Tại sao không hỗ trợ dân trực tiếp bằng tiền mặt?
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tranh luận, cho biết câu hỏi của ông là theo các chuyên gia, để hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi kinh tế sau đại dịch, Việt Nam một gói hỗ trợ tài khóa đủ lớn quy mô khoảng 3-4% GDP, trong đó phải có gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, chứ không phải cần gói hỗ trợ 3-4% GDP bằng tiền mặt.
Sáng 12/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Trong phần tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đưa ý kiến đồng tình với nhiều quan điểm Bộ trưởng KHĐT đã nêu về kế hoạch xây dựng gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, đại biểu cho biết câu hỏi của ông là theo các chuyên gia, để hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi kinh tế sau đại dịch, Việt Nam một gói hỗ trợ tài khóa đủ lớn quy mô khoảng 3-4% GDP, trong đó phải có gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, chứ không phải cần gói hỗ trợ 3-4% GDP bằng tiền mặt.
Vấn đề đặt ra là nếu làm như vậy sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách và sẽ phải vượt bội chi ngân sách, tăng nợ công, nợ Chính phủ. Nhưng nếu gói hỗ trợ không đủ lớn sẽ khiến nền kinh tế chậm phục hồi so với các nước và kéo theo nhiều hệ lụy.
Ông cũng đánh giá trong báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ hiện nay cũng không thể hiện rõ một kế hoạch tổng thể và một mức chi cho gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ để phục hồi nền kinh tế. Trên từng lĩnh vực thì đã có báo cáo về các gói hỗ trợ này tuy nhiên còn rất riêng lẻ, đại biểu Hiển cho biết mong muốn ở đây là cần có một kế hoạch tổng thể, thống kê, tổng hợp và dự báo đầy đủ.
Ngoài nguồn lực của ngân sách thì cần có chương trình để huy động cả nguồn lực bên ngoài ngân sách để phục hồi và phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Văn Hiển đề nghị Bộ KHĐT và Chính phủ làm rõ các vấn đề này.
Trả lời phần tranh luận trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết với các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, việc quan trọng đặt ra nếu không nới trần nợ công và trần bội chi thì sẽ không có nguồn lực để phục hồi và phát triển.
Tuy nhiên, nếu nới các chỉ tiêu này mà thực hiện không hiệu quả sẽ dẫn tới hệ lụy cho nền kinh tế, mất cân đối vĩ mô, cân đối lớn.
“Vậy nới bao nhiêu là đủ, 1-2% hay nhiều hơn, nới ra rồi thì huy động bằng cách nào, xử lý vào đâu cho hiệu quả”, Bộ trưởng KHĐT chia sẻ.
Theo Bộ trưởng, hiện nay các vấn đề này đang được các bộ, ngành tính toán và chưa đưa ra kịch bản 1 cách cụ thể. Các kịch bản đã được xây dựng nhưng tạm thời chưa báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này mà phải cần thời gian để tính toán kỹ lưỡng và báo cáo các cấp thẩm quyền trước khi đưa ra trình Quốc hội.
Tuy nhiên, Bộ trưởng KHĐT nhấn mạnh sẽ lưu ý các vấn đề đại biểu Hiển chia sẻ trong quá trình xây dựng chương trình.
Xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển KTXH là cấp thiết
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo gửi Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề cập đến các giải pháp dự kiến của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự hồi phục kinh tế thế giới phụ thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19, tiến độ tiêm vaccine, phát triển thuốc đặc trị và phối hợp quốc tế, đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định tài chính, tiền tệ, lạm phát, thiếu hụt nguồn cung và năng lượng, thiên tai, biến đổi khí hậu...
Trong nước, dịch bệnh ảnh hưởng cả trong ngắn, trung và dài hạn, tác động đến tất cả các khía cạnh y tế, an sinh xã hội, kinh tế, văn hóa… Nền kinh tế đối mặt với không ít rủi ro, thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, lao động, việc làm, lạm phát, nguyên vật liệu đầu vào, an sinh, an ninh và trật tự xã hội…
Thời gian qua, với sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm nỗ lực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh nhưng quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp, chủ yếu tác động về phía cung, chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực mạnh mẽ hỗ trợ cho người dân, người lao động, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và phía cầu của nền kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng. Từ đó, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu hằng năm, 5 năm, 10 năm, làm suy yếu thành quả, nỗ lực của cả đất nước sau hơn 35 năm “Đổi mới”, nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới.
Đến nay, dịch bệnh dần được kiểm soát. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 để chủ động chuyển sang phòng, chống, thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả dịch Covid-19, đưa đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể. Nghị quyết ngay lập tức có tác động tích cực đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Do vậy, việc xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại thời điểm hiện nay là hết sức phù hợp và cấp thiết, nhằm tập trung hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không lỡ nhịp xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.
Căn cứ các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, tháng 8 và tháng 9 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động, khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tham vấn các đối tác phát triển, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, khẩn trương xây dựng và hoàn thiện dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Mục tiêu của Chương trình bám sát quan điểm, định hướng của Đảng tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung vào các giải pháp, chính sách hỗ trợ khắc phục khó khăn trong ngắn hạn của người dân, doanh nghiệp, phục hồi và củng cố nền tảng đồng thời tạo đà tăng trưởng kinh tế - xã hội trong tương lai.
Chương trình dự kiến để ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Giải pháp tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Giải pháp về an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Giải pháp về phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng chiến lược, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; Giải pháp về quản trị rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn; Giải pháp về cải cách thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Hiện nay dự thảo Chương trình vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước dự kiến kinh phí, phương án huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực, bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tai-sao-khong-ho-tro-dan-truc-tiep-bang-tien-mat-440675.html