Tại sao Hoạt động trải nghiệm giáo dục phổ thông đang lay lắt?
Tất cả giáo viên ở trường phổ thông không ai được đào tạo để giảng dạy hai hoạt động này, thế nên, các trường mỗi nơi làm một kiểu.
LTS: Trước những bất cập, yếu kém của hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy Đỗ Tấn Ngọc đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục lần đầu tiên được xuất hiện là một chương trình độc lập, được thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12.
Ở cấp tiểu học, gọi là hoạt động trải nghiệm. Cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông gọi là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Nội dung chương trình ở tiểu học tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phát triển bản thân, kỹ năng sống, quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình.
Ở trung học cơ sở, chương trình tập trung nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng và bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp.
Ở trung học phổ thông, chương trình hoạt động trải nghiệm tập trung cao hơn vào nội dung hoạt động giáo dục hướng nghiệp.
Thông qua các chủ đề sinh hoạt tập thể, hoạt động lao động sản xuất, câu lạc bộ hướng nghiệp và các hoạt động định hướng nghề nghiệp khác, học sinh được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp.
Các em có thể tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp, được rèn luyện phẩm chất và năng lực để thích ứng với nghề nghiệp tương lai.
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên thì để hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thực hiện đầy đủ trong các nhà trường thì kết quả giáo dục trong hoạt động trải nghiệm phải được xem là một tiêu chí xếp loại học sinh, giáo viên và nhà trường như kết quả giáo dục trong các môn học.
Hoạt động trải nghiệm có thể được tổ chức tại nhiều thời điểm, địa điểm với nhiều nội dung và quy mô khác nhau, bởi vậy, tùy theo cách tổ chức để huy động sự tham gia, phối hợp của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường.
Nhà trường cũng cần tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hoạt động xã hội, nghệ nhân, người lao động tiêu biểu ở địa phương... cho các hoạt động giáo dục này.
Về cơ bản thì nội dung chương trình hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lần này không khác mấy so với hoạt động ngoài giờ lên lớp và hướng nghiệp được tổ chức thực hiện trong nhà trường phổ thông từ lớp 6 đến lớp 12 như hiện nay, với thời lượng 3 tiết/tháng.
Thế nhưng, vừa ra đời, hai hoạt động này đã nảy sinh nhiều bất cập, hầu hết các trường trung học phổ thông ở mọi tỉnh thành đều bị động, bối rối và gặp vô vàn khó khăn.
Trước hết, tất cả giáo viên ở trường phổ thông không ai được đào tạo để giảng dạy hai hoạt động này, thế nên, các trường mỗi nơi làm một kiểu.
Có trường thì giao, khoán thẳng cho giáo viên chủ nhiệm lớp từ khâu soạn giáo án đến giảng dạy.
Có trường thì thành lập ra một, vài ban chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ, dưới hình thức tập trung. Thậm chí, một số trường bỏ hẳn hoặc cắt xén nội dung, thời lượng của hướng nghiệp và ngoài giờ lên lớp.
Hiện nay, không có giáo viên chuyên trách dạy 2 hoạt động này, nên chủ yếu các giáo viên dạy kiêm nhiệm.
Bao nhiêu năm qua, công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên kiêm nhiệm cũng diễn ra hết sức sơ sài, hình thức. Do cách làm như thế tạo thêm nỗi lo, áp lực nặng nề cho giáo viên, từ chủ nhiệm, đến giáo viên chuyên môn.
Hơn nữa, để làm tốt, ngoài yếu tố nhân lực thì hai hoạt động trên rất cần đến nguồn kinh phí, cơ sở vật chất. Nói đến hai từ "kinh phí", ban giám hiệu nào cũng đau đầu, nhức óc.
Ngoài chi trả thừa tiết cho giáo viên giảng dạy thì hai hoạt động trên cần đến kinh phí, trang thiết bị khác để đáp ứng được tính đa dạng, phong phú, hấp dẫn của nó.
Phần lớn nguồn kinh phí cấp về cho nhà trường, chủ yếu để chi trả lương cán bộ, giáo viên, nhân viên, kinh phí còn lại chi cho các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường rất eo hẹp, khó khăn.
Vậy làm sao hai hoạt động này được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc?
Theo chủ trương, quy định của Bộ, kết quả của hai hoạt động chỉ tham gia vào quá trình xếp loại hạnh kiểm học sinh chứ không tính thành cơ số điểm như những môn học văn hóa khác.
Chỉ ở mức độ đó, nó không đủ sức ràng buộc học sinh phải nhiệt tình học tập. Không tính điểm dẫn đến tình trạng học sinh bỏ bê, xem thường môn học.
Mặt khác, tất cả học sinh phổ thông cũng chẳng có sách, tài liệu cho việc học tập, chuẩn bị hai hoạt động trên. Nghĩa là đều học “chay”.
Qua tìm hiểu ở các trường đang thực hiện, chúng tôi có đánh giá khái quát rằng: hiệu quả, chất lượng dạy và học ở hai hoạt động đó đạt rất thấp.
Do giáo viên bị "bắt cóc” lại phải chi phối nhiều công tác khác, nên việc giảng dạy của hầu hết thầy cô giáo chưa có tính thuyết phục cao.
Kéo theo đó, học sinh ngày càng chán nản, mệt mỏi, nhiều em tìm cách trốn học. Mỗi khi nhận thông báo hôm nay học hai môn này, cả lớp lại ồ lên tiếng than thở, tiếng đòi về....
Đã làm giáo viên bao nhiêu năm nay, chưa có hoạt động nào tôi thấy lại thất bại thảm hại như hai hoạt động này.
Thất bại là lẽ đương nhiên vì khâu chuẩn bị của cấp quản lí giáo dục còn quá sơ sài, chủ quan. Nhận thức, hiểu biết của thầy cô giáo về hoạt động đấy chưa có gì mà bắt dạy thì dạy sao được?
Chúng tôi cho rằng yếu tố nhân lực có tính quyết định đến chất lượng, hiểu quả khi giảng dạy môn mới.
Về mặt lý thuyết, mục tiêu, yêu cầu của môn học trải nghiệm, hướng nghiệp trong chương trình mới xem ra rất ổn. Song khi đi vào tổ chức thực hiện không hề dễ dàng, đơn giản chút nào.
Vì những bất cập, yếu kém của hai hoạt động gần giống nó đã, đang chết dở, sống dở từng ngày.
Muốn môn học này được cải thiện, thực chất, hiệu quả khi triển khai trong hai năm tới (triển khai đại trà từng cấp học) thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có ngay kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cấp tốc một số giáo viên, cán bộ quản lí để họ đảm đương, đảm nhiệm được công việc.
Về lâu dài, chúng ta phải đào tạo bài bản từ hệ thống các trường sư phạm, thành những giáo viên chuyên trách, như những giáo viên các môn văn hóa.
Đồng thời, các trường cần có nguồn bổ sung kinh phí, cơ sở vật chất đầy đủ để nhà trường, thầy cô yên tâm giảng dạy, thuận lợi tổ chức các hình thức, hoạt động…
Nếu không, ta cứ luôn miệng hô hào chống "dạy chay, học chay" mà thực sự ta không tạo điều kiện để nhà trường, giáo viên thì mọi cái cũng bằng không.
Bộ Giáo dục và Đào có biết cho chăng?