Tại sao ICBM RS-26 Rubezh là vũ khí tiến công phủ đầu của Nga?

Liên quan tới các thông tin tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được sử dụng trong cuộc xung đột Ukraine, nhưng sau đó được xác nhận chính thức là dòng tên lửa tầm trung mới Oreshnik, giới chuyên gia quân sự quốc tế một lần nữa chú ý dòng tên lửa chiến lược RS-26 Rubezh của Nga.

RS-26 Rubezh được phát triển với tầm bắn nằm giữa tên lửa đạn đạo tầm xa và ICBM và vướng nhiều cáo buộc từ Mỹ và phương Tây rằng Nga vi phạm quy định của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START), cũng như Hiệp ước Các lực lượng tên lửa tầm trung (INF) khi nó còn hiệu lực.

Nga phát triển RS-26 Rubezh từ đầu những năm 2000

Tổ hợp tên lửa Rubezh được coi là sự phát triển tiếp theo của dự án RS-24 Yars. Quá trình phát triển tên lửa đạn đạo mới được Viện Kỹ thuật Nhiệt Moscow khởi động từ đầu những năm 2000. Năm 2011, vụ phóng thử nghiệm đầu tiên của RS-26 Rubezh được thực hiện và gây quan ngại lớn cho Mỹ và NATO thời điểm đó.

Tới tận thời điểm hiện tại, nhiều thông tin về ICBM Rubezh vẫn chưa được công bố chính thức và đủ tin cậy. Các nguồn tin từ Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, phương tiện chuyên chở chuyên dụng của RS-26 nhẹ hơn đáng kể so với ICBM RS-24 Yars với tổng khối lượng dưới 80 tấn. Tầm bắn của tên lửa dạo động từ 2.000 tới 6.000km. Đạn tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn cho khả năng chuyển đổi trạng thái chiến đấu nhanh chóng.

 Tổ hợp tên lửa Rubezh có nhiều đặc điểm khác biệt so với các loại ICBM phổ biến của Nga. Ảnh: Rian

Tổ hợp tên lửa Rubezh có nhiều đặc điểm khác biệt so với các loại ICBM phổ biến của Nga. Ảnh: Rian

Với tầm bắn gần ngưỡng của ICBM, tốc độ bay gấp 5 lần tốc độ âm thanh, ngay từ khi xuất hiện, giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, RS-26 là vũ khí hiệu quả để xuyên thủng các lá chắn tên lửa hiện đại nhất trên thế giới hiện nay.

Nhận định trên càng có cơ sở với khối mang đầu đạn nặng khoảng 1,2 tấn, có khả năng tự hiệu chỉnh quỹ đạo khiến các đòn tấn công của RS-26 gần như không thể ngăn chặn.

Đầu đạn cơ động cao của RS-26 Rubezh bay với tốc độ 6,7km/giây và liên tục thay đổi quỹ đạo trong hành trình, không thể bị các hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa như Patriot của Mỹ đánh chặn.

Trong giai đoạn 2015 - 2017, Quân đội Nga đã quyết định nhanh chóng nâng cấp Lực lượng Tên lửa Chiến lược bằng các tổ hợp RS-24 Yars mới và thiết bị lượn siêu vượt âm Avangard mới.

Với những động thái mới nhất từ Bộ Ngoại giao Nga, tổ hợp RS-26 Rubezh có thể được trang bị trong cơ cấu các đoàn tàu hạt nhân Barguzin thế hệ mới của Nga. “Bộ đôi” này sẽ tiếp nối truyền thống của các đoàn tàu hạt nhân bóng ma từng khiến Mỹ và NATO đau đầu đối phó và buộc phải nhượng bộ Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh để loại bỏ loại vũ khí này.

Chuyên gia quân sự Nga Timur Syrlanov nhận định, RS-26 không chỉ là công cụ quân sự mà còn là lời cảnh báo trực tiếp tới mọi đối thủ của Nga với tính năng vượt trội và không có đối thủ tương xứng.

Nằm giữa ranh giới của vũ khí răn đe chiến lược và vũ khí tấn công tầm xa khiến RS-26 Rubezh trở nên đặc biệt. Ảnh: Rian

Nằm giữa ranh giới của vũ khí răn đe chiến lược và vũ khí tấn công tầm xa khiến RS-26 Rubezh trở nên đặc biệt. Ảnh: Rian

Rubezh là đòn đáp trả việc Mỹ rút khỏi INF

Với các thông số về tầm bắn kéo dài từ tên lửa đạn đạo tầm trung tới cận ICBM, nhiều chuyên gia cho rằng RS-26 đã định nghĩa lại về trang bị tên lửa đạn đạo tầm trung của Nga từng bị ràng buộc trong quá khứ bởi INF.

Trong quá khứ, Nga và Mỹ cam kết không triển khai các loại vũ khí đạn đạo tầm trung. Tuy nhiên, vào năm 2019, khi Mỹ quyết định rời INF, Nga đã không còn bị ràng buộc về giới hạn phát triển và triển khai tên lửa tầm trung mới.

Ngay trong năm 2019, Tổng biên tập Cổng thông tin MilitaryNga.Ru, Dmitry Kornev đánh giá, việc nối lại các hoạt động liên quan đến tên lửa RS-26 Rubezh và RSD-10 Pioneer chính là phản ứng của Moscow trước việc Washington rút khỏi INF.

Tới tháng 6-2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố bắt đầu sản xuất tên lửa tầm trung và tầm ngắn mới để đáp trả hành động của Washington. Theo ông, Mỹ sản xuất tên lửa loại này và đưa chúng tới các cuộc tập trận được tổ chức ở châu Âu.

Tổ hợp bệ phóng cơ động Typhon của Mỹ và trước đó là hệ thống Aegis Ashore khiến Nga buộc phải có biện pháp phù hợp khi hai bên không còn bị ràng buộc bởi INF. Ảnh: Defense News

Tổ hợp bệ phóng cơ động Typhon của Mỹ và trước đó là hệ thống Aegis Ashore khiến Nga buộc phải có biện pháp phù hợp khi hai bên không còn bị ràng buộc bởi INF. Ảnh: Defense News

“Trong mọi trường hợp, chúng ta cần phản ứng với các tình huống cụ thể và đưa ra quyết định về những gì chúng ta sẽ cần làm tiếp theo. Có vẻ như chúng ta cần bắt đầu sản xuất những hệ thống vũ khí như vậy”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh.

Mới đây nhất, vào tháng 9-2024, tờ The Japan Times, trích tuyên bố của Giám đốc Trung tâm Chính sách quốc phòng Mỹ Christine Warmuth đăng tải, Washington có kế hoạch triển khai các hệ thống tên lửa Typhoon vốn trước đây phải chịu các hạn chế của Hiệp ước INF, trên lãnh thổ Nhật Bản. Quân đội Mỹ trước đó cũng từng có kế hoạch triển khai hệ thống Typhoon tại châu Âu.

Tổ hợp Typhon có khả năng phóng tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk và tên lửa phòng không-phòng thủ tên lửa SM-6. Nó được xây dựng với các giếng phóng thẳng đứng Mk-41. Các vụ phóng thử nghiệm đầu tiên được thực hiện vào năm 2023. Một khẩu đội Typhon bao gồm 4 bệ phóng cơ động, một trạm chỉ huy, một phương tiện vận tải và một phương tiện hậu cần.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/tai-sao-icbm-rs-26-rubezh-la-vu-khi-tien-cong-phu-dau-cua-nga-804035