Tại sao ngày càng nhiều người Nhật Bản tham gia các lớp 'học cười'?
Nhiều người Nhật dường như đã 'quên cách cười', nên các lớp 'học cười' có số học viên ngày càng tăng. Các lớp này giúp học viên luyện tập những gì?
Nhiều “lớp học cười” đang xuất hiện ở khắp nước Nhật và báo chí Nhật cho rằng đất nước này đã “quên cách cười”, một phần vì mọi người đeo khẩu trang trong một thời gian dài.
Ngoài ra, có những người thừa nhận họ lo lắng rằng nụ cười của họ trông thiếu tự nhiên hoặc thiếu chân thành, do họ ít cười.
Nhật Bản là một trong những nước cuối cùng trên thế giới nới lỏng quy định về đeo khẩu trang. Đến tháng 3/2023, Nhật mới công bố rằng giờ đây việc đeo khẩu trang hay không là tùy ý thích của người dân. Kể từ đó, các “buổi học chuyên đề luyện cười” ngày càng trở nên phổ biến.
Theo trang The Mainichi, những lớp học cười được thiết kế để giúp học viên “học cách cười trở lại”. Một trong những công ty tổ chức các lớp học thế này là Egaoiku, nghĩa là “giáo dục mỉm cười”. Từ tháng 2 đến tháng 4 năm nay, số người tham gia các lớp học cười đã tăng 4,5 lần so với cùng thời điểm năm 2022.
Keiko Kawano, nhà sáng lập Egaoiku, giải thích lý do người Nhật cần “luyện cười”: “Về văn hóa, cười hở răng vốn không phải là việc phổ biến ở Nhật, và bạn có thể nói tiếng Nhật mà không cần cử động miệng nhiều”. Tính đến giờ, Kawano đã dạy tổng cộng khoảng 4.000 học viên cách mỉm cười.
Mỗi buổi học cười kéo dài khoảng 45 phút. Trong khoảng thời gian đó, học viên sẽ chăm chỉ luyện tập cử động các cơ má, miệng và cả cổ.
Một công ty luyện cười khác là Egao Hyojokin Kyokai còn có dịch vụ đào tạo 1:1 với giá khoảng 11.000 yen/ buổi 60 phút (khoảng 1,9 triệu đồng). Miho Kitano, chủ công ty này, nói với trang Telegraph: “Một nụ cười cần thật tự nhiên để chạm được đến người khác. Nhưng với những người không cười nhiều, bộ não cũng quên cách dùng các cơ mặt để cười”. Kitano nổi tiếng với việc dùng một cái ống hút để giúp mọi người tập các cơ má và miệng. Học viên sẽ được đề nghị cắn nhẹ vào cái ống hút trong khi nâng cơ má lên để lộ hàm răng trên.
Nhưng mặc dù ngày càng đông người tham gia các lớp học cười, người Nhật có vẻ sẽ vẫn đeo khẩu trang thường xuyên. Hitoshi Oshitani, giáo viên của ĐH Tohoku, nói với trang Reuters: “Tôi nghĩ nhiều người vẫn sẽ đeo khẩu trang ngay cả khi không có quy định bắt buộc. Khẩu trang đã là một phần nền văn hóa của Nhật trước cả khi có đại dịch rồi”.
Dù sao, nếu không muốn tham gia các lớp học cười có phải nộp học phí thì ai cũng có thể tự luyện tập bằng cách mỗi ngày nhìn vào gương và mỉm cười với chính mình.
Thục Hân
Theo nhiều nguồn tin