Tại sao Hải quân Mỹ theo đuổi phát triển 'hạm đội không người lái'?

Với những 'bài học' về tác chiến bằng thiết bị không người lái diễn ra trên Biển Đen trong cuộc xung đột tại Ukraine, Hải quân Mỹ đang đẩy nhanh việc phát triển hạm đội phương tiện không người lái (USV) trong tương lai.

Đây là hướng phát triển đầy tham vọng với mục tiêu duy trì ưu thế trên biển và đại dương của Mỹ trong nhiều thập niên tới.

USV là cánh tay nối dài của Hải quân Mỹ trong tương lai

Hải quân Mỹ đã đưa ra bản phác thảo tổng thể về chiến lược sử dụng các tổ hợp thiết bị lặn không người lái mới hồi cuối năm 2020 nhưng vì nhiều lý do khác nhau, quá trình này diễn ra rất chậm chạp. Tuy nhiên, từ những chiến lệ trong tác chiến sử dụng USV tại Biển Đen, Hải quân Mỹ đang cố gắng thúc đẩy quá trình tích hợp sâu các USV vào trong biên chế.

 Hải quân Mỹ đang định hướng phát triển phương tiện không người lái (USV) trong tương lai. Ảnh: Army Recognition

Hải quân Mỹ đang định hướng phát triển phương tiện không người lái (USV) trong tương lai. Ảnh: Army Recognition

Đánh giá về vấn đề này, Đô đốc Hải quân Mỹ Michael M. Gilday nhấn mạnh, chiến lược sử dụng USV mới sẽ giúp tạo ra cuộc cách mạng trong các trận hải chiến tương lai.

Việc phát triển các USV của Hải quân Mỹ đã được chú ý trong nhiều thập kỷ qua và được coi là chiến lược chủ chốt hướng tới tương lai của quân chủng có quy mô lớn nhất quân đội Mỹ. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của lực lượng USV thuộc Hải quân Mỹ là ngăn chặn các thiết bị lặn mang vũ khí chiến lược, tương tự như thiết bị lặn Poseidon vừa được Nga triển khai trực chiến.

Ngoài ra, việc đưa vào sử dụng rộng rãi các USV trên mặt nước sẽ làm giảm sự xuất hiện của yếu tố con người trong quá trình vận hành. Điều này giúp Hải quân Mỹ không chỉ bớt áp lực về quân số, chi phí duy trì, hậu cần, mà còn mở rộng khả năng kết nối lực lượng trong hệ thống tác chiến, chỉ huy hợp nhất với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo.

Thực tế, quá trình thiết kế và đóng mới các tổ hợp USV hoạt động trên biển và dưới nước đã được Hải quân Mỹ đẩy nhanh trong vài năm qua. Hải quân Mỹ và hãng chế tạo Boeing đã đạt được thỏa thuận đóng mới các thiết bị lặn tự hành Echo Voyager. Cùng với đó, Hải quân Mỹ và hãng chế tạo AeroVironment đang tập trung phát triển thiết bị bay không người lái hải quân Switchblade. Chúng có thể triển khai và thu hồi trên tàu ngầm và mặt nước cho các nhiệm vụ trinh sát hoặc tấn công tự sát. Một trong những chương trình vũ khí hải quân tự hành khác là nền tảng phương tiện tác chiến không người lái cỡ lớn trên mặt nước (LUSV) với khả năng hoạt động dài ngày trên biển mà không cần có thủy thủ đoàn. Với sự kỳ vọng lớn, các chương trình phát triển USV nói trên đều có nguồn ngân sách dồi dào lên tới hàng tỷ USD.

Đánh giá về vai trò của các USV trong cơ cấu tương lai của Hải quân Mỹ, Đô đốc Michael M. Gilday nhận định, các USV sẽ sử dụng nguyên tắc hoạt động dựa trên số đông. Những nhóm tác chiến USV số lượng lớn sẽ tạo ra hiệu quả tác chiến lớn hơn nhiều lần so với các nhóm tàu tác chiến có người điều khiển với chi phí thấp.

Mục tiêu của Hải quân Mỹ trong tương lai gần sẽ là tập trung phát triển các tổ hợp thiết bị bay không người lái có thể hoạt động trên tàu ngầm. Chúng sẽ là cánh tay nối dài giúp hoạt động tác chiến của tàu ngầm Mỹ hiệu quả hơn. Đối với tương lai xa, Hải quân Mỹ đặt kỳ vọng về các hạm đội không người lái gồm các thiết bị chiến đấu trên không, trên mặt biển và dưới mặt nước hoạt động xung quanh kỳ hạm chỉ huy do con người điều khiển.

USV sẽ không đơn thuần là từng phương tiện chiến đấu độc lập mà là một thành phần trong hệ thống tác chiến hợp nhất với lõi là kỳ hạm do con người chỉ huy. Ảnh: Defense News

USV sẽ không đơn thuần là từng phương tiện chiến đấu độc lập mà là một thành phần trong hệ thống tác chiến hợp nhất với lõi là kỳ hạm do con người chỉ huy. Ảnh: Defense News

Con đường phát triển không dễ dàng

Là lực lượng hoạt động thiên về khí tài, việc trang bị và phát triển hải quân luôn yêu cầu nguồn tài chính lớn. Những kỳ vọng của Hải quân Mỹ về hạm đội USV cần khoản tài chính khổng lồ và ẩn chứa nhiều sự không chắc chắn về công nghệ. Chính vì thế, không quá khó hiểu khi Quốc hội Mỹ hoài nghi về độ tin cậy các chương trình phát triển vũ khí không người lái tương lai của Hải quân Mỹ.

Theo trang tin quân sự Defense News, Quốc hội Mỹ đánh giá hàng loạt chương trình phát triển vũ khí không người lái trị giá hàng tỷ USD đang trong quá trình phát triển của Hải quân Mỹ hiện tại là quá tham vọng, thiếu các công nghệ đủ tin cậy và chưa được kiểm chứng trong thực tế tác chiến.

Những chương trình phát triển USV trị giá hàng tỷ USD của Hải quân Mỹ sẽ chỉ được thông qua, nếu chúng chứng minh được về mặt kỹ thuật và thử nghiệm thực tế đủ tin cậy để hoạt động liên tục trên biển trong vòng 30 ngày. Những biện pháp của Quốc hội Mỹ được cho là để hạn chế rủi ro và sai lầm về công nghệ có thể phát sinh trong quá trình phát triển hạm đội tương lai của Hải quân Mỹ.

Cùng với đó, Quốc hội Mỹ cũng yêu cầu Hải quân Mỹ cần phát triển các công nghệ điều khiển thích hợp với USV mới. Hải quân Mỹ phải đảm bảo những phương tiện tác chiến mới phải luôn nằm trong tầm kiểm soát, hoạt động tốt trong môi trường bị áp chế điện tử.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tai-sao-hai-quan-my-theo-duoi-phat-trien-ham-doi-khong-nguoi-lai-780098