Tại sao tên lửa AGM-158 JASSM là vũ khí nguy hiểm?

Cùng với các loại tên lửa hành trình không đối đất tầm xa của phương Tây, AGM-158 JASSM được coi là vũ khí phóng ngoài ô phòng không lợi hại của Không quân Mỹ.

Dòng tên lửa có thể phóng ngoài ô phòng không này khi kết hợp với máy bay F-16 Fighting Falcon sẽ là “bộ đôi” đáng gờm với mọi đối thủ.

Sức mạnh của AGM-158 JASSM

AGM-158B JASSM-ER là tên lửa hành trình được tích hợp những công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Đạn tên lửa có khả năng tàng hình nhờ sự kết hợp giữa hình dáng khí động học, lớp sơn phủ tàng hình và đặc biệt là khả năng bay “im lặng” để xâm nhập các khu vực có mạng lưới phòng không dày đặc của đối phương.

AGM-158B JASSM-ER là biến thể nâng cấp của hệ thống tên lửa hành trình tấn công tầm xa AGM-158 JASSM được đưa vào sản xuất từ năm 1998. Về ngoại hình, AGM-158B JASSM-ER giống 70% phiên bản AGM-158 JASSM và các thiết bị điện tử giống tới 95%.

 Tên lửa AGM-158 JASSM và phiên bản nối tầm (ảnh dưới). Ảnh: Defense News

Tên lửa AGM-158 JASSM và phiên bản nối tầm (ảnh dưới). Ảnh: Defense News

Tên lửa AGM-158B JASSM-ER có chiều dài 4,26m, đường kính 550mm, trọng lượng phóng 1.023kg, được trang bị đầu đạn xuyên phá nặng 432kg, tầm bắn tối đa có thể lên tới 1.000km với phiên bản mới nhất. Tầm bắn xa, kết hợp với khả năng tàng hình giúp máy bay mang tên lửa có thể phóng đạn ngoài tầm với của các hệ thống phòng không hiện đại nhất hiện nay và thoát ly an toàn.

Điểm đặc biệt của hệ thống dẫn đường trên tên lửa AGM-158B JASSM-ER là hoạt động kết hợp giữa định vị toàn cầu GPS và dẫn đường quán tính và ảnh hồng ngoại ở pha cuối nên có độ chính xác rất cao, kể cả trong môi trường bị áp chế điện tử mạnh mẽ.

Ngoài việc sử dụng đầu đạn thông thường, AGM-158B JASSM-ER còn có thể mang đầu đạn hạt nhân. Tên lửa này có thể phù hợp với hầu hết máy bay chiến đấu theo chuẩn NATO, trong đó có máy bay F-16 Fighting Falcon.

JASSM có dễ đối phó?

Chuyên gia Peter Sichiu của Tạp chí The National Interest đánh giá, tên lửa hành trình không đối đất AGM-158 JASSM (phiên bản tiêu chuẩn) có thể coi là “vũ khí tàng hình” khi kết hợp với các máy bay F-16 trong các nhiệm vụ tấn công tầm xa.

Hiện tại, các máy bay F-16 của Không quân Mỹ mới được nâng cấp để mang tên lửa AGM-158 JASSM từ năm 2009 và tiếp đó là Ba Lan.

Máy bay chiến đấu F-16 tích hợp tên lửa AGM-158 JASSM. Ảnh: Getty

Máy bay chiến đấu F-16 tích hợp tên lửa AGM-158 JASSM. Ảnh: Getty

Đánh giá về khả năng ngăn chặn tên lửa AGM-158 JASSM, chuyên gia quân sự Nga Alexey Leonkov trao đổi với tờ Vzglyad rằng, để bảo vệ trước tên lửa hành trình tầm xa của Mỹ cần ưu tiên tiêu diệt máy bay mang phóng tên lửa và căn cứ chứa chúng. Đây là hành động tối ưu hơn là phải đối phó với tên lửa AGM-158 JASSM khi nó đang bay tới mục tiêu.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/tai-sao-ten-lua-agm-158-jassm-la-vu-khi-nguy-hiem-790528