Tại sao không có cây nào được trồng ở Tam Đại Điện trong Tử Cấm Thành?
Khu vực Tam Đại Điện của Tử Cấm Thành dù rộng lớn nhưng lại không hề có một bóng cây. Tại sao lại như vậy?
Tử Cấm Thành (hay còn gọi là Cố Cung Bắc Kinh) là cung điện của 24 triều vua từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh, được xây dựng vào năm thứ 4 đời Minh Thành Tổ. Tổng diện tích của Tử Cấm Thành là 720,000 m2, gồm 980 tòa nhà. Công trình được xây dựng theo trật tự lễ giáo, quy phạm chính trị và tinh thần luân lý của các vương triều phong kiến Trung Quốc. Bố cục chỉnh thể cũng như quy mô, hình dáng, màu sắc trang trí và trưng bày của Cố Cung đều thể hiện quyền uy và đẳng cấp tối cao.
Tử Cấm Thành có 3 đại điện lớn là Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa, là những nơi nhà vua thi hành quyền lực thống trị và tổ chức các nghi lễ long trọng. Tuy nhiên, điều khiến nhiều khách du lịch khi có dịp ghé thăm vô cùng thắc mắc là tại sao khu vực Tam Đại Điện này hoàn toàn không có một bóng cây. Mặc dù chưa có đáp án chính thức nhưng các nhà nghiên cứu đã đưa ra 4 giả thuyết dưới đây.
Giả thuyết thứ 1, việc không trồng cây là nhằm tôn lên vẻ uy nghi của triều đình. Tam Đại Điện là nơi hoàng đế tổ chức các nghi lễ và thực thi quyền lực, cũng là nơi thể hiện uy quyền tối cao. Trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh, vua được coi là thiên tử với ý nghĩa là "người con của trời". Do đó, không một vật nào xung quanh được phép cao hơn điện Thái Hòa, kể cả cây xanh.
Hơn nữa không gian rộng lớn, tĩnh lặng, không một bóng cây sẽ tạo bầu không khí uy nghiêm. Các quan có việc vào cung, khi đi trên con đường này chỉ nhìn thấy những mái nhà cao, sẽ sinh ra áp lực và sợ hãi, do đó chỉ một lòng tôn thờ và trung thành với hoàng đế. Ngoài ra trồng cây còn thu hút nhiều chim chóc và những loài động vật khác, sẽ làm mất vẻ tôn nghiêm của triều đình.
Giả thuyết thứ 2, không trồng cây xanh trong Tam Đại Điện là để triệt tiêu chỗ ẩn nấp của kẻ gian, thích khách. Hoàng đế là người nắm trong tay quyền lực tối thượng nên kẻ địch không thiếu. Do đó, việc đảm bảo tính mạng của vua là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tất cả sinh hoạt của vua đều phải được kiểm tra kỹ lưỡng và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Việc không trồng cây trong Tam điện cũng là cách bảo vệ vua, bởi cây cối có thể trở thành nơi ẩn náu lý tưởng cho những kẻ muốn theo dõi, ám sát vua.
Điều này cũng được cho là có liên quan đến một sự kiện xảy ra vào năm Gia Khánh thứ 18, triều nhà Thanh (1813). Khi đó, một nhóm phiến quân nổi loạn đã bí mật tấn công Tử Cấm Thành qua cổng Đông Hoa Môn và Tây Hoa Môn. Do bị truy đuổi gắt gao, phiến quân đã chạy tới Long Tông Môn. Thấy cánh cổng ở đây đã đóng kín, những tên thích khách liền trèo lên cây lớn, cắt cành và chuẩn bị phóng hỏa trạm gác tại cổng này. Mặc dù kế hoạch bất thành nhưng sự việc đã gây ra bất an cho hoàng đế Gia Khánh. Từ đó không cây nào được trồng quanh Tam Đại Điện để phòng trừ chuyện tương tự xảy ra cũng như tránh việc những cây đại thụ có thể trở thành nơi ẩn nấp cho thích khách.
Giả thuyết thứ 3, không trồng cây là để đề phòng hỏa hoạn. Cố Cung là cụm kiến trúc bằng gỗ nên hỏa hoạn rất dễ xảy ra. Thực tế xuyên suốt chiều dài lịch sử, ba cung ở Tam Đại Điện đã từng nhiều lần bị cháy. Việc trồng cây xanh trong cung có thể hút sét, khiến lửa lan rộng và khó khống chế nếu có hỏa hoạn. Trong khi đó khả năng chữa cháy thời đó rất hạn chế, nếu cháy sẽ gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản nên hạn chế trồng cây ở đây cũng là cách hữu hiệu để phòng ngừa hỏa hoạn.
Ngoài biện pháp trên, để phòng cháy cho Cố Cung nói chung thợ kiến trúc nhiều đời vua còn phải vắt óc nghĩ ra các cách khác nhau. Cụ thể, trong Cố Cung có 4 dãy nhà bên trong bằng đá, bên ngoài trông như nhà cửa, nhưng toàn bộ bên trong đều do những phiến đá tạo thành, đây là tường phòng hỏa do các kiến trúc sư dày công thiết kế. Hay trong các khuôn viên của Cố Cung, tổng cộng đặt 308 chiếc vạc lớn, bên trong đều chứa đầy nước dùng để phòng hỏa. Đến mùa đông, sẽ có người đốt lửa ở dưới để giữ cho nước ấm không bị đóng băng.
Giả thuyết cuối cùng liên quan đến yếu tố phong thủy. Các điện trong Tử Cấm Thành không chỉ được bố trí đối xứng, dọc theo trục Nam, Bắc mà còn được thiết kế tuân thủ theo thuyết âm dương ngũ hành. Vào thời nhà Minh, Tam Đại Điện nằm ở trung tâm Tử Cấm Thành nên được coi là thổ. Tuy nhiên, nếu sử dụng hoàng thổ (đất sét vàng) để xây dựng điện thì sẽ gây ra lụt lội sau các trận mưa. Vì vậy, các kiến trúc sư đã thiết kế 3 khoảng sân ở đây tạo thành một chữ "Thổ", tượng trưng cho đất ở trung tâm. Thuyết âm dương ngũ hành rất coi trong yếu tố “tương sinh – tương khắc”. Yếu tố mộc khắc với yếu tố thổ. Xuất phát từ quan niệm này, chủ nhân của Tử Cấm Thành đương nhiên không muốn uy quyền của mình bị “mộc” chặn lại. Vì vậy nên Tam Đại Điện không thể có sự xuất hiện của cây xanh.
Minh Hoa (t/h)