Tại sao miền Bắc tối muộn vẫn rất nóng, nhiệt độ ở Hà Nội lúc nửa đêm vẫn cao?

Trong đợt nóng diện rộng và kéo dài này ở miền Bắc, đến tận tối muộn, trời vẫn rất nóng nực, oi bức. Tại Hà Nội, đến nửa đêm nhiệt độ vẫn là 35 - 37 độ C. Tại sao buổi tối và đêm không có ánh nắng mà vẫn nóng như vậy và liệu sắp tới có thay đổi thời tiết không?

Mấy ngày nay, phần lớn các tỉnh thành miền Bắc nóng cả ngày, đến tận tối đêm vẫn rất nóng bức, nhiệt độ duy trì ở mức 35 - 37oC (nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời). Ở trong nhà mà không bật điều hòa có thể còn nóng và bí bức hơn.

Tình trạng nóng bức cả tối lẫn đêm vẫn duy trì ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, bao gồm Hà Nội, trong những ngày tới. Lúc 23h hôm nay và ngày mai (thứ Bảy và Chủ Nhật), nhiệt độ ở Hà Nội vẫn khoảng 35 - 36oC, trong khi nhiệt độ cao nhất vào ban ngày là 41 - 42oC.

Nhiệt độ cảm nhận thực tế ở một số tỉnh thành miền Bắc vào đêm 15/6. Ảnh: Zoom Earth, OpenStreetMap.

Nhiệt độ cảm nhận thực tế ở một số tỉnh thành miền Bắc vào đêm 15/6. Ảnh: Zoom Earth, OpenStreetMap.

Tại sao tối và đêm mà trời vẫn nóng như vậy?

Thực tế, các đợt nắng nóng bao gồm một yếu tố ngày càng trở nên nguy hiểm, chính là việc nhiệt độ buổi đêm vẫn cao.

Bà Lisa Patel, giám đốc điều hành Hiệp hội Y tế về Khí hậu và Sức khỏe ở Mỹ, giải thích với trang CNN rằng lý do chính là vì khi ngày trở nên nóng hơn, ở các vùng nhiệt đới, trong không khí có nhiều hơi ẩm giữ nhiệt; vào buổi đêm, vốn còn ẩm hơn, hơi ẩm lại khiến nhiệt không thể thoát bớt được.

Ở các nước thuộc vùng nhiệt đới, trong những đợt nắng nóng thì cả ngày lẫn đêm nhiệt độ đều cao. Trong hình là người dân ở Manila (Philippines) trong một đợt nắng nóng của năm nay. Ảnh: PhilStar.

Ở các nước thuộc vùng nhiệt đới, trong những đợt nắng nóng thì cả ngày lẫn đêm nhiệt độ đều cao. Trong hình là người dân ở Manila (Philippines) trong một đợt nắng nóng của năm nay. Ảnh: PhilStar.

Ngoài ra còn có hiệu ứng gọi là đảo nhiệt đô thị: Những thành phố với nhiều đường nhựa, nhà cao tầng… thì có xu hướng hấp thụ năng lượng từ Mặt Trời rồi tỏa ra nhiệt, tức là chúng hấp thụ nhiệt vào ban ngày rồi từ từ tỏa nhiệt đó ra vào buổi tối và đêm. Vì vậy, ở Hà Nội và các thành phố nhiều đường lớn, nhà cao tầng thì buổi tối và đêm cũng vẫn nóng ngột ngạt. Còn những khu vực có nhiều cây xanh thì buổi tối và đêm thường mát hơn do không có nhiều thứ giữ lại nhiệt của ban ngày.

Hiệu ứng đảo nhiệt đô thị: Nhiệt độ vào buổi chiều muộn vẫn rất cao ở những thành phố nhiều nhà cao tầng. Ảnh: Tổ chức Khí tượng Thế giới.

Hiệu ứng đảo nhiệt đô thị: Nhiệt độ vào buổi chiều muộn vẫn rất cao ở những thành phố nhiều nhà cao tầng. Ảnh: Tổ chức Khí tượng Thế giới.

Việc buổi tối và đêm vẫn rất nóng có ảnh hưởng không nhỏ tới cơ thể con người, vì đây là thời điểm mà lẽ ra cơ thể được “tạm nghỉ” sau một ngày nóng bức. Nhưng với nhiệt độ 38oC vào buổi tối và 35 - 36oC vào buổi đêm thì cơ thể không có cơ hội để nghỉ ngơi (nếu không có điều hòa), khó ngủ vào buổi đêm. Những điều này lại dẫn đến tình trạng mệt mỏi, đầu óc thiếu tỉnh táo, dễ say nóng, ngất xỉu vào ban ngày.

Dự báo trong cuối tuần này và cả tuần tới, ở Hà Nội vẫn có nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ban ngày ở mức 42 - 44oC, nhiệt độ buổi tối và đêm vẫn cao như trên, người dân nên cố gắng nghỉ ngơi ở những nơi mát mẻ khi có thể để tránh say nóng, kiệt sức.

Thục Hân

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/tai-sao-mien-bac-toi-muon-van-rat-nong-nhiet-do-o-ha-noi-luc-nua-dem-van-cao-post1646499.tpo