Tại sao mưa đá xuất hiện giữa mùa nóng?

Mưa đá xảy ra do bất ổn định trong không khí giữa luồng khí hậu lạnh - nóng gặp nhau. Do đó, những tháng chuyển tiếp giữa mùa lạnh sang nóng như tháng 5, 6, mưa đá dễ hình thành.

 Theo chia sẻ của một số cư dân, có hạt mưa đá có đường kính gần 2 cm. Ảnh: Duy Hiệu, Kỳ Duyên.

Theo chia sẻ của một số cư dân, có hạt mưa đá có đường kính gần 2 cm. Ảnh: Duy Hiệu, Kỳ Duyên.

Chiều 14/6, nhiều khu vực tại TP.HCM có mưa lớn, nhiều quận ghi nhận có mưa đá, hạt mưa có đường kính 1-2 cm. Trên mạng xã hội chiều cùng ngày, nhiều fanpage tin tức về TP.HCM nhanh chóng chia sẻ những hình ảnh chụp cơn mưa đá vừa diễn ra khiến nhiều người bất ngờ.

Lý giải hiện tượng mưa đá gây xôn xao chiều 14/6, ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo - Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nhận định mưa đá hình thành trong điều kiện thời tiết TP.HCM như hôm qua là không bất thường.

"Mưa đá hiếm xảy ra nhưng hàng năm vẫn xuất hiện 1-2 trận", ông Quyết nói với Tri Thức - Znews. Lần gần đây nhất mưa đá được ghi nhận ở TP.HCM là vào tháng 6/2022, xảy ra tại các quận ngoại thành như Tân Phú, Tân Bình.

Thời điểm giao mùa dễ có mưa đá

Trên thực tế, mưa đá vốn là một hiện tượng khí hậu diễn ra vào mùa hè. Đây hiện tượng mưa rơi xuống đến bề mặt đất dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dáng và kích thước khác nhau từ 5 mm đến hàng chục cm. Mưa đá thường rơi xuống cùng với mưa rào và kết thúc rất nhanh, chỉ trong vòng 5-10 phút, hoặc tối đa là 20-30 phút.

Điều kiện hình thành là nhiệt độ và độ ẩm cao, đối lưu rất mạnh, thường có mây đối lưu (mây tích). Cơn mưa được tạo ra trong những cơn giông mạnh, ở tầng khí quyển cao nơi nhiệt độ luôn dưới mức đóng băng.

Giai đoạn giao mùa (tháng 4, 5, 6) là thời điểm lý tưởng hình thành hiện tượng này. Khi đó, thời tiết nóng ẩm, hàm lượng hơi nước trong không khí cao. Khí quyển ở tầng thấp nhận được nhiều nhiệt năng sẽ nóng lên, hình thành cột không khí dưới nóng, trên lạnh. Lúc này hiện tượng đối lưu phát sinh, tạo ra những đám mây vũ tích.

 Vào khoảng 14h30 chiều 14/6, nhiều nơi ở TP.HCM mưa như trút nước kèm theo sấm sét trên hầu hết quận huyện của thành phố. Ảnh: Duy Hiệu.

Vào khoảng 14h30 chiều 14/6, nhiều nơi ở TP.HCM mưa như trút nước kèm theo sấm sét trên hầu hết quận huyện của thành phố. Ảnh: Duy Hiệu.

Bên trong đám mây vũ tích có nhiều hạt băng và nước siêu lạnh - là nước vẫn ở dạng lỏng, xuống dưới nhiệt độ đông đặc mà vẫn không hóa rắn do thiếu hạt nhân ngưng kết. Băng thường ở gần đỉnh đám mây, nơi nhiệt độ không khí có thể xuống tới -60 độ C. Nước siêu lạnh có xu hướng ở gần nửa dưới của đám mây, nơi nhiệt độ gần như đóng băng.

Khi giông bão xảy ra, không khí di chuyển lên xuống dữ dội bên trong đám mây vũ tích - được gọi là luồng gió lên và luồng gió xuống.

Khi các đám mây gần mặt đất được các luồng không khí bốc lên cao, một khối lượng lớn các giọt nước siêu lạnh được đưa lên tầng trên của đám mây. Chúng đông kết với các hạt băng đang tồn tại ở tầng trên, làm cho thể tích của các hạt băng càng ngày càng lớn hơn.

Khi rơi xuống tầng mây thấp, mặt ngoài của băng lại được bao bọc thêm một lớp màng nước, đồng thời lại bị các luồng nước khi mạnh, khi yếu đang không ngừng bốc lên cao tác động vào. Càng bị các luồng khí tác động lâu thì lớp màng nước của hạt băng càng nhiều, khiến thể tích của băng thể càng lớn hơn.

Cuối cùng, nó sẽ trở thành cục băng có cấu tạo nhiều lớp trong và đục xen kẽ nhau. Khi hạt băng đủ nặng, không thể bị gió hay các luồng không khí cuốn đi nữa, chúng sẽ rơi xuống mặt đất, gây ra những trận mưa đá.

Tại sao mùa đông không có mưa đá?

Những hạt mưa đá nhỏ thường tan chảy trước khi chạm mặt đất, nhưng những hạt lớn hơn sẽ rơi xuống đất và có thể gây ra thiệt hại lớn. Mưa đá phổ biến nhất ở các vĩ độ trung bình vào đầu mùa hè.

Tại đây, khí quyển ở tầng thấp nhận được nhiều nhiệt năng nên rất nóng, hình thành cột không khí dưới nóng trên lạnh, thiếu ổn định. Đây là điều kiện hình thành hiện tượng đối lưu và những đám mây vũ tích có khả năng gây mưa đá.

Trong khi đó, tầng cao khí quyển vẫn đủ lạnh để nâng đỡ những hạt băng lớn hình thành và lớn dần lên trong mây. Đây là lý do tại sao trời vẫn có thể có mưa đá vào mùa hè, bởi không khí ở mặt đất có thể ấm áp, nhưng ở trên bầu trời vẫn lạnh.

Ngược lại, vào mùa đông, ánh nắng mặt trời chiếu xiên xuống mặt đất, nên nhiệt lượng thu được rất yếu, không gây ra hiện tượng đối lưu mạnh mẽ. Trong khi đó, không khí lại khô hanh, khó tạo ra những đám mây vũ tích lớn. Thậm chí, nếu mây vũ tích được tạo ra, nhưng dòng đối lưu đi lên không đủ mạnh, quá trình hình thành hạt băng cũng không thể thực hiện được. Do đó, mùa lạnh không có mưa đá.

 Nhiều người nhặt được viên đá to, có đường kính 1-2 cm. Ảnh: NVCC.

Nhiều người nhặt được viên đá to, có đường kính 1-2 cm. Ảnh: NVCC.

Theo ghi nhận ban đầu, trong trận mưa hôm 14/6, mưa đá tập trung ở quận 1, quận 4 có kích thước bằng đầu đũa. Nếu kích thước lớn hơn, cơn mưa có thể gây thủng mái tôn, dập nát cây hoa màu hoặc bể kính nhà cửa, kính ôtô. Ông Quyết lưu ý thêm rằng hạt mưa đá to rơi vào người dễ gây thương tích nguy hiểm.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/tai-sao-xuat-hien-mua-da-giua-mua-nong-post1481228.html