Tại sao Mỹ không thể khiến Trung Đông ủng hộ Ukraine?
Mỹ và EU muốn Saudi Arabia bơm thêm dầu và UAE ngừng cất giấu siêu du thuyền và tài sản của các nhà tài phiệt Nga. Nhưng họ vẫn chưa thể thực hiện được điều này dù Mỹ vẫn là cường quốc quân sự thống trị trong khu vực.
Quá khứ quan hệ không tốt đẹp
Ngay sau khi Nga xung đột vũ trang với Ukraine vào cuối tháng 2/2022, các quan chức Mỹ được cho là đã cố gắng tổ chức một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo thực tế của Saudi Arabia, Mohammed bin Salman.
Nhưng thái tử Saudi Arabia, thường được gọi đơn giản là MBS, dường như đã từ chối nhận cuộc gọi. Tuy nhiên, ngay sau đó, MBS đã nói chuyện với Tổng thống Nga Putin. Và tháng sau, ông cũng đã nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhà Trắng sau đó đã không công nhận việc các cuộc gọi của ông Joe Biden đã bị từ chối. Tuy nhiên, “sự cố” này không thật sự quan trọng, nó chỉ là lần gần nhất xảy ra trong thời kỳ đặc biệt lạnh giá trong mối quan hệ giữa Mỹ và một số nước bạn sản xuất dầu mỏ thân thiết nhất ở Trung Đông.
Cách nay mấy năm, ông Joe Biden đã mô tả Saudi Arabia là như là một "quốc gia pariah" (quốc gia bị ruồng bỏ trong cộng đồng quốc tế), sau khi xảy ra vụ sát hại được cho là do nhà nước này dàn dựng đối với nhà bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi vào năm 2018.
Thực tế này và vì nhiều lý do khác nữa khiến Saudi Arabia ngày càng xa rời Mỹ.
Cố gắng lấy lại vị thế
Vấn đề là bây giờ, do cuộc chiến ở Ukraine, Mỹ và châu Âu muốn các đối tác của họ ở Trung Đông bơm thêm dầu để hạ giá dầu toàn cầu, nhằm đối phó với Nga.
Tuy nhiên, các quốc gia giàu dầu mỏ như Saudi Arabia và UAE chủ yếu tuân theo các giới hạn sản lượng đã được thỏa thuận trước đó với nhóm OPEC +, trong đó có Nga. Siêu du thuyền, máy bay phản lực tư nhân và tài sản của các nhà tài phiệt Nga đang được che chở khỏi bị tịch thu ở UAE và các nước khác trong khu vực. Các đồng minh của Mỹ là Iraq, Jordan và Israel đã từ chối bỏ phiếu chống lại Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.
Vậy tại sao Mỹ, một quốc gia đóng vai trò lớn ở Trung Đông trong nhiều thập kỷ, không thể thuyết phục những người được cho là "bạn bè" của mình đứng về phía mình?
Kể từ khi Thế chiến II kết thúc, Mỹ đã đánh đổi sức mạnh quân sự của mình để lấy an ninh năng lượng trong khu vực. Và báo cáo vào tháng 4 của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) chỉ ra, Mỹ "vẫn là nhà bảo đảm an ninh thống trị và là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất trong khu vực". Mỹ vẫn có các căn cứ quân sự lớn xung quanh Trung Đông và có từ 45.000 - 60.000 nhân viên đồn trú tại đây.
Tuy nhiên, khi người Mỹ bắt đầu tự khai thác dầu trong nước - kể từ năm 2019, Mỹ đã xuất khẩu nhiều xăng dầu hơn nhập khẩu và các nhà sản xuất dầu Trung Đông trở nên ít liên quan hơn đối với Mỹ.
Aaron D. Miller, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Chính phủ Mỹ, cho biết: Khi Trung Đông với Mỹ không còn quan trọng như trước thì đã có nước thay thế. Ví dụ, Trung Quốc cho đến nay là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và vào năm 2020, 47% nhập khẩu của nước này đến từ Trung Đông.
Siêu cường châu Á này đã và đang củng cố các mối quan hệ của mình ở đó, bao gồm hỗ trợ phát triển tên lửa đạn đạo ở Saudi Arabia, mua lại các cơ sở sản xuất dầu của Iraq và đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Iraq.
Tuy nhiên, khi xung đột ở Ukraine tiếp diễn và tình hình kinh tế toàn cầu xấu đi (một phần do giá dầu cao), Mỹ đang cố gắng giành lại nền tảng mà họ đã mất vào tay những nước khác, như Trung Quốc và Nga.
Một phái đoàn cấp cao, do Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dẫn đầu, đã đến thăm UAE vào giữa tháng 5 năm nay và gặp gỡ nhà lãnh đạo Tiểu vương quốc, Mohammed bin Zayed Al Nahyan, sau cái chết của người anh cùng cha khác mẹ.
Tuần này, truyền thông Mỹ đưa tin rằng đích thân Tổng thống Mỹ sẽ thăm Saudi Arabia vào giữa tháng 7 để có cuộc gặp với lãnh đạo MBS của Saudi Arabia, điều mà ông Biden trước đây tỏ ra miễn cưỡng làm.
Nhưng giờ đây không còn là điều "miễn cưỡng" nữa mà hết sức cần thiết. Chỉ có điều có làm được hay không mà thôi.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tai-sao-my-khong-the-khien-trung-dong-ung-ho-ukraine.html