Tại sao phải 'Giải cứu cá vược biển' với giá siêu rẻ?

Gần đây, trên các chợ online và mạng xã hội, hàng loạt lời kêu gọi 'giải cứu cá vược biển' xuất hiện với mức giá siêu rẻ, thậm chí chỉ bằng một nửa so với trước đây...

Theo nhiều tiểu thương, lý do "giải cứu cá vược biển" là năm nay cá được mùa, sản lượng lớn nhưng lại gặp khó khăn trong tiêu thụ. Thông thường, cá vược có giá dao động từ 150.000 – 250.000 đồng/kg, nhưng hiện nay, nhiều nơi bán chỉ còn 90.000 – 100.000 đồng/kg.

"Ra Tết, thương lái không thu mua. Cá nuôi lớn chật hết cả đầm. Bà con phải bán rẻ lắm, thu vốn chỉ nửa giá", tiểu thương Nguyễn Nhâm chia sẻ.

Theo tiểu thương này, cá vược biển được nuôi quảng canh ngoài đầm biển. Cá ăn con don dắt, rong rêu là chủ yếu nên thịt cá chắc, ngọt, ngon hơn cá nước ngọt rất nhiều. Loại cá này lại không có xương dăm.

Nhiều người hô "giải cứu cá vược biển" trên MXH. Ảnh chụp màn hình.

Nhiều người hô "giải cứu cá vược biển" trên MXH. Ảnh chụp màn hình.

Tiểu thương Nguyễn Nhâm cũng khẳng định, loại cá chị bán là cá tươi sống tại đầm.

Còn theo tiểu thương Nguyễn Sá, cá vược biển có giá siêu rẻ là do người dân nuôi cá ở Quảng Ninh bán "chạy". Chỉ một vài hôm bán ồ ạt là sẽ hết, giá lại cao trở lại. Cá chị bán là cá tươi được ủ đá trong thời gian vận chuyển.

"Việc cá vược biển bán với giá rẻ tạo cơ hội cho người tiêu dùng mua được thực phẩm ngon với chi phí hợp lý hơn. Tuy nhiên, điều này lại đặt ra nhiều thách thức cho người nuôi. Nhiều hộ nuôi đang đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng nếu giá cá không hồi phục trong thời gian tới", chị Hà Anh – tiểu thương kinh doanh cá chia sẻ.

Ca vược biển hiện được nhiều người rao bán với giá siêu rẻ. Ảnh: NVCC.

Ca vược biển hiện được nhiều người rao bán với giá siêu rẻ. Ảnh: NVCC.

Lo lắng cá vược biển "giải cứu" sẽ không đảm bảo chất lượng

Chị Thanh Hằng (39 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, bản thân chị không mấy mặn mà với "cá giải cứu" vì đã từng mua mà thấy rất hối hận.

"Năm ngoái tôi có mua cá chép giòn theo cách "giải cứu". Giá mua chắc chắc rẻ, tuy nhiên khi ăn thì thịt cá bở không khác gì cá chép thường. Trong khi loại cá chép giòn có phần thịt rất giòn, xương cá cứng. Sau lần đó tôi không dám mua cá "giải cứu" lần nào nữa", chị Hằng cho hay.

Cũng như chị Hằng, chị Hoài Anh (45 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Tôi thực sự lo lắng về chất lượng của lô cá được "giải cứu". Nếu "giải cứu" đúng là để hỗ trợ ngư dân giảm thiểu thiệt hại thì tôi có thể cân nhắc. Nhưng nếu do thương lái cố tình mua cá kém chất lượng để bán thì thực sự khó chấp nhận. Có nhiều người bất chấp vì lợi ích kinh tế mà bán cho người tiêu dùng những con cá chết, bốc mùi… Tôi đã từng mua phải những con cá chép giòn hay cá tầm mổ sẵn, ủ đá như thế".

Người dân đánh bắt cá vược biển. Ảnh: NVCC.

Người dân đánh bắt cá vược biển. Ảnh: NVCC.

Theo chị Hoài Anh, cá "giải cứu" có thể chưa đạt đủ tiêu chuẩn về cân nặng, chưa đủ thời gian nuôi nhưng khi đến tay người tiêu dùng vẫn cần đảm bảo độ tươi ngon. Nếu khách hàng phát hiện chất lượng không đảm bảo, không chỉ uy tín của người bán bị ảnh hưởng mà còn làm giảm lòng tin của người tiêu dùng vào những chiến dịch giải cứu tiếp theo.

Không chỉ chị Hằng, chị Hoài Anh, nhiều người tiêu dùng khác cũng lo lắng khi những mặt hàng tươi sống được gắn thêm cụm từ "giải cứu". Họ cho rằng, những sản phẩm này rất có thể không đảm bảo chất lượng do bị tồn đọng quá lâu hoặc không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Một số người còn e ngại về nguồn gốc, quy trình bảo quản, vận chuyển của những mặt hàng này.

Tuy nhiên, cũng có không ít người ủng hộ phong trào "giải cứu" vì cho rằng đây là cách giúp đỡ bà con nông dân trong giai đoạn khó khăn. Họ tin rằng, nếu được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, những sản phẩm này vẫn có thể đảm bảo an toàn và là lựa chọn hợp lý cho người tiêu dùng.

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tai-sao-phai-giai-cuu-ca-vuoc-bien-voi-gia-sieu-re-169250217100605429.htm