Tại sao Mỹ phải mất 51 năm mới quay trở lại Mặt trăng?
Mỹ đã đưa người lên Mặt trăng thành công cách đây nửa thế kỷ, nhưng tại sao đến bây giờ mới quay lại thiên thể này.
Vào lúc 18h23 ngày 22/2 theo giờ miền Đông nước Mỹ (tức 6h23 sáng 23/2 theo giờ Việt Nam), tàu đổ bộ Odysseus của Công ty thám hiểm không gian Intuitive Machines - công ty tư nhân của Mỹ - đã đáp xuống bề mặt Mặt trăng.
Khi tham vọng không gian ngày càng tăng đi kèm các hoạt động kinh doanh không gian mở rộng, các công ty tư nhân đã chạy đua để giành lấy danh hiệu công ty tư nhân đầu tiên đưa tàu vũ trụ hạ cánh thành công xuống Mặt trăng.
Tuy nhiên không có thành công nào cho đến ngày hôm nay.
Năm 2019, SpaceIL, một tổ chức phi lợi nhuận của Israel, đã thử, nhưng thất bại Năm ngoái, công ty Ispace có trụ sở tại Tokyo đã mất liên lạc với tàu đổ bộ lên Mặt trăng.
Và vào tháng 1 năm nay, tàu đổ bộ Astrobotic đã gặp sự cố động cơ ngay sau khi vào không gian. Trước đó, Astrobotic Technology - công ty tư nhân của Mỹ, đã không thể thực hiện thành công sứ mệnh đưa thiết bị Peregrine đáp xuống bề mặt Mặt Trăng.
Mặt trăng là một môi trường khắc nghiệt và rất khó để thiết kế tàu vũ trụ có thể điều hướng trên bề mặt của nó và gần như không thể tái hiện những tình huống đó trên Trái đất để thử nghiệm.
Rào cản lớn nhất có thể là các kỹ sư và công ty của thế kỷ 21 có ít hoặc không có kinh nghiệm về Mặt trăng. Đã hơn 50 năm kể từ khi con người thiết kế và gửi tàu đổ bộ lên Mặt trăng, vì vậy, các công ty hầu như đã bắt đầu lại từ đầu và làm việc với các công nghệ mới.
NASA đã chuyển sự chú ý khỏi Mặt trăng sau sứ mệnh Apollo cuối cùng vào năm 1972 để tập trung vào tàu con thoi, Trạm vũ trụ quốc tế và các mục tiêu khác.
Nhiều chính quyền đã đề xuất quay trở lại Mặt trăng, nhưng những chương trình đó đã không vượt qua được những cơn gió ngược chính trị. Nhưng vào năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã thúc đẩy NASA khởi động sáng kiến Artemis để đưa con người quay trở lại không gian.
Mục tiêu của cơ quan vũ trụ là tạo ra sự hiện diện bền vững trên Mặt trăng, đồng thời tuyên bố rằng việc học cách sống và làm việc ở đó cuối cùng sẽ giúp con người khám phá hệ mặt trời.
Cách đây 7 năm, NASA quyết định trao cho các công ty Mỹ nhiệm vụ đưa thiết bị thử nghiệm và công nghệ lên Mặt trăng, theo chương trình gọi là CLPS.
Các hợp đồng cố định cho phép phát triển một nền kinh tế Mặt trăng, cung cấp dịch vụ vận chuyển với chi phí thấp.
Tuy nhiên, những thách thức vật lý vẫn còn đối với việc khám phá Mặt trăng. Chỉ cần du hành qua chân không của không gian để đến được Mặt trăng là một cuộc đấu tranh ngay từ đầu.
Tàu vũ trụ phải đối phó với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, tùy thuộc vào bộ phận nào của phương tiện hướng về phía Mặt trời và chúng thường bị bắn phá bởi các tia vũ trụ - các hạt chiếu xạ phát ra từ Mặt trời hoặc không gian sâu có thể dễ dàng đốt cháy các thiết bị điện tử không được bảo vệ tốt.
Mặt trăng có chiều rộng gần bằng một phần tư hành tinh của chúng ta, với tổng trọng lực ít hơn nhiều, khiến việc di chuyển vào quỹ đạo trở nên khó khăn. Địa hình gồ ghề, miệng núi lửa và các yếu tố khác khiến lực hấp dẫn lan truyền không đều.
Không giống như Trái đất, nơi có bầu khí quyển giúp giảm bớt sự rơi của tàu vũ trụ quay trở lại, Mặt trăng hầu như không có bầu khí quyển.
Để hạ cánh ở đó, trên thực tế tất cả các tàu vũ trụ đều phải sử dụng một số dạng động cơ tên lửa để hạ mình nhẹ nhàng xuống mặt đất bên dưới.
Tàu vũ trụ phải đốt cháy động cơ của chúng một cách chính xác đến mức chúng dừng lại tương đối ngay trên bề mặt nếu không nhiệm vụ sẽ thất bại.
Hiện nay, Mỹ mong muốn hiện diện trở lại trên Mặt trăng khi NASA đặt mục tiêu thực hiện các sứ mệnh robot, tìm hiểu thêm về môi trường trên Mặt trăng thông qua các đối tác tư nhân.
NASA còn lên kế hoạch đưa phi hành gia quay trở lại Mặt trăng vào năm 2026.
Theo báo Washington Post, NASA đang đặt mục tiêu tạo ra sự hiện diện lâu dài của con người trên Mặt trăng - nơi mà một số người gọi là "lục địa thứ 8".
Việc học cách sống và làm việc trên Mặt trăng cuối cùng sẽ giúp con người khám phá hệ Mặt trời.
Mục tiêu đầy tham vọng này của NASA gắn liền với một thứ đòi hỏi cần có trên Mặt trăng, đó chính là nước. Hiện nay cực Nam của Mặt trăng - điểm xa nhất về phía Nam trên Mặt trăng - nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học bởi sự hiện diện của băng nước ở những khu vực bóng tối vĩnh cửu xung quanh nó.
Băng nước có thể được dùng để chiết xuất nhiên liệu, oxy và nước uống - những thứ có thể phục vụ cho các sứ mệnh Mặt trăng trong tương lai.