Tại sao nên bổ sung kẽm cho người cao tuổi?

Kẽm có vai trò quan trọng đối với hệ thống miễn dịch của cơ thể. Khi chúng ta già đi, hệ thống miễn dịch dễ bị suy yếu hơn. Để giúp cơ thể khỏe mạnh, chế độ ăn nên giàu chất chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm cả kẽm…

Chức năng miễn dịch suy giảm làm tăng khả năng mắc bệnh, nhất là viêm phổi và cúm... ở người cao tuổi. Ngoài ra, còn làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh tự miễn và ung thư. Duy trì tình trạng kẽm đầy đủ có thể hạn chế sự suy giảm này thường xảy ra theo tuổi tác, giúp phòng ngừa bệnh tật.

1. Kẽm tăng cường khả năng miễn dịch như thế nào?

Kẽm rất cần thiết cho quá trình tổng hợp DNA và tăng sinh tế bào, và vì lý do này, các tế bào có khả năng tăng sinh cao, như tế bào miễn dịch, phụ thuộc vào việc cung cấp đủ kẽm. Sự tăng trưởng hoặc chức năng của các loại tế bào miễn dịch khác nhau, như đại thực bào, bạch cầu trung tính, tế bào T và tế bào B... bị suy giảm do thiếu kẽm.

Bổ sung kẽm giúp tăng cường miễn dịch.

Bổ sung kẽm giúp tăng cường miễn dịch.

Ngoài vai trò trong hệ thống miễn dịch, kẽm còn làm giảm căng thẳng oxy hóa, đóng vai trò cấu trúc bằng cách ổn định protein, điều chỉnh sự biểu hiện của nhiều gen và thúc đẩy hàng trăm phản ứng hóa học trong cơ thể, cần thiết cho việc giải phóng chất dẫn truyền thần kinh trong não...

Duy trì tình trạng kẽm đầy đủ trong cơ thể có thể là chìa khóa để sống lâu, khỏe mạnh hơn bằng cách tối ưu hóa chức năng của hệ thống miễn dịch. Kẽm, cùng với việc ăn một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, giàu thực vật, sẽ làm chậm quá trình lão hóa và giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cũng như các bệnh nhiễm trùng đe dọa tính mạng khác.

2. Tại sao cần bổ sung kẽm cho người cao tuổi

Một số nghiên cứu cho thấy người cao tuổi có nguy cơ bị thiếu kẽm. Điều này có thể do cơ thể giảm hấp thụ khi tuổi cao. Nghiên cứu cho thấy rằng, đối với người lớn tuổi, việc duy trì tình trạng kẽm đầy đủ có tầm quan trọng đặc biệt để ngăn ngừa bệnh viêm phổi.

Ở người cao tuổi, các bệnh truyền nhiễm như viêm phổi là những dạng bệnh nghiêm trọng nhưng có thể phòng ngừa được. Trong một nghiên cứu trên những người lớn tuổi ở viện dưỡng lão, những người có lượng kẽm huyết thanh bình thường, có tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi thấp hơn và số lượng đơn thuốc kháng sinh chỉ bằng một nửa so với những người có lượng kẽm huyết thanh thấp.

Các nghiên cứu liên quan đến việc bổ sung kẽm ở người lớn tuổi cho thấy việc cải thiện tình trạng kẽm giúp cải thiện chức năng hệ thống miễn dịch và khả năng chống nhiễm trùng. Một nghiên cứu năm 2016 trên Tạp chí Dinh dưỡng và Lâm sàng Hoa Kỳ đã cung cấp cho những người ở viện dưỡng lão thiếu kẽm, dùng chất bổ sung kẽm hoặc giả dược hàng ngày. Sau ba tháng, nhóm dùng kẽm đã tăng số lượng tế bào T và kẽm trong huyết thanh.

Đối với những người không có chế độ ăn uống tối ưu để tăng cường chức năng miễn dịch, khả năng miễn dịch bắt đầu giảm ở độ tuổi từ 60 đến 65, nhưng ngay cả những người ăn uống hợp lý cũng có thể cần bổ sung kẽm. Nhu cầu kẽm được ước tính cao hơn khoảng 50% đối với những người theo chế độ ăn hoàn toàn dựa vào thực vật.

Thực phẩm giàu kẽm.

Thực phẩm giàu kẽm.

Phytate - một hợp chất chống oxy hóa có trong ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch và hạt, ngăn cản sự hấp thụ một số khoáng chất, bao gồm cả kẽm. Ngoài ra, các khoáng chất khác như sắt và canxi cũng cản trở quá trình hấp thụ kẽm. Đồng cũng cạnh tranh với kẽm để liên kết các protein bên trong tế bào của cơ thể…

Nguồn kẽm tốt nhất là hàu, nhưng kẽm cũng có nhiều trong thịt đỏ và thịt gia cầm. Các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc ăn sáng và các sản phẩm từ sữa cũng có thể cung cấp kẽm cho cơ thể.

Ngoài ra, khi chế độ ăn không cung cấp đủ kẽm, có thể bổ sung bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Những loại rau nào thải độc, Giúp gan khỏe mạnh? | SKĐS

Nguyễn Thu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tai-sao-nen-bo-sung-kem-cho-nguoi-cao-tuoi-169240130155309821.htm