Việt Nam giữ lợi thế xuất siêu trong quan hệ thương mại với Ấn Độ

Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ năm 2024 đạt xấp xỉ 15 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2023, trong đó, xuất khẩu sang Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 9,06 tỷ USD (tăng 7,6%), giúp Việt Nam duy trì lợi thế xuất siêu trong quan hệ thương mại với quốc gia Nam Á.

Bốc xếp container tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)

Bốc xếp container tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ năm 2024 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, đạt gần 15 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2023.

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 9,06 tỷ USD, tăng 7,6%, trong khi nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam đạt 5,83 tỷ USD, giảm 0,6%.

Điều này cho thấy Việt Nam tiếp tục giữ lợi thế xuất siêu với Ấn Độ, với mức xuất siêu lên tới 3,2 tỷ USD trong năm 2024, tăng 22,2% so với năm trước, nhờ sự tăng trưởng của các ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Theo Tổng cục Hải quan, nhóm hàng điện thoại và linh kiện tiếp tục dẫn đầu trong cơ cấu xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ với kim ngạch 1,68 tỷ USD, tăng 4,5%, chiếm 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đứng thứ hai là nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 1,50 tỷ USD, chiếm 15,6%. Tiếp theo là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng với 947 triệu USD, chiếm 9,8%.

Đáng chú ý, các mặt hàng nông sản và sản phẩm tiêu dùng cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, chè tăng 18,7%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 18%, hàng thủy sản tăng 12%, sản phẩm mây tre cói và thảm tăng 11%.

Ngoài ra, các sản phẩm cao su, bánh kẹo, ngũ cốc đều tăng trên 10%, trong khi hàng dệt may và hóa chất đều ghi nhận mức tăng 9,5%. Điều này phản ánh nhu cầu ngày càng cao của thị trường Ấn Độ đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp của Việt Nam.

Riêng ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 212,57 triệu USD, tăng mạnh 18%, hạt tiêu tăng 9,3%, trong khi cà-phê giữ mức ổn định với kim ngạch 38,83 triệu USD. Việc duy trì tăng trưởng trong lĩnh vực này cho thấy Việt Nam đang từng bước mở rộng thị phần trong lĩnh vực sản phẩm tiêu dùng tại thị trường Ấn Độ.

Trong khi xuất khẩu duy trì tăng trưởng tích cực, nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam ghi nhận mức giảm nhẹ 0,6%, đạt 5,83 tỷ USD. Hiện nay, Ấn Độ chiếm tỷ trọng 1,55% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Cơ cấu hàng nhập khẩu từ Ấn Độ tiếp tục mang tính bổ trợ cao, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như sắt thép, hóa chất, dược phẩm, dệt may, thức ăn chăn nuôi và thủy sản. Những mặt hàng này đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp trong nước.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, thương mại song phương đã ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ và ổn định trong suốt 25 năm qua. Từ mức kim ngạch khiêm tốn 200 triệu USD vào năm 2000, đến năm 2022, hai nước đã đạt mốc 15 tỷ USD, đưa Ấn Độ trở thành 1 trong 8 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.

Việt Nam hiện nằm trong nhóm 4 quốc gia ASEAN có quan hệ thương mại chặt chẽ nhất với Ấn Độ. Đặc biệt, tại khu vực Nam Á, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này. Với sự bổ trợ trong cơ cấu hàng hóa, hai nước có nhiều tiềm năng mở rộng hợp tác thương mại trên nhiều lĩnh vực.

Để duy trì và nâng cao kim ngạch thương mại song phương, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khuyến nghị các doanh nghiệp Việt cần tiếp tục tận dụng tiềm năng thị trường Ấn Độ, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, dệt may, thực phẩm chế biến, công nghiệp nhẹ và hàng nông sản như gia vị, hồ tiêu, cà-phê…

TRUNG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/viet-nam-giu-loi-the-xuat-sieu-trong-quan-he-thuong-mai-voi-an-do-post858831.html