Tại sao tàu ngầm Kazan 'biến mất' khỏi tầm giám sát của Mỹ tại biển Caribe?
Vài ngày qua, giới chuyên gia quân sự quốc tế rất quan tâm tới hoạt động của phi đội hải quân Nga, trong đó có tàu ngầm hạt nhân tấn công Kazan thuộc Đồ án 885M Yasen-M xuất hiện ngoài khơi gần bờ biển nước Mỹ ở biển Caribe.
Điểm đáng chú ý là sau khi nổi lên mặt nước một thời gian ngắn, chiếc tàu ngầm tấn công này đã “biến mất” dưới lòng biển sâu khiến các đơn vị trinh sát Hải quân Mỹ mất dấu. Vấn đề này nhận được sự quan tâm lớn khi liên quan tới việc Washington chấp thuận cho Lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tấn công hạn chế vào lãnh thổ Nga và lời cảnh báo của Tổng thống Vladimir Putin về “đòn đáp trả bất đối xứng” nhằm vào các quốc gia viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Vậy tàu ngầm hạt nhân tấn công Kazan có gì đặc biệt để nó có thể vượt qua hệ thống cảnh giới của siêu cường hải quân tại ngay vùng biển ngay sát nước Mỹ?
Điểm đặc biệt của tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ thứ 4 của Hải quân Nga
Kazan là tàu ngầm hạt nhân đầu tiên thuộc Đồ án 885M Yasen-M, được phát triển bởi Cục Thiết kế hàng hải Malachit ở thành phố Saint Petersburg. Quá trình đóng mới chiếc tàu ngầm hạt nhân này được thực hiện tại Xưởng đóng tàu Sevmash ở Severodvinsk.
Kazan được thiết kế với nhiệm vụ chính là theo dõi, tấn công các tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, phương tiện vận tải và các mục tiêu mặt đất của đối phương. Tàu ngầm hạt nhân Nga được trang bị 8 ống phóng thẳng đứng mang tên lửa hành trình Kalibr và Onyx, với tầm bắn lên tới 1.500 và 300km. Nhiều nguồn tin quân sự Nga thậm chí còn thông tin, tàu ngầm Kazan đã được trang bị tên lửa hành trình siêu vượt âm không thể ngăn chặn Zircon với khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Các tên lửa siêu âm nói trên có thể tiêu diệt các mục tiêu nằm trong ô bảo vệ phòng không tiên tiến hiện nay. Ngoài tên lửa, tàu ngầm Kazan và các tàu ngầm khác thuộc lớp Yasen-M còn được trang bị 30 quả ngư lôi cỡ nòng 533mm phóng qua các ống phóng ở mũi tàu.
Các đặc điểm kỹ-chiến thuật của tàu ngầm Kazan và các tàu lớp Yasen/Yasen-M hiện chưa được xác định. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, chúng là phiên bản nâng cấp và sửa đổi dựa trên kinh nghiệm đóng mới và sử dụng tàu ngầm đầu tiên lớp Yasen là Severodvinsk, được đưa vào biên chế Hạm đội phương Bắc vào tháng 6-2014. Điều này thể hiện sự tinh vi và phức tạp của các tàu ngầm lớp Yasen/Yasen-M, cũng như sự không có tiền lệ của lớp tàu ngầm hạt nhân tấn công này. Theo một số nguồn tin, tàu ngầm Kazan khác biệt chủ yếu ở trang thiết bị trên khoang, bao gồm thiết bị điện tử và thiết bị sonar.
Tàu ngầm Kazan dài 139m, chiều rộng khoảng 13m, mớn nước 10m, lượng choán nước khi nổi khoảng 8.600 tấn, còn khi lặn là 13.800 tấn. Tàu có khả năng hoạt động độc lập 100 ngày nhờ động cơ hạt nhân. Lò phản ứng hạt nhân hơi nước dạng bỏ túi của tàu ngầm lớp Yasen-M cũng được tối ưu để hạn chế phát ồn. Với thiết kế thân đôi, tàu ngầm lớp Yasen-M có thể lặn sâu tối đa tới 600m và tốc độ di chuyển tối đa khoảng hơn 30 hải lý/giờ.
Chuyên gia quân sự Nga Dmitry Kornev đánh giá, các kỹ sư Cục Thiết kế hàng hải Malachit đã sử dụng thiết kế thân đôi cho các tàu ngầm hạt nhân để giảm rủi ro trong qua trình hoạt động và trong chiến đấu. Thân tàu của Đồ án 885/885M được chia bằng các vách ngăn chắc chắn thành 8 khoang, gồm: Đài chỉ huy chính, khoang chứa ngư lôi, khu sinh hoạt, cơ điện, tên lửa, lò phản ứng, tuabin và khoang phụ trợ.
Đặc biệt, thiết kế hình dạng khí động và ngói thủy âm làm từ cao su xử lý đặc biệt khiến tàu ngầm hoạt động rất yên lặng và giảm tối thiểu bộc lộ từ tính khi lặn. Việc tìm kiếm và xác định một vật thể hoạt động gần như im lặng và không bộc lộ từ tính dưới lòng biển sâu có thể so sánh như việc “mò kim đáy bể”.
“Để tạo điều kiện tối ưu cho hoạt động của hệ thống sonar thủy âm, các ống phóng ngư lôi được thiết kế nằm độc lập. Hệ thống cảm biến thủy âm hình bán cầu lớn đặt ở mũi tàu", báo cáo của Cục Thiết kế hàng hải Malachit nêu rõ.
Hệ thống sonar thủy âm của tàu ngầm Yesen-M chính là tai, mắt của còn tàu khi lặn, được sử dụng để phát hiện kẻ thù, phân loại mục tiêu, vạch nhiễu, đo độ dày của băng, dò mìn và ngư lôi, tìm kiếm các lỗ băng để phóng tên lửa dưới mặt nước. Một cải tiến kỹ thuật khác trong tàu ngầm lớp Yasen-M là buồng cứu hộ được thiết kế để sơ tán toàn bộ phi hành đoàn trong các trường hợp khẩn cấp.
Một trong những “át chủ bài” của Hải quân Nga
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định các tàu ngầm Đồ án 885M là một phần quan trọng trong sức mạnh tấn công của Hải quân Nga. Sự nguy hiểm của dòng tàu ngầm hạt nhân tấn công này nằm ở cả khả năng hoạt động độc lập để tung đòn tấn công bất ngờ không giới hạn hay trong các biên đội tàu với các nhiệm vụ cụ thể.
“Trong Đồ án tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen-M, một số giải pháp kỹ thuật chưa từng có tiền lệ đã được áp dụng. Điểm đặc biệt là tất cả tổ hợp vũ khí điện tử, thiết bị hiện đại hóa và hệ thống cứu hộ đều là sản phẩm do Nga tự phát triển và chế tạo”, Bộ Quốc phòng Nga thông tin.
Hiện tại, 7 tàu ngầm lớp Yasen/Yasen-M đã và đang được lên kế hoạch trang bị là Novosibirsk, Krasnoyarsk, Arkhangelsk, Perm, Ulyanovsk, Voronezh và Vladivostok.
Các tàu ngầm Đề án 885M khi đưa vào trang bị đã nâng cao đáng kể khả năng tác chiến của Hải quân Nga. Thực tế này đang được chứng minh chính trong sự kiện tàu ngầm Kazan bất ngờ "biến mất” khỏi hệ thống giám sát hàng hải tinh vi ngay gần bờ biển nước Mỹ.
Chuyên gia quân sự, Tổng biên tập Tạp chí Vũ khí Tổ quốc Igor Korotchenko cho rằng, sự xuất hiện của các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân Đề án 885M giúp tăng khả năng tấn công và phòng thủ của Hải quân Nga. Lớp tàu ngầm này sẽ củng cố đáng kể vị thế của Hải quân Nga với vai trò phòng thủ và giám sát các đại dương.
“Với việc đưa vào trang bị các tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới, Hải quân Nga sẽ nhận được gia tăng đáng kể sức mạnh răn đe hạt nhân trên biển”, ông Igor Korotchenko đánh giá.