Tại sao nhiều quốc gia kiềm chế trong cuộc chiến thuế quan với Mỹ?
Theo Wall Street Journal ngày 19/4, trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đang hành động thận trọng đáng ngạc nhiên khi phản ứng với các mức thuế của Mỹ.

Cảng hàng hóa ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Thay vì "ăn miếng trả miếng" một cách quyết liệt, họ dường như đang lựa chọn một chiến lược kiềm chế, một phần xuất phát từ lo ngại về những hậu quả kinh tế khôn lường mà một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể gây ra.
Một số nhà kinh tế thậm chí còn đưa ra quan điểm mạnh mẽ: cách tốt nhất để tránh một cuộc chiến thương mại là... đừng đáp trả. Cho đến nay, chiến lược này dường như đang phát huy tác dụng đối với phần lớn thế giới, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạm hoãn một số mức thuế quan cao nhất trên diện rộng trong vòng ba tháng. Ngược lại, Trung Quốc, quốc gia đã có những động thái trả đũa mạnh mẽ, lại đang phải đối mặt với một cuộc chiến thương mại toàn diện với Mỹ.
Giờ đây, khi các quốc gia khác đàm phán với chính quyền Trump, họ phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc tiếp tục chiến lược kiềm chế hay sử dụng "đòn bẩy" trả đũa. Rõ ràng, việc trả đũa không chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến chính các quốc gia thực hiện hành động này. Thuế quan làm tăng giá hàng hóa cho người tiêu dùng, gây rối loạn đầu tư và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ.
Liên minh châu Âu (EU) là một ví dụ điển hình cho sự thận trọng này. Mặc dù đã chuẩn bị một danh sách các sản phẩm Mỹ để nhắm mục tiêu trả đũa thuế quan đối với thép và nhôm, nhưng EU vẫn chưa thực sự hành động. Các mức thuế quan này đang được tạm dừng và khối 27 nước trên tuyên bố sẽ chỉ áp dụng nếu các cuộc đàm phán với Mỹ đổ vỡ.
Canada cũng đã lập danh sách các sản phẩm Mỹ để trả đũa, nhưng khác với EU, họ đã thực hiện một số biện pháp cụ thể. Canada đã áp thuế lên hơn 40 tỷ USD hàng hóa và xe nhập khẩu từ Mỹ, cho rằng các sản phẩm này không tuân thủ Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).
Mặc dù động lực trả đũa là điều dễ hiểu, đặc biệt khi các cuộc thăm dò cho thấy đa số người dân ở một số quốc gia như châu Âu ủng hộ các biện pháp đối phó với Mỹ, nhưng các nhà kinh tế đều cảnh báo rằng tăng thuế đối với các quốc gia khác là một hành động "tự gây hại".
Jun Du, nhà kinh tế tại Trường Kinh doanh Aston (Anh), nhận định: "Lý thuyết kinh tế về trả đũa rất rõ ràng: Trả đũa luôn dẫn đến mất mát lợi ích và tình huống duy nhất được khuyến nghị là khi chắc chắn rằng hành động trả đũa sẽ khiến bên khởi xướng phải lùi bước".
Bản thân Tổng thống Trump cũng đã cảnh báo rằng các quốc gia trả đũa có nguy cơ phải đối mặt với các biện pháp thương mại bổ sung từ Mỹ. Ông Trump đã có dấu hiệu "chùn bước" vào tuần trước sau khi đợt bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ làm tăng chi phí vay của chính phủ và làm dấy lên lo ngại về uy tín của Mỹ.
Sau khi tuyên bố tăng thuế lên tới 125% đối với hàng hóa Mỹ để đáp trả các động thái leo thang từ Washington, Trung Quốc cũng ngầm thừa nhận rằng khả năng tăng thêm là không cao, vì mức thuế hiện tại đã khiến sản phẩm Mỹ trở nên quá đắt đỏ trên thị trường tỷ dân này.
Trong khi đó, Anh cho biết họ không có kế hoạch trả đũa và đang tập trung vào đẩy nhanh các cuộc đàm phán thương mại với Ấn Độ và các quốc gia khác. Thủ tướng Anh Keir Starmer nhấn mạnh: "Không có lĩnh vực kinh doanh nào bị ảnh hưởng bởi các mức thuế này lại nói 'hãy lao vào trả đũa và gây ra chiến tranh thương mại'".
Tuy nhiên, nếu không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Trump sẽ nhượng bộ hoặc đạt được các thỏa thuận giúp giảm bớt rào cản thương mại ở cả hai phía, áp lực trả đũa sẽ ngày càng gia tăng, làm dấy lên nguy cơ về một cuộc chiến thương mại gây suy yếu cho kinh tế toàn cầu.
Các quan chức EU cho biết một phản ứng mạnh mẽ hơn từ châu Âu có thể nhắm vào các dịch vụ của Mỹ, chẳng hạn như áp thuế trên toàn khối đối với doanh thu quảng cáo kỹ thuật số của các công ty công nghệ Mỹ. Các lựa chọn khác có thể bao gồm phí giao dịch dịch vụ tài chính hoặc các biện pháp hạn chế quyền tiếp cận thị trường EU của các công ty Mỹ.
Việc nhắm vào lĩnh vực dịch vụ có thể gây tổn hại cho Mỹ, quốc gia đang có thặng dư thương mại dịch vụ với EU, nhiều hơn là cho chính khối này, mặc dù Ireland, nơi tập trung nhiều công ty công nghệ Mỹ, có thể chịu ảnh hưởng nặng nề.
Nghiên cứu của chuyên gia Jun Du và một đồng nghiệp tại Trường Kinh doanh Aston đã mô hình hóa hậu quả kinh tế của một cuộc chiến thương mại leo thang và phát hiện ra rằng mỗi đợt trả đũa đều gây ra thiệt hại cho tất cả các bên. Theo kịch bản hiện tại, với mức thuế toàn cầu 10% và thuế cao hơn đối với Trung Quốc và một số lĩnh vực như ô tô, thu nhập bình quân đầu người dài hạn của Mỹ sẽ thấp hơn 1,96% so với kịch bản không có thuế quan.
Nếu các quốc gia khác trả đũa bằng các biện pháp tương đương, thiệt hại cho kinh tế Mỹ sẽ tăng lên 2,54% thu nhập bị mất và các quốc gia khác cũng chịu tổn thất tương tự. Những ước tính này chưa tính đến các ngoại lệ gần đây đối với điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác.
Một mô hình kinh tế lượng khác do Ủy ban châu Âu nghiên cứu cũng cho thấy những kết quả tương tự về tác động của hành động trả đũa. Thiệt hại đối với sản lượng kinh tế của Mỹ dự kiến khoảng 0,8% trong năm nay, so với chỉ 0,2% đối với EU. Tuy nhiên, nếu EU trả đũa, thiệt hại cho tăng trưởng của Mỹ có thể lên tới 2%, và EU cũng chịu thiệt hại khoảng 0,5%.
Moritz Schularick, Chủ tịch của Viện Kiel (Đức), nhận định rằng do Mỹ đang áp thuế đối với hầu hết các quốc gia khác, nên theo hầu hết các mô hình, Mỹ sẽ chịu tác động lớn nhất, ngoại trừ Canada và Mexico. "Đối với các quốc gia khác, chi phí được phân bổ đa dạng; đối với Mỹ, chúng tập trung", chuyên gia Schularick nhấn mạnh.
Ignacio García Bercero, cựu quan chức thương mại EU, cho rằng việc trả đũa có thể phục vụ một mục tiêu chính trị quan trọng là thể hiện sự sẵn sàng tự vệ của một quốc gia. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng điều đó không có nghĩa là các đối tác thương mại nên đáp trả một cách tương tự: "Việc Mỹ quyết định tự gây ra tổn thất kinh tế lớn không có nghĩa là những nước khác cũng phải làm như vậy".
EU cũng khẳng định bất kỳ biện pháp trả đũa nào mà họ theo đuổi sẽ không đơn thuần là đáp trả thuế quan của Mỹ mà sẽ hướng tới mục tiêu tối đa hóa tác động lên Mỹ và hạn chế thiệt hại cho khối. Thủ tướng Canada Mark Carney cũng chia sẻ quan điểm tương tự, nhấn mạnh cần thiết phải cân nhắc tác động đối với các doanh nghiệp trong nước.
Xavier Timbeau, nhà kinh tế tại OFCE (Pháp), cho rằng tác động của hành động trả đũa sẽ thay đổi nếu một quốc gia chỉ áp thuế đối với một số sản phẩm nhất định, đặc biệt là những sản phẩm có sẵn hàng thay thế trong nước.
Có thể thấy sự kiềm chế của nhiều nhà lãnh đạo thế giới trước "lằn ranh đỏ" thuế quan của Tổng thống Trump cho thấy tính toán kỹ lưỡng về lợi và hại. Họ dường như đang chờ đợi một tín hiệu rõ ràng hơn về hướng đi của chính sách thương mại Mỹ, đồng thời cố gắng tránh kích hoạt một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho cả nền kinh tế của họ và toàn cầu. Tuy nhiên, áp lực trả đũa đang âm ỉ và nếu không có những giải pháp ngoại giao kịp thời, nguy cơ một cuộc đối đầu thương mại quy mô lớn vẫn hoàn toàn có thể xảy ra.