Tại sao Mỹ chào đón người Ukraine nhưng quay lưng với người tị nạn nước khác?
Các nhóm gia đình Ukraine tại biên giới Mỹ-Mexico đang đứng cơ hội mà hầu hết người di cư xin tị nạn không có suốt nhiều năm: nhập cảnh hợp pháp vào Mỹ.
Kênh CNN cho biết có một văn bản hướng dẫn các nhân viên biên phòng Mỹ xem xét miễn áp dụng biện pháp hạn chế về y tế công cộng với người Ukraine. Các biện pháp y tế này chính là công cụ Mỹ đã sử dụng để ngăn chặn người di cư vào nước này kể từ những ngày đầu đại dịch COVID-19.
Theo văn bản trên của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, chỉ có người Ukraine được miễn trừ và đây là một điều đáng lưu ý.
Văn bản này đang thu hút chú ý của một số người ủng hộ quyền người nhập cư. Họ cho rằng cách Chính phủ Mỹ đang phản ứng với người Ukraine là ví dụ cho thấy hệ thống nhập cư của Mỹ mang tính chính trị và phân biệt chủng tộc.
Ông Erika Pinheiro, Giám đốc chính sách của tổ chức viện trợ người di cư và tị nạn Al Otro Lado, cho biết những người Ukraine sơ tán vì chiến tranh xứng đáng có cơ hội ở Mỹ, nhưng nhiều người khác cũng ở trong hoàn cảnh tuyệt vọng cũng vậy.
Ông Guerline Jozef, Giám đốc điều hành của Liên minh Cầu Haiti, cho biết: “Chúng tôi ủng hộ và hoan nghênh cộng đồng người Ukraine. Mục tiêu của chúng tôi là có thể đảm bảo rằng hành động nhân văn dành cho cộng đồng Ukraine cũng được dành cho những người khác”.
Khi được hỏi về các cáo buộc tiêu chuẩn kép, một phát ngôn viên của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết việc miễn áp dụng biện pháp y tế ở biên giới đã và vẫn được áp dụng tùy từng trường hợp cho những cá nhân đặc biệt dễ bị tổn thương thuộc mọi quốc tịch vì lý do nhân đạo.
Bà Jessica Bolter thuộc Viện Chính sách Di cư cho hay những người Ukraine đang cố gắng đến Mỹ thường sẽ bay sang Mexico – nước mà họ có thể dễ dàng xin thị thực để đi lại và sau đó đến các cửa khẩu dọc theo biên giới phía nam của Mỹ.
Từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022, đã có trên 1.300 người Ukraine xuất hiện dọc theo biên giới phía nam của Mỹ. Sau khi bị bắt, phần lớn đã được phép ở lại Mỹ để nộp đơn xin tị nạn.
Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng người Ukraine đã được phép đi qua các cửa khẩu trong tháng qua, nhưng trong những tuần gần đây, các luật sư và những người biện hộ làm việc với những người di cư ở biên giới nói rằng họ nhiều lần chứng kiến chính quyền Mỹ để người Ukraine vượt biên nhưng quay lưng lại với những người mang quốc tịch khác.
Trong nhiều tuần, những người ủng hộ nhân quyền và các phóng viên đã nhận thấy rằng những quốc gia châu Âu chào đón người tị nạn Ukraine chính là những nước thờ ơ hoặc thù địch với người tị nạn Syria và các nước khác.
Nhiều người tị nạn Haiti bị mắc kẹt ở Tijuana (Mexico) nhiều tháng, thậm chí nhiều năm và bị đối xử phân biệt, bị chặn vượt biên. Nhiều nghìn người Haiti buộc phải lên máy bay về nước kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Trước đó, vào tháng 3/2020, chính quyền Mỹ thời Tổng thống Donald Trump đã đưa ra chính sách có tên “Tiêu đề 42” gồm các biện pháp hạn chế liên quan y tế cộng đồng ở biên giới với Mexico và Canada. Theo đó, Mỹ phải ngăn chặn người di cư để phòng COVID-19 lây lan.
Từ khi có chính sách này, Mỹ đã trục xuất những người di cư tại biên giới hơn 1,7 triệu lần. Không rõ có bao nhiêu người đã bị ảnh hưởng, vì con số đó gồm những người đã tìm cách vượt biên nhiều lần.
Các nhóm bảo vệ quyền người nhập cư đã chỉ trích “Tiêu đề 42” là phân biệt chủng tộc và bài ngoại. Họ cho rằng các quan chức Mỹ đang sử dụng đại dịch làm cái cớ để ngăn cản những người di cư xin tị nạn ở Mỹ, mà phần lớn những người bị ảnh hưởng là người da màu.
Nhưng chính sách này vẫn được áp dụng sau hơn một năm ông Biden làm tổng thống. Hiện có các cuộc thảo luận về dỡ bỏ chính sách này nhưng không rõ liệu điều đó có xảy ra sớm hay không.
Trong hệ thống nhập cư phức tạp của Mỹ, chính trị toàn cầu là một trong số nhiều yếu tố định hình các quyết định mà các quan chức đưa ra. Đôi khi các chính sách có lợi cho người tị nạn từ một số quốc gia này, không có lợi cho người từ những quốc gia khác.
Trong nhiều thập kỷ, người Cuba đặt chân lên đất Mỹ ngay lập tức được coi là đã đến nước này hợp pháp, cho dù họ đến đây bằng cách nào. Mỹ cấp cho họ các quyền lợi như phiếu thực phẩm, trợ cấp y tế, hỗ trợ nhà ở và giấy phép lao động ngay sau khi họ đến. Chính quyền của ông Barack Obama đã chấm dứt chính sách đó vào năm 2017.
Mới năm 2021, khi Taliban kiểm soát Afghanistan, Mỹ đã đưa hơn 70.000 người Afghanistan đến Mỹ.
Trái lại, những năm 1980, Mỹ đã từ chối nhiều đơn xin tị nạn của những người Trung Mỹ chạy trốn khỏi các chính phủ cánh hữu được Mỹ hậu thuẫn.
Ngoài những cân nhắc về chính trị, yếu tố chủng tộc cũng ảnh hưởng tới cách hình thành chính sách.