Tại sao Mỹ phải dùng tên lửa đắt tiền để bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc
Để bắn các vật thể lạ trên không phận, Mỹ không dùng đạn rẻ tiền thông thường mà phải sử dụng loại tên lửa đắt tiền, giá 400.000 USD/chiếc.
Theo tờ The Week, cụ thể, các máy bay chiến đấu Mỹ đã dùng 5 tên lửa tầm nhiệt AIM-9X Sidewinder để bắn 4 vật thể bay trên không phận Mỹ và Canada trong khoảng thời gian từ ngày 4/2 đến ngày 12/2.
Ngày 14/2, các quan chức Mỹ cho biết cần tới 2 tên lửa Sidewinder mới bắn rơi được vật thể bay hình bát giác xuống hồ Huron ở khu vực Michigan, vì chiếc đầu tiên không phát hiện ra vật thể và rơi xuống hồ Huron.
Quân đội và chính quyền Mỹ đã bị một số người chỉ trích khi sử dụng tên lửa Sidewinder trị giá 400.000 USD mỗi chiếc để hạ 4 khinh khí cầu mà 3 trong số đó có khả năng là vật thể vô hại.
Tuy nhiên, theo tờ Washington Post, Mỹ bị hạn chế trong phản ứng với khinh khí cầu và các phương tiện tương tự bởi đặc điểm vật lý và khả năng của vũ khí hiện tại. Không thể làm nổ một khinh khí cầu khổng lồ bằng súng ở độ cao 12.000m.
Ông David Deptula, Trung tướng Không quân đã nghỉ hưu và là phi công chiến đấu, nói: “Bạn có thể bắn thủng lỗ chỗ vào một khinh khí cầu nhưng nó sẽ giữ nguyên độ cao. Áp suất không khí cao không để khí heli tự do thoát ra ngoài qua các lỗ nhỏ, ngay cả khi các máy bay chiến đấu bay với tốc độ hàng trăm km một giờ có thể bắn đạn vào khinh khí cầu gần như đứng yên.
Trước đây, Canada đã khó khăn lắm mới nhận ra điều đó vào năm 1998, khi họ cố gắng hạ một khinh khí cầu thời tiết khổng lồ được phóng từ Saskatchewan để đo nồng độ ozone. Các phi công máy bay chiến đấu CF-18 của Canada đã bắt kịp khinh khí cầu ngoài khơi bờ biển Newfoundland và nhắm mục tiêu, bắn hơn 1.000 viên đạn vào nó. Nhưng khinh khí cầu vẫn không rơi sau cuộc tấn công, tiếp tục bay trên Bắc Đại Tây Dương, lơ lửng trên bầu trời Anh, không phận Na Uy và Nga rồi mới rơi xuống Phần Lan.
Báo chí Anh đã chỉ trích các phi công Lực lượng Không quân Canada vì đã không thể làm nổ khinh khí cầu, nhưng sau đó các phi công Anh và Mỹ cũng đã cố gắng bắn hạ nó và không thành công.
Phát ngôn viên Lực lượng Không quân Canada, Thiếu tá Roland Lavoie nói với hãng tin AP vào thời điểm đó: Những chiếc CF-18 của Canada mang theo tên lửa không đối không, nhưng người dân sẽ không muốn thấy tên lửa nổ phía trên đầu mình. Tuy vậy, có vẻ như dùng tên lửa giá vài trăm nghìn USD để bắn hạ khinh khí cầu vẫn là “dùng dao mổ trâu để giết gà”.
Trước đó, truyền thông Mỹ đưa tin máy bay chiến đấu của nước này đã bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc đi qua không phận Mỹ ở khu vực ngoài khơi Carolina, trên Đại Tây Dương, vào chiều ngày 4/2 (giờ địa phương). Ngày 5/2, theo Tân Hoa xã, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố bày tỏ hết sức bất bình và phản đối Mỹ sử dụng vũ lực tấn công khinh khí cầu dân sự. Tuyên bố nhấn mạnh động thái này của Mỹ là hành động quá mức và vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế.
Trong tuyên bố đưa ra sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đây là khí cầu được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, chủ yếu là nghiên cứu khí tượng. Tuyên bố khẳng định việc khinh khí cầu dân sự này xuất hiện trong không phận Mỹ là ngoài ý muốn, do ảnh hưởng của gió và khả năng tự điều chỉnh hạn chế nên khinh khí cầu đã đi chệch hướng quá xa so với lộ trình dự kiến
Trong một cuộc điệm đàm sau đó với Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, ông Vương Nghị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - nhấn mạnh Bắc Kinh và Washington cần tập trung duy trì liên lạc kịp thời, tránh đánh giá sai và xử lý các khác biệt khi đối mặt với các tình huống bất ngờ.