Tại sao Nepal có thể là điểm đến du lịch hấp dẫn với cộng đồng LGBTQ+
Nepal đã có những bước đi tiến bộ trong việc khuyến khích 'du lịch cầu vồng', nhằm trở nên thân thiện với thị trường du lịch cho người thuộc cộng đồng LGBTQ+ trị giá hàng tỷ USD.
Vào tháng 11/2023, Maya Gurung và Surendra Pandey đã làm nên lịch sử khi trở thành những người đồng tính đầu tiên ở Nepal chính thức đăng ký kết hôn.
Giờ đây, cặp đôi hy vọng sự kết hợp của họ, được chính thức hóa tại một văn phòng chính phủ, sẽ là tia sáng dẫn đến làn sóng du lịch LGBTQ+ ở Nepal.
Thông qua nhóm phi lợi nhuận mới thành lập Maya Ko Pahichan (tạm dịch là "sự công nhận tình yêu"), cặp đôi mong muốn thu hút nhiều khách du lịch thuộc cộng đồng LGBTQ+ hơn. Thị trường toàn cầu phục vụ phân khúc khách hàng đang phát triển này trị giá hàng tỷ USD.
Gurung cho biết: “Nếu chúng tôi quảng bá Nepal như một điểm đến thân thiện với người đồng tính, điều đó sẽ mang lại lợi ích cho cả cộng đồng LGBTQ+ và đất nước. Cuộc hôn nhân của chúng tôi đã gửi một thông điệp tích cực đến tất cả những du khách muốn đến thăm Nepal”.
Nepal từ lâu đã thu hút du khách bằng những ngọn núi hùng vĩ và kho tàng di sản văn hóa phong phú, với hàng ngàn người đến đất nước này mỗi năm để leo núi và ngắm cảnh.
Mặc dù không có dữ liệu về số lượng khách du lịch LGBTQ+ đến thăm Nepal, các công ty lữ hành, nhà hoạt động và quan chức chính phủ cho biết luật pháp tiến bộ của Nepal khiến nơi đây trở thành điểm đến an toàn và thân thiện đối với du khách thuộc cộng đồng cờ lục sắc.
Năm 2007, Tòa án Tối cao Nepal đã bãi bỏ luật phân biệt đối xử đối với công dân LGBTQ+. Sau đó, họ được bảo vệ bình đẳng theo hiến pháp cộng hòa mới được phê chuẩn vào năm 2015.
Năm 2023, tòa án hàng đầu của nước này ban hành lệnh tạm thời cho phép các cá nhân đồng tính đăng ký xác nhận hôn nhân tại cơ quan chính phủ, cho đến khi đất nước chính thức hợp pháp hóa bình đẳng hôn nhân.
Gurung, một phụ nữ chuyển giới và Pandey, người xác định là đồng tính nam, đã có thể đăng ký kết hôn ở quận Lamjung, sau 2 lần thất bại ở Kathmandu.
Sau khi nới lỏng các hạn chế đi lại trong thời kỳ đại dịch, ngành du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề của đất nước đang hướng tới việc tăng cường sự đa dạng của du khách.
Theo công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Reports and Insights, doanh thu toàn cầu từ thị trường du lịch LGBTQ+ được dự đoán sẽ tăng lên hơn 610 tỷ USD vào năm 2032. Nhiều doanh nghiệp toàn cầu đang đầu tư vào các sản phẩm du lịch và dịch vụ khách sạn dành riêng cho LGBTQ+ để khai thác cái gọi là “nền kinh tế hồng”.
Nepal được coi là điểm đến an toàn, xếp thứ 44/203 quốc gia và khu vực về Chỉ số An toàn Du lịch LGBTQ+ năm 2023. Ngoài ra, quốc gia nằm ở dãy Himalaya này đang chuẩn bị tổ chức một hội nghị quốc tế nhằm quảng bá “du lịch cầu vồng” vào cuối mùa xuân.
Năm 2023, Tổng cục Du lịch Nepal đã hợp tác với Hiệp hội leo núi Nepal để tổ chức chương trình hướng dẫn leo núi cho các cá nhân LGBTQ+ tại địa phương. Nhóm đầu tiên gồm 25 hướng dẫn viên leo núi sẽ sớm có mặt để trợ giúp những du khách thuộc cộng đồng LGBTQ+.
Hiện tại, Nepal có một số cơ sở công khai tập trung vào LGBTQ, bao gồm quán bar Pink Tiffany nổi tiếng ở khu du lịch Thamel. Hầu hết các doanh nghiệp nói chung đều khoan dung và luật ủng hộ LGBTQ của đất nước khiến Nepal trở thành một điểm đến an toàn cho khách du lịch – họ sẽ không cần phải che giấu danh tính của mình.
Nepal xếp thứ 44 trong số 203 quốc gia và vùng lãnh thổ trong Chỉ số An toàn Du lịch LGBTQ+ năm 2023 và dẫn đầu ở châu Á.
Nhiều doanh nhân du lịch cho rằng Nepal cũng nên tận dụng nền văn hóa cởi mở và quảng bá “hôn nhân cầu vồng” như một sản phẩm du lịch. Theo đó, du khách có thể tôn vinh mối quan hệ của họ thông qua các nghi lễ và sự kiện khác.
Mặc dù luật pháp thân thiện và danh tiếng về sự an toàn có thể mang lại nguồn khách du lịch LGBTQ+ cho quốc gia, các chuyên gia du lịch quốc tế cho rằng những yếu tố này là chưa đủ. Họ lưu ý rằng các doanh nghiệp cũng phải cảnh giác với việc “tẩy hồng”, hoặc cố gắng kiếm lợi từ các vấn đề LGBTQ+ mà không thực sự đóng góp cho cộng đồng.
John Tanzaniaella - chủ tịch Hiệp hội Du lịch LGBTQ+ Quốc tế - cho biết, các quốc gia cần đầu tư dài hạn vào du lịch dành cho cộng đồng LGBTQ+. Theo ông, việc trưng bày cờ cầu vồng lục sắc trên các trang web kinh doanh để thu hút du khách là không đủ.
Thay vào đó, các doanh nghiệp nên đào tạo các bên liên quan và phát triển các phương pháp tuyển dụng toàn diện để nhân viên LGBTQ+ được nhìn thấy và hỗ trợ.
Do đó, đầu tư dài hạn vào du lịch đồng tính, bao gồm các hoạt động tuyển dụng toàn diện và cam kết thực sự với cộng đồng LGBTQ+ chính là chìa khóa then chốt cho tương lai của ngành du lịch.
Đồng thời ngành du lịch của Nepal nên là phương tiện để trao quyền cho cộng đồng LGBTQ+ và phát triển nền kinh tế rộng lớn hơn.