Tại sao 'ông lớn' mía đường TTC AgriS (SBT) muốn huy động gần 1.800 tỷ từ cổ đông?
Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, mã cổ phiếu SBT), doanh nghiệp mía đường đầu ngành Việt Nam, dự kiến sẽ huy động gần 1.800 tỷ đồng từ cổ đông thông qua đợt chào bán cổ phiếu tới đây.
TTC AgriS sẽ chào bán hơn 148 triệu cổ phiếu SBT
Vừa qua, Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, mã cổ phiếu SBT - sàn HoSE) đã thông qua phương án triển khai việc chào bán hơn 148 triệu cổ phiếu SBT với giá 12.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua.
Tỷ lệ thực hiện quyền mua được ấn định ở mức 5:1, tương đương cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu SBT được nhận 01 quyền mua, cứ 05 quyền mua sẽ được mua thêm 01 cổ phiếu mới.
Kết thúc ngày 10/11, thị giá cổ phiếu SBT đạt 14.300 đồng/cổ phiếu. Nếu tạm so với mức giá này thì giá chào bán cổ phiếu đợt này đang thấp hơn 16%.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ 2022/2023, bà Đặng Huỳnh Ức My – Phó Chủ tịch HĐQT TTC AgriS cho biết khi đưa ra mức giá 12.000 đồng/cổ phiếu chào bán cho cổ đông, ban lãnh đạo công ty đã tham khảo từ các đơn vị tư vấn chiến lược, tài chính và tính toán cẩn thận, kỹ lưỡng. Công ty chấp nhận chia sẻ và ưu đãi với cổ đông mới đưa ra giá 12.000 đồng/cổ phiếu.
Nếu đợt chào bán trên diễn ra thành công, TTC AgriS có thể thu về hơn 1.777 tỷ đồng và vốn điều lệ của công ty này sẽ tăng lên gần 8.900 tỷ đồng. TTC AgriS cho biết thời gian dự kiến thực hiện đợt chào bán là trước ngày 31/12/2024 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
TTC AgriS cho biết toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán này sẽ được phân bổ với nguyên tắc ưu tiên theo thứ tự sau:
Thứ nhất, dự kiến dùng 910 tỷ đồng để thanh toán hợp đồng mua đường các loại với Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Biên Hòa.
Thứ hai, dự kiến dùng 800 tỷ đồng để thanh toán hợp đồng mua đường các loại với Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa.
Cuối cùng, dự kiến dùng hơn 67 tỷ đồng còn lại được dùng để thanh toán hợp đồng mua phân bón các loại với Công ty Cổ phần Phát triển Nông Nghiệp Thành Thành Công.
Thời gian giải ngân các khoản tiền trên dự kiến trong quý 1/2024 hoặc quý 2/2024. Đáng chú ý, cả 3 đơn vị trên đều là công ty con của TTC AgriS.
Tính đến cuối tháng 9/2023, TTC AgriS có 18 công ty con trực tiếp, 12 công ty con gián tiếp và 4 công ty liên kết, hoạt động trong các lĩnh vực trồng mía, sản xuất và kinh doanh đường và các sản phẩm sau đường, sản xuất điện… tạo thành chuỗi giá trị mía đường khép kín, có tổng sản lượng đường đạt trên 1 triệu tấn/năm, và chiếm 46% thị phần đường nội địa.
Đặc biệt, doanh nghiệp này đang nắm giữ quỹ đất nông nghiệp lên tới 68.000 ha tại 4 quốc gia, gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, và Australia, giúp tự chủ được 52% nhu cầu nguyên liệu.
Tham vọng doanh thu 60.000 tỷ đồng và áp lực chi phí lãi vay
Hoạt động huy động vốn của TTC AgriS diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này đang đẩy mạnh phát triển mảng F&B với các sản phẩm nước uống dinh dưỡng nhằm khai thác tối đa chuỗi giá trị mía đường hiện nay và mở rộng chuỗi giá trị cây trồng khác như: cây dừa, chuối,…, hướng đến mục tiêu 60.000 tỷ đồng doanh thu vào năm 2030.
Cụ thể, kể từ niên độ 2023/2024, danh mục nước uống dinh dưỡng của TTC AgriS được nâng lên hơn 30 sản phẩm, so với 8 sản phẩm của niên độ trước. Trong quý 1 niên độ 2023/2024 (tương đương quý 3/2023), doanh thu mảng này đã tăng 10% so với trung bình 6 tháng cuối niên độ 2022/2023.
Ban lãnh đạo TTC AgriS dự báo, doanh thu mảng nước uống dinh dưỡng trong quý 2 niên độ 2023/2024 sẽ tăng hơn 160%, khi thị trường bước vào mùa lễ hội, Tết Nguyên đán. Và tiếp tục tăng tốc trong quý 3, dự kiến tăng hơn 300%, khi công ty đẩy mạnh thị trường xuất khẩu. Trong dài hạn, TTC AgriS kỳ vọng doanh thu mảng F&B sẽ đóng góp 30-40% trong tổng cơ cấu doanh thu của công ty vào năm 2030.
Bên cạnh đó, TTC AgriS sẽ tiến hành cổ phần hóa, niêm yết/tái niêm yết các công ty con, công ty liên kết trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh định vị thương hiệu TTC Agris trên thị trường toàn cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút vốn từ nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Trong quý 1 niên độ 2023/2024, TTC AgriS ghi nhận doanh thu đạt 6.366 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ niên độ trước, nhưng lãi ròng chỉ đạt 217 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ niên độ trước. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí lãi vay trong kỳ đã tăng gần gấp đôi. Chi phí lãi vay cũng là nguyên nhân “bào mòn” lợi nhuận của công ty này trong cả niên độ trước.
Tính đến cuối quý 1 niên độ 2023/2024, nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn của TTC AgriS đạt 11.871 tỷ đồng, tăng 1,5% so với thời điểm đầu niên độ, và chiếm 38,5% tổng nguồn vốn.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, kết quả kinh doanh của TTC AgriS sẽ tiếp tục ở mức tích cực trong thời gian tới nhờ giá đường dự báo neo cao. Tuy nhiên, chi phí tài chính cao có thể tiếp tục tác động đến lợi nhuận của doanh nghiệp này.