Tại sao hôn nhân chỉ thực sự bắt đầu sau khi có con cái?

Trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân và có con, bạn cần phải thấu hiểu một vài sự thật trần trụi.

Cuộc sống trước và sau khi có con rất khác nhau. (Ảnh minh họa)

Trong cuộc sống, có những thứ bạn sẽ không hiểu được cho tới khi chính bản thân mình trải qua điều đó. Chẳng hạn như trước khi lấy chồng, tôi không thể hiểu được nỗi lo lắng của mẹ mình về những vấn đề cơm áo gạo tiền. Trước khi có con, tôi không hiểu câu nói của mẹ mình “cuộc hôn nhân thực sự mới bắt đầu sau khi có con”.

Đến khi được trải nghiệm những điều này, tôi phát hiện ra rằng mỗi lời mẹ mình nói đều là những lời khuyên bảo, nhắc nhở của một người từng trải.

Và tại sao hôn nhân chỉ thực sự bắt đầu sau khi có con? Phụ nữ chưa chồng cần phải hiểu càng sớm càng tốt những điều dưới đây để có sự chuẩn bị trước.

Con cái là bước ngoặt trong hôn nhân

Trước khi có con, cuộc sống của 2 vợ chồng đơn giản là “thế giới tự do của 2 người”, tiền ai người nấy xài, mỗi người đều có một cuộc sống riêng nhưng lại sống chung dưới một mái nhà.

Khi mới kết hôn, giống như hầu hết bạn bè cùng trang lứa, tôi rất kỳ vọng vào hôn nhân. Trong suốt 2 năm đó, chúng tôi không có bất cứ dự trù nào cho tương lai, chỉ muốn tận hưởng hiện tại, trở thành một cặp vợ chồng trẻ hạnh phúc, tự do. Vì vậy, về cơ bản chúng tôi làm chỉ đủ sống, không dư giả gì và cũng cảm thấy điều đó chẳng có gì là sai trái cả.

Tuy nhiên, phải đến khi con chào đời, tôi mới nhận ra sự bất lực của người làm cha làm mẹ, mang tới những nỗi lo lắng trước đây chưa từng có.

Vì không đi làm, phải ở nhà chăm con, thu nhập của gia đình tôi giảm đi 40%. Việc nuôi một đứa trẻ ở thành phố tốn kém vô cùng và tôi cũng chẳng có thời gian để thư giãn. Lúc nào tôi cũng tất bật với vô số thứ từ sáng tới tối.

Đối với những người chưa chuẩn bị lên chức cha mẹ như chúng tôi, việc nuôi con giống như một nhiệm vụ bất khả thi. Chúng tôi không còn cách nào khác đành nhờ ông bà giúp đỡ.

Đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự đau khổ do hôn nhân gây ra và sự bất lực vì quá ngây thơ trong việc nuôi dạy con cái.

Tôi mong đợi chồng sẽ quan tâm đến việc nuôi dạy con cái và sẽ giúp đỡ mỗi khi vợ cần nhưng ngày nào tan sở về, anh cũng mệt mỏi kiệt sức đến nỗi khi con cái khóc vào ban đêm cũng không hề hay biết. Tôi hoàn toàn không trông cậy gì được vào chồng.

Tôi đã từng thề trước khi kết hôn rằng, tôi sẽ tự chăm sóc con mình 100% mà không nhờ vả ai cả. Điều này khiến cha mẹ 2 bên tỏ vẻ khó chịu.

Trong thời gian này, ngày nào tôi cũng nhìn ngôi nhà bừa bộn, con cái khóc cả ngày, thân hình tiều tụy, tinh thần suy sụp. Sự tuyệt vọng trong lòng tôi đã vượt quá giới hạn.

Vì điều này mà tôi và chồng cũng gặp trục trặc trong mối quan hệ. Anh ấy phàn nàn sự thiếu hiểu biết của tôi, còn tôi phàn nàn về việc anh ấy không giúp đỡ vợ chăm con.

Trong thời gian đó, chúng tôi hầu như ngày nào cũng cãi nhau nhưng lần nào cũng kết thúc bằng việc anh ấy đóng sầm cửa bỏ đi.

Nhiều lúc tôi nghĩ, điều này tại sao lại xuất hiện trong cuộc hôn nhân của mình? Mối quan hệ của chúng tôi ban đầu rõ ràng rất tốt, tại sao bây giờ lại trở nên như vậy?

Nhìn đứa con trong tay, tôi càng thấy áy náy vì con không được yêu thương, chiều chuộng như những đứa trẻ khác mà phải chứng kiến cha mẹ lại cãi nhau không ngừng.

Sau này, mẹ tôi không chịu nổi nên đã đến giúp tôi chăm con mà không hề phàn nàn, để tôi yên tâm ra ngoài kiếm tiền.

Nếu bạn nghĩ đến đây là kết thúc thì bạn quá ngây thơ. Những điều khó khăn hơn vẫn chưa đến...

Khi con cái lớn lên, chi phí của gia đình cũng tăng lên. Tôi không chỉ phải trả hết tiền thế chấp nhà, tiền vay mua ô tô hằng tháng, sinh hoạt phí mà còn phải lo lắng cho việc học hành của các con.

Chỉ sau khi trở thành mẹ, tôi mới nhận ra việc nuôi dạy một đứa trẻ khó khăn như thế nào.

Khi bạn thấy những đứa trẻ khác học trường tốt, bạn cũng muốn con mình học trường tốt. Bạn mong con cái mình không thua kém người ta.

Nhưng tất cả những hy vọng này không thể giải quyết chỉ bằng vài lời nói nếu không có đủ nền tảng tài chính, bạn không thể đáp ứng được nhu cầu của con mình.

Vì vậy, để con không cảm thấy thua kém, bạn phải làm việc chăm chỉ để kiếm tiền và tiết kiệm. Hơn nữa, một khi bắt đầu cuộc sống như vậy, bạn phải duy trì nó ít nhất 18 năm, thậm chí lâu hơn.

Trong giai đoạn này, bạn không còn được tự do, thoải mái như thời thanh xuân, cũng không còn năng lượng để theo đuổi ước mơ của mình.

Là phụ nữ, bây giờ bạn có một gia đình nhỏ, có con và chồng bên cạnh nhưng lại cô đơn khi không được sống cho bản thân.

Tôi nói tất cả những điều này không phải để thuyết phục bạn đừng kết hôn mà mong bạn có thể chuẩn bị trước.

Trong hôn nhân không có đúng hay sai và con cái cũng vậy. Nhưng liệu bạn có khả năng làm mẹ hay không, tôi tin rằng bạn đã biết điều đó sau khi nghe câu chuyện của tôi. Chúng ta không thể đoán trước được tương lai, nhưng có thể chuẩn bị trước để mọi thứ diễn ra suôn sẻ hơn.

Phan Hằng - 163

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tai-sao-hon-nhan-chi-thuc-su-bat-au-sau-khi-co-con-cai-a669837.html