Tại sao giới trẻ Nhật Bản rời bỏ lĩnh vực nông nghiệp?

Người trẻ Nhật Bản bị thu hút đến các thành phố với những hứa hẹn về tiện ích và thu nhập cao hơn. Điều này khiến các trang trại truyền thống thiếu nhân công, và Nhật Bản có khả năng thiếu lương thực.

Theo báo cáo thường niên của Chính phủ Nhật Bản về tình hình ngành nông nghiệp, công bố vào ngày 31/5, khoảng 1,16 triệu người Nhật tham gia vào nông nghiệp trong năm 2023, giảm đáng kể so với 2,4 triệu người trong năm 2000. Trong tổng số đó, người dưới 60 tuổi chỉ chiếm 20%.

Số liệu thống kê này cho thấy một mối lo ngại lớn hơn, khi Nhật Bản phải nhập khẩu phần lớn thực phẩm và tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của quốc gia chỉ ở mức 38%. Hơn nữa, căng thẳng ở Biển Đông hoặc vùng biển xung quanh đảo Đài Loan - tuyến đường biển quan trọng để xuất nhập khẩu từ Nhật Bản - có thể làm gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung cấp thực phẩm và nhanh chóng gây ra tình trạng thiếu hụt.

Nhật Bản đã và đang cố gắng giải quyết vấn đề này. Luật Cơ bản về Lương thực, Nông nghiệp và Khu vực nông thôn được thông qua năm 1999, một phần kêu gọi nâng tỷ lệ tự cung cấp lương thực lên 45% vào năm 2030. Tuy nhiên, có vẻ như con số đó sẽ khó đạt được, đặc biệt nếu giới trẻ tiếp tục quay lưng lại với nông thôn.

 Nông nghiệp Nhật Bản bị ảnh hưởng khi người trẻ tìm việc làm ở nơi khác. Ảnh: Kyodo

Nông nghiệp Nhật Bản bị ảnh hưởng khi người trẻ tìm việc làm ở nơi khác. Ảnh: Kyodo

Bà Keiko Ishii thừa nhận cảm thấy nhẹ nhõm hơn một chút khi cậu con trai út của bà quyết định từ bỏ ánh đèn rực rỡ của Tokyo để trở về quê nhà và tiếp quản việc điều hành trang trại của gia đình, khiến cậu trở thành thế hệ thứ năm trong gia đình kiếm sống từ mảnh đất này.

Trang trại của gia đình bà Ishii nằm ở thị trấn Otawara, cách Tokyo khoảng 90 phút đi tàu về phía bắc, nổi tiếng với việc cây lúa. Gia đình bà cũng trồng lúa mạch và rau để bán thông qua chi nhánh địa phương của Hợp tác xã Nông nghiệp Nhật Bản.

Với diện tích chỉ 6.250 mét vuông, trang trại này cực kỳ nhỏ so với tiêu chuẩn châu Âu và Bắc Mỹ. Đây là điều điển hình ở Nhật Bản nhưng nó cũng khiến việc canh tác kém hiệu quả hơn.

"Nông dân cần phải dậy rất sớm. Buổi sáng là thời điểm bận rộn nhất, đặc biệt nếu bạn cũng đang cố gắng đưa bọn trẻ đến trường kịp lúc. Mùa hè cũng ngày càng nóng hơn nên tốt nhất là bạn nên làm càng nhiều việc càng tốt trước khi trời trở nên quá nóng. Thời gian kéo dài và luôn có việc gì đó cần phải làm", bà Ishii nói.

Ngoài thời gian dài và công việc đòi hỏi thể chất, thu nhập nghề nông thường thấp hơn thu nhập trung bình 6,2 triệu yên Nhật.

Giáo sư Kazuhiko Hotta tại Đại học Nông nghiệp Tokyo cho biết: "Đây không phải là nghề phổ biến do thu nhập thấp và không ổn định. Chính quyền trung ương và địa phương đang thực hiện nhiều chính sách khác nhau để khuyến khích người dân trở thành nông dân, bao gồm hỗ trợ chi phí sinh hoạt, sắp xếp cho thuê đất nông nghiệp và tăng cơ hội học các kỹ năng mới. Nhưng cho đến nay, hiệu quả là rất thấp".

Ông Hotta cũng lo ngại về "tỷ lệ tự cung tự cấp rất thấp" của Nhật Bản vì nguồn cung ổn định là rất quan trọng đối với sự tồn vong của quốc gia. Tuy vậy ông vẫn lạc quan.

"Khi nhiều nông dân hiện tại già đi và nghỉ hưu, những nông dân mới sẽ thay thế và sẽ có sự gia tăng trong quản lý doanh nghiệp quy mô lớn. Điều đó sẽ cho phép chuyển đổi sang một hình thức nông nghiệp hiệu quả hơn, mặc dù điều này sẽ mất thời gian", ông nói.

Bất chấp thử thách, gia đình Ishii không có ý định từ bỏ đất đai của mình. Bà Keiko Ishii nói: "Tất nhiên đó là công việc khó khăn, nhưng không có công việc nào tốt hơn cho những người thích ở bên ngoài, thích được bao quanh bởi thiên nhiên. Tôi không bao giờ nhìn đồng hồ để xem đã đến giờ về nhà chưa và thật tốt khi có thể làm chủ của chính mình. Tôi nghĩ đó là một số lý do khiến con trai tôi quay lại đây".

Hoài Phương (theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-sao-gioi-tre-nhat-ban-roi-bo-linh-vuc-nong-nghiep-post300362.html