đây là khoảng 623 USD/tấn thì giờ chỉ còn 441 USD/tấn do thị trường Ấn Độ mở cửa xuất khẩu. Một số quốc gia đã tự túc được một phần lương thực. Quy mô sản xuất của các nước tăng, do vậy giá một số mặt hàng xuất khẩu có thể giảm.

Nhấn mạnh kết quả xuất khẩu giảm 4,9% ngay trong tháng 1/2025 phần nào phản ảnh những thách thức trong việc thực hiện mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai hệ thống các giải pháp để duy trì được đà tăng trưởng đồng thời “về đích” mục tiêu xuất khẩu.

“Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng là chúng ta sẽ khắc phục được những nguyên nhân trên để xúc tiến xuất khẩu đi những thị trường khác,” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Trong năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung vào duy trì, phát triển các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia… và đẩy mạnh mở cửa thị trường Halal.

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triệu tập các doanh nghiệp họp bàn và thúc đẩy các giải pháp để mở cửa thị trường mới, để làm duy trì được quy mô xuất khẩu lao động đồng thời có được đà tăng trưởng trong năm 2025," Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tai-sao-gia-tri-xuat-khau-nong-lam-thuy-san-trong-thang-mot-giam-49-post1010870.vnp