Tại sao Italy chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19?

Ba tuần xảy ra khủng hoảng dịch Covid-19 tại Italy, Tiến sĩ Sergia Cattaneo đã chứng kiến khu vực phòng bệnh không sử dụng được trang bị thành khu vực chăm sóc tích cực, một phòng giặt là của bệnh viện được chuyển thành phòng chờ và một bệnh viện dựng bằng lều bên ngoài để kiểm tra những bệnh nhân có khả năng nhiễm virus mới.

Italy là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên cấm các chuyến bay đến từ Trung Quốc, nơi đầu tiên bùng phát dịch Covid-19 và câu hỏi đặt ra là tại sao Italy lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Italy là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên cấm các chuyến bay đến từ Trung Quốc, nơi đầu tiên bùng phát dịch Covid-19 và câu hỏi đặt ra là tại sao Italy lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

NDĐT - Ba tuần xảy ra khủng hoảng dịch Covid-19 tại Italy, Tiến sĩ Sergia Cattaneo đã chứng kiến khu vực phòng bệnh không sử dụng được trang bị thành khu vực chăm sóc tích cực, một phòng giặt là của bệnh viện được chuyển thành phòng chờ và một bệnh viện dựng bằng lều bên ngoài để kiểm tra những bệnh nhân có khả năng nhiễm virus mới.

Tính đến ngày 18-3 (theo giờ Việt Nam), Italy đã ghi nhận 31.506 ca nhiễm và 2.503 ca tử vong do Covid-19, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào ngoài Trung Quốc đại lục. Chỉ trong một ngày, nước này đã ghi nhận thêm 3.526 ca mắc mới Covid-19 và 345 ca tử vong.

Thiếu giường bệnh trầm trọng

Tiến sĩ Sergia Cattaneo, người đứng đầu Khoa gây mê và hồi sức tích cực tại bệnh viện công ở Brescia, bắc Italy, vẫn chưa lý giải được về diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Italy, đó là sự tăng vọt số ca nhiễm mới theo gần đúng những gì diễn ra tại Vũ Hán, Trung Quốc.

“Thực sự sốc - điều mà chúng ta đã không thể lường trước được và khiến chúng ta bị thất bại – là sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh. Nếu sự lây lan này không được kiểm soát, nó sẽ khiến các bệnh viện thất thủ”, Tiến sĩ Cattaneo, nói.

Các bác sĩ làm việc tại khu vực chăm sóc tích cực của bệnh viện Brescia, Italy, ngày 16-3-2020. (Ảnh: AP)

Các bác sĩ làm việc tại khu vực chăm sóc tích cực của bệnh viện Brescia, Italy, ngày 16-3-2020. (Ảnh: AP)

Khoa của tiến sĩ Cattaneo mới được trang bị thêm sáu giường bệnh chăm sóc tích cực (ICU), nâng tổng số giường bệnh ICU chuyên dụng để điều trị Covid-19 tại bệnh viện của ông lên 42 giường. Trên toàn khu vực Lombardy, giới chức địa phương đang thúc đẩy các kế hoạch xây dựng bệnh viện 400 giường ICU ở Milan. Mặc dù tổ chức bảo vệ dân sự Italy đã cảnh báo rằng tổ chức này không có máy thở hoặc đội ngũ nhân viên để trang bị cho bệnh viện mới và thời gian đang không còn.

Lombardy đang chạy đua với thời gian để trang bị thêm các giường bệnh ICU ở mức cao hơn so với số lượng bệnh nhân cần dùng. Tuy nhiên, đó không phải là mục tiêu dễ dàng đạt được khi 10% những người nhiễm Covid-19 ở Italy cần được chăm sóc đặc biệt, chủ yếu là cần sự hỗ trợ về hô hấp. Gần như tất cả các bệnh nhân đều bị viêm phổi.

Gói cứu trợ trị giá 25 triệu euro đã được Chính phủ Italy thông qua vào ngày 16-3 nhằm tăng cường hệ thống chăm sóc y tế và hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động và các gia đình bị ảnh hưởng kinh tế đồng thời thuê thêm hơn 10 nghìn nhân viên y tế.

Các nhân viên y tế Italy cũng phàn nàn về việc thiếu hụt trầm trọng các trang thiết bị y tế, bao gồm cả khẩu trang và kính bảo hộ. Các liên minh bác sĩ và y tá quốc gia của Italy đã đưa ra một cảnh báo chung vào ngày 17-3 rằng, hơn 2.300 nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh. Họ yêu cầu được trang bị đủ khẩu trang bảo hộ, găng tay và các trang thiết bị khác như là vấn đề an ninhh quốc gia cho đội ngũ 900 nghìn nhân viên y tế tại Italy.

Mối quan ngại thực sự là hệ thống chăm sóc y tế của Italy hiện có quá nhiều người cao tuổi cần được chăm sóc đặc biệt trong một thời gian dài và không có nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ y tế quốc gia có thể đáp ứng được nhu cầu này.

Tại sao Italy lại chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19?

Theo một số chuyên gia và nhà nghiên cứu về y tế, một phần câu trả lời có thể nằm ở cơ cấu dân số của Italy. Itlay có dân số già với tỷ lệ lớn người có độ tuổi hơn 65, đây là nhóm người được các chuyên gia y tế cho rằng có nguy cơ hơn với Covid-19.

Số liệu từ Trung Quốc cho thấy, khoảng 80% người trưởng thành tử vong do Covid-19 tại nước này ở độ tuổi hơn 60.

Một mối nguy cơ khác có thể liên quan đến việc hút thuốc lá. Covid-19 là một căn bệnh về hô hấp có thể dẫn đến viêm phổi và các vấn đề về hô hấp, trong trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến tử vong. Hút thuốc lá được biết đến là làm suy yếu chức năng của phổi và hệ thống miễn dịch, góp phần khiến các bệnh về hô hấp trầm trọng hơn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy hơn 21% người Italy hút thuốc lá.

Một nhân tố nguy cơ khác có thể liên quan đến các phong tục địa phương. Các khuyến cáo về giữ khoảng cách trong giao tiếp xã hội như là một biện pháp phòng ngừa sự lây lan của Covid-19. Tuy nhiên, trước khi dịch bệnh bùng phát, phong tục phổ biến tại Italy là chào bạn bè và người thân yêu bằng cách hôn má.

“Chúng ta biết rằng virus lây truyền từ người sang người thông qua giọt bắn và các bề mặt. Cách ly xã hội đang được nhiều chuyên gia trên toàn cầu ủng hộ để hạn chế sự lây lan của virus”, tiến sĩ Sarah Banks, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện trung tâm Connecticut cho biết.

Các đường phố chung quanh đấu trường Coliseum vắng vẻ, ngày 10-3-2020. (Ảnh: ABC News)

Các đường phố chung quanh đấu trường Coliseum vắng vẻ, ngày 10-3-2020. (Ảnh: ABC News)

Việc tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Italy dường như ở mức khá cao có thể lý giải là “nếu các bệnh nhân không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ không được xét nghiệm, tình trạng này sẽ làm sai lệch những con số mà chúng ta đang thấy và khiến tỷ lệ tử vong cao hơn”, tiến sĩ Banks nói.

Một lý do khác được đề cập đến là tại các thị trấn nhỏ ở phía bắc Italy, nơi virus lây lan rất nhanh trong những người cao tuổi và những người này vẫn thường sống cùng các thành viên trẻ hơn trong gia đình hơn là sống trong các viện dưỡng lão như ở các nước châu Âu khác. Do đó, đây có thể là lý do những nhóm người di chuyển nhiều hơn có thể lây bệnh cho nhóm người ít di chuyển hơn.

Cũng lý giải tại sao dịch Covid-19 lại lây lan quá nhanh khi tới Italy, tiến sĩ Lorenzo Casani, một quan chức quản lý bệnh viện tại thành phố Codogno, thuộc khu vực Lombardy, Italy cho rằng: “Chúng tôi không có những kế hoạch khẩn cấp cho các dịch bệnh. Chúng tôi chỉ có các kế hoạch cho các thảm họa tự nhiên. Và chúng tôi cũng là những người đầu tiên vì vậy chúng tôi hoàn toàn không có sự chuẩn bị”.

Trong khi đó, giáo sư Yascha Mounk, thuộc Trường đại học Johns Hopkins ở Washington, D.C, Mỹ lại có quan điểm khác.

“Tôi cho rằng câu hỏi tại sao là Italy là câu hỏi quan trọng nhất và nó có một câu trả lời rất đơn giản là “không có lý do nào cả”. Điều khác biệt duy nhất khiến Italy khác với các quốc gia còn lại là hai người trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh đến Italy trước 10 ngày, trước khi họ đến Đức, Mỹ và Canada. Vì vậy, nếu các quốc gia khác không ứng phó một cách quyết liệt ngay bây giờ, họ sẽ trở thành Italy tiếp theo”, giáo sư Mounk nói.

Thủ tướng kêu gọi “một Italy đoàn kết”

Giới chức Italy đã tăng cường kiểm tra nhằm bảo đảm các quy định phong tỏa được chấp hành nghiêm để hạn chế sự lây lan của Covid-19. Theo Bộ Nội vụ Italy, hơn 665.000 đối tượng đã được kiểm tra và hơn 27.600 người và khoảng 1.100 doanh nghiệp vi phạm các quy định.

Italy đã lệnh phong tỏa gần như toàn bộ cả nước, đóng cửa các trường học, quán bar, nhà hàng và các hoạt động kinh doanh không thiết yếu.

Bất cứ ai ra khỏi nơi cư trú cần phải cung cấp cho giới chức tờ khai chứng minh lý do cho việc đi lại. Những người được phép đi lại chỉ thuộc các trường hợp vì mục đích: công việc, y tế, nhu cầu thiết yếu và trong trường hợp đi về nơi mình sinh sống. Một số doanh nghiệp được phép mở cửa như siêu thị, các cửa hàng tạp hóa, các chuỗi bán lẻ lớn và được giới hạn khoảng cách an toàn giữa người bán và khách hàng để tránh mọi tiếp xúc vật lý.

Một phụ nữ đeo khẩu trang đi cùng chú chó tại Piazza Navona, trung tâm Rome, Italy, ngày 17-3-2020. (Ảnh: Anadolu)

Một phụ nữ đeo khẩu trang đi cùng chú chó tại Piazza Navona, trung tâm Rome, Italy, ngày 17-3-2020. (Ảnh: Anadolu)

Các trường học đã bị đóng cửa ít nhất trong tháng 3 nhưng các giáo viên, giảng viên sử dụng internet để giảng bài.

Theo số liệu của Quỹ tư vấn lao động Italy, khoảng ba triệu lao động, tương đương hơn 13% lực lượng lao động nước này, đang buộc phải ở nhà do các yêu cầu cách ly.

Ngày 17-3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã gửi thông điệp tới người dân Italy và khẳng định “chưa bao giờ như lúc này Italy cần phải được đoàn kết” trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Thủ tướng Conte khẳng định, các sắc lệnh chống virus Sars-CoV-2 hiện là không đủ, chính phủ sẽ tiếp tục chuẩn bị và nhanh chóng đưa ra các biện pháp mới để cơ cấu lại nền kinh tế và xã hội đang bị ảnh hưởng nặng nề, với những kế hoạch đầu tư lớn hơn nữa.

Thông điệp được Thủ tướng Conte đưa ra sau khi chính phủ thông qua 25 tỷ euro ngày 16-3 nhằm hỗ trợ hệ thống y tế, các y, bác sĩ, người lao động, các gia đình và các doanh nghiệp trong đang đối mặt với những khó khăn do tình trạng khẩn cấp của dịch Covid-19.

BÔNG MAI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43662702-tai-sao-italy-chiu-anh-huong-nang-ne-boi-covid-19.html