Tại sao ngư lôi hạt nhân Poseidon là vũ khí không có đối trọng?
Việc Nga lên kế hoạch triển khai ngư lôi hạt nhân Poseidon và phương tiện chuyên chở tới hạm đội Thái Bình Dương đã nhận được sự quan tâm lớn từ nhiều quốc gia, cũng như giới chuyên gia quân sự quốc tế.
Dù các thông tin cụ thể về vũ khí chiến lược của Nga chưa được công khai rõ ràng, nhưng từ những điều được công bố cho thấy, ngư lôi hạt nhân Poseidon có những công nghệ đặc biệt chỉ có Liên Xô và Nga sở hữu. Thậm chí nó hiện là loại vũ khí duy nhất trên thế giới được trang bị công nghệ lò phản ứng hạt nhân siêu nhỏ, công nghệ siêu khoang hay khả năng hoạt động ở độ sâu tới 1km…
Công nghệ động cơ hạt nhân siêu nhỏ
Ngư lôi hạt nhân Poseidon có tốc độ di chuyển khá ấn tượng tới 200km/giờ, độ sâu hoạt động tới 1.000m và tầm hoạt động 10.000km. Điều này có được là nhờ hệ thống cung cấp động lực đặc biệt. Lõi của hệ thống là lò phản ứng hạt nhân siêu nhỏ với các công nghệ đặc biệt. Lò phản ứng này cung cấp năng lượng mạnh hơn các dòng lò hạt nhân trên các tàu ngầm hạt nhân hiện đại, nhưng lại nhỏ gọn hơn hàng trăm lần.
Khả năng phát triển và chế tạo các lò phản ứng hạt nhân siêu nhỏ chính là những công nghệ độc đáo chỉ có Liên Xô và Nga sở hữu. Trong quá khứ, chính Liên Xô đã chế tạo các lò phản ứng hạt nhân lắp trên vệ tinh viễn thám liên ngân hà Voyager của NASA.
Lò phản ứng hạt nhân trên thiết bị lặn Poseidon có hiệu quả cung cấp năng lượng nhanh hơn 200 lần so với các lò hạt nhân truyền thống. Chất truyền dẫn nhiệt được sử dụng là kim loại lỏng có tính ổn định ở nhiệt độ cao và không bị giãn nở khi gia nhiệt. Cơ cấu truyền nhiệt này cũng giúp thu nhỏ kết cấu lò phản ứng hạt nhân vừa trong đường kính thân chỉ khoảng 2m của ngư lôi Poseidon.
Sự đậm đặc của kim loại lỏng không chỉ giúp tăng hiệu quả dẫn nhiệt để tăng hiệu quả phát điện, mà còn hạn chế rung động và phát ồn khi lò phản ứng hoạt động. Hệ thống quạt tuabin làm mát trên các tàu ngầm hạt nhân chính là nơi phát ra tiếng ồn và rung động mạnh mẽ nhất. Để hạn chế yếu điểm này, khoang lò phản ứng trên tàu ngầm hạt nhân thường được gia cố và bọc nhiều lớp cách âm đặc biệt. Lò phản ứng hạt nhân trên thiết bị lặn Poseidon không gặp những khó khăn trên do hạn chế tối đa các chi tiết cơ học có thể phát ra tiếng động nhờ việc sử dụng các thiết bị điều khiển dòng chảy và tiết lưu hoạt động nhờ từ tính.
Đối với các vật thể hoạt động sâu dưới lòng đại dương, bất kỳ tiếng động nhỏ nào đều có thể bộc lộ vị trí trước các thiết bị trinh sát thủy âm của đối phương. Chính vì thế, đối với tàu ngầm và thiết bị lặn quân sự, yêu cầu hoạt động yên lặng được coi là rất quan trọng. Yêu cầu này với các loại vũ khí cấp chiến lược như thiết bị lặn Poseidon có thể coi là yếu tố sống còn.
Một yếu tố đặc biệt khác chính là công nghệ siêu khoang, để một vật thể rắn hoạt động dưới biển sâu có thể lướt đi với vận tốc tới 200km/giờ thì vật thể này cần được bọc trong bọt khí khổng lồ để giảm ma sát với nước ở mức thấp nhất. Công nghệ siêu khoang này cũng là một trong những “đặc sản” của Liên Xô và Nga. Nó đã từng được ứng dụng rất thành công trên dòng ngư lôi siêu tốc VA-111.
Tạo sóng thần và hủy diệt mọi dạng sống
Đường kính trái đất tại khu vực xích đạo vào khoảng 12.000km, như vậy với tầm hoạt động 10.000km, kết hợp với phương tiện chuyên chở chiến lược, thiết bị lặn Poseidon có thể tấn công bất kỳ vị trí ven biển nào trên thế giới.
Tạp chí quân sự Army Recognition đánh giá: “Phạm vi tấn công không giới hạn khiến ngư lôi Poseidon trở thành mối nguy cơ lớn đối với tất cả các mục tiêu ven biển. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng coi vũ khí mới của Nga là mối đe dọa đối với các nhóm tàu sân bay”.
Sự xuất hiện của ngư lôi Poseidon đã thay đổi hoàn toàn chiến lược tác chiến săn ngầm hiện đại. Kể cả ở thời điểm hiện tại, việc phát hiện và theo dấu các vật thể hoạt động ở độ sâu 1.000m rất khó khăn. Mỹ và phương Tây chỉ có một vài loại vũ khí săn ngầm có thể vươn tới độ sâu này. Đối với thiết bị lặn có kích thước nhỏ như Poseidon, xác suất phát hiện ra và ngăn chặn gần như là không thể.
Sự nguy hiểm của thiết bị lặn Poseidon chính là đầu đạn nhiệt hạch nó mang theo. Với sức công phá lên tới 2 Megatone (theo nhiều nguồn tin lên tới 10 Megatone), ngư lôi Poseidon có thể hủy diệt bất kỳ khu vực nào trong bán kính vài km.
“Một vụ nổ ngoài khơi có thể tạo ra sóng thần cao hàng chục mét, đủ để nhấn chìm bất kỳ cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự nào ở ven biển. Đây chính là điều khiến giới chức quân sự Mỹ lo ngại về thiết bị lặn Poseidon”, Tạp chí quân sự Topwar nhận định.
Cùng với đó, sau vụ nổ là sự phát tán bụi và đồng vị phóng xạ độc hại có khả năng hủy diệt mọi dạng sống khiến khu vực bị tấn công cơ bản không còn sự sống tồn tại trong hàng thiên niên kỷ sau đó.
Mỹ và đồng minh phương Tây chắc chắn đang nghiên cứu các phương án đối phó với ngư lôi Poseidon. Tuy nhiên, tới khi vũ khí đối trọng với vũ khí này xuất hiện trong vài thập niên tới, ngư lôi “Ngày tận thế” của Nga sẽ tiếp tục vai trò răn đe chiến lược không có đối thủ của mình.