Tại sao người khởi xướng Ngày của Mẹ lại chọn Chủ nhật thứ hai của tháng 5?

Ngày của Mẹ được tổ chức vào Chủ nhật thứ hai của tháng 5 hằng năm, vậy người khởi xướng là ai, tại sao lại chọn ngày này?

Ngày của Mẹ (Tiếng Anh: Mother's Day) hay Ngày hiền mẫu là dịp kỷ niệm để tôn vinh những người mẹ và tình mẹ, sự gắn kết với mẹ và ảnh hưởng của mẹ trong xã hội. Ngày này được tổ chức vào những thời gian khác nhau ở nhiều nơi trên thế giới, phổ biến nhất là vào tháng 3 hoặc tháng 5.

Ai là người khởi xướng Ngày của Mẹ phiên bản hiện đại?

Tại Mỹ, Ngày của Mẹ phiên bản hiện đại bắt đầu được tổ chức chung, rộng rãi vào Chủ nhật thứ hai của tháng 5, theo sáng kiến của Anna Jarvis từ đầu thế kỷ XX.

Anna Maria Jarvis (1864 – 1948) là người sáng lập Ngày của Mẹ tại Mỹ. Năm 1912, Anna Jarvis lần đầu đăng ký nhãn hiệu cho cụm từ "Chủ nhật thứ hai của tháng Năm, Ngày của Mẹ" và tạo ra Hiệp hội Quốc tế Ngày của Mẹ.

Năm 1876, khi mới 12 tuổi, Anna Jarvis đã cùng mẹ mình thường xuyên đến nhà thờ cầu nguyện. Mẹ của Anna Jarvis có ước mong sẽ có 1 ngày kỷ niệm để ghi nhớ sự cống hiến của những người mẹ dành cho gia đình.

Anna Jarvis không bao giờ quên điều đó. Năm 1905, sau khi mẹ qua đời, Anna Jarvis đã nhắc lại lời mong ước của mẹ tại buổi lễ tưởng niệm.

2 năm sau, Jarvis bắt đầu chiến dịch viết thư và diễn thuyết trước công chúng khắp nơi trên nước Mỹ để mọi người ủng hộ ngày lễ tôn vinh những người mẹ vì sự tận tụy chăm sóc gia đình vô điều kiện. Jarvis đề xuất việc tổ chức Ngày của Mẹ vào Chủ Nhật thứ hai của tháng 5, trùng với ngày mất của mẹ mình.

Anna Jarvis (phải) và mẹ của mình. (Ảnh: Shore News)

Anna Jarvis (phải) và mẹ của mình. (Ảnh: Shore News)

Nhà thờ Andrews Methodist Episcopal tại tiểu bang Tây Virginia, Mỹ đánh dấu ngày đầu tiên chính thức kỷ niệm Ngày của Mẹ. Sau đó, nơi này được đổi tên thành Đền thờ Ngày của Mẹ Quốc tế và được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia kể từ ngày 5/10/1992.

Trong vòng vài năm sau, hầu như tất cả các tiểu bang của Mỹ đều kỷ niệm Ngày của Mẹ và phong trào này nhanh chóng lan sang các quốc gia khác. Năm 1914, Tổng thống Woodrow Wilson đã công nhận Ngày của Mẹ thành ngày lễ quốc gia tại Mỹ.

“Một tấm thiệp in không có ý nghĩa gì. Bạn nên viết thư hoặc gửi lời chúc trực tiếp cho người phụ nữ đã hy sinh cho bạn nhiều hơn bất kỳ ai trên thế giới này", Anna Jarvis chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.

Biểu tượng trong Ngày của Mẹ thường được Anna Jarvis sử dụng để kỷ niệm là hoa cẩm chướng đỏ - tượng trưng cho những người mẹ còn sống và hoa cẩm chướng trắng - tưởng nhớ những người mẹ đã khuất. Bà cũng thường chia sẻ những kỷ niệm về mẹ mình trong dịp lễ ý nghĩa này.

Sau đó, Jarrvis cũng có những nỗ lực nhằm phản đối thương mại hóa Ngày của Mẹ. Bà coi đây là một ngày kỷ niệm mang tính cá nhân, cần tổ chức một cách riêng biệt theo truyền thống của gia đình.

Những tờ áp phích đầu tiên để tuyên truyền về Ngày của Mẹ. (Ảnh: Wilson House)

Những tờ áp phích đầu tiên để tuyên truyền về Ngày của Mẹ. (Ảnh: Wilson House)

Điều đáng buồn rằng Jarvis, người khởi xướng Ngày của Mẹ lại không có con. Ba qua đời ở tuổi 83 tại một viện bảo tàng. Nơi sinh của bà ở bang Bắc Carolia, Mỹ hiện là một bảo tàng.

Ở mỗi quốc gia, Ngày của Mẹ được thể hiện theo nhiều cách khác nhau, nhưng vẫn mang ý nghĩa tôn vinh và bày tỏ lòng biết ơn đến những người mẹ vĩ đại.

Người dân các nước thế giới, đặc biệt là Mỹ, trong Ngày của Mẹ, thường mời mẹ của họ đi ăn tối vì không muốn mẹ phải nấu nướng hay bận rộn, vất vả trong ngày đặc biệt này. Bên cạnh đó, những đứa trẻ nhỏ lại chọn cách thể hiện tình yêu bằng bữa ăn sáng trên giường do chính chúng tự tay chuẩn bị.

Tại Việt Nam, Ngày của Mẹ ngày càng được mọi người hưởng ứng. Những người con sẽ dành tặng cho mẹ của mình những món quà và lời chúc ý nghĩa trong dịp này.

Hoàng Hà (Tổng hợp: Wikipedia, Britannica)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tai-sao-nguoi-khoi-xuong-ngay-cua-me-lai-chon-chu-nhat-thu-hai-cua-thang-5-ar942599.html