Tại sao trẻ em ngồi ghế trước ô tô tiểm ẩn nguy hiểm?
Nhiều người có thói quen để trẻ ngồi trên ghế trước khi lái xe mà không biết rằng hành động này có thể gây nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ.
Ở Việt Nam, nhiều cha, mẹ thường để con ngồi ghế trước xe ô tô khi lái xe, thậm trí còn cho con ngồi trong lòng và đùa nghịch. Có những hành động tưởng chừng như vô hại và nằm trong tầm kiểm soát, nhưng nếu sơ sẩy chút là có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Trẻ em vốn tò mò và tinh nghịch nên khi trẻ ngồi hàng ghế phía trước bố mẹ sẽ bị xao nhãng không tập trung lái xe dẫn đến dễ chị va chạm và không xử lý được các tình huống bất ngờ.
Khi được hỏi lý do vì sao thường cho trẻ ngồi ghế trước của ô tô, chị Nguyễn Thị Thu ở quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội trả lời rằng: “Vì con tôi thích ngồi ghế trước, nhà có hai đứa trẻ thì đứa nào cũng tranh nhau ngồi đó, bảo xuống ghế sau kiểu gì các cháu cũng không nghe, nên tôi chiều theo cháu. Hơn nữa ngồi ghế trước tôi có thể thường xuyên để ý các cháu hơn, cảm giác các cháu cạnh mình sẽ an toàn hơn".
Một lý do hết sức đơn giản là vì chiều theo con trẻ mà nhiều cha, mẹ vô tình có thể đẩy con mình vào chỗ nguy hiểm. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, ghế trước là các vị trí nguy hiểm nhất trên ô tô trong những trường hợp va chạm. Khu vực này sẽ tiếp xúc gần và trực tiếp với các chướng ngại vật hoặc nguyên nhân gây tai nạn nhiều hơn so với ghế phía sau xe.
Hệ thống an toàn chính của ô tô, bao gồm túi khí và dây an toàn ở khu vực ghế trước được các nhà sản xuất bố trí nhằm bảo vệ người ngồi ở các vị trí này, nhưng thiết kế các hệ thống này chủ yếu dành cho người lớn. Trẻ em có thể trạng nhỏ hơn, không phù hợp với các hệ thống này. Không may, trong trường hợp xảy ra tai nạn, do không được bảo vệ tốt nhất, trẻ em có thể gặp nguy hiểm hơn người lớn so với cùng một vị trí ngồi.
Bên cạnh đó, khả năng tự chủ và ý thức hành vi của trẻ trong các sự việc thường chưa cao. So với người lớn, trẻ nhỏ chưa thể hoàn thiện khả năng suy nghĩ và kiểm soát hành vi của mình. Trẻ em thường có tính hiếu động, tò mò và thích nghịch ngợm. Do vậy, nếu ngồi ở ghế trước, rất dễ gây ra những hành động khiến người lái mất tập trung, dễ dẫn đến tai nạn trên đường.
Trên thế giới, nhiều nước đã có quy định cụ thể về ghế ngồi trên ô tô cho trẻ em ở các lứa tuổi. Tại Việt Nam, pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể về trường hợp để trẻ em ngồi ghế phụ phía trước hay thậm chí là ngồi cùng ghế người lái.
Liên quan đến người ngồi trên ô tô, Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ quy định: Xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong ô tô phải thắt dây an toàn. Như vậy, việc cho trẻ ngồi ghế phụ phía trước hoặc cùng ngồi ghế lái hiện không được tính là hành vi vi phạm Luật, do vậy chưa có chế tài xử phạt cụ thể.
Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bên cạnh đó việc đề xuất phải có ghế riêng cho trẻ dưới 4 tuổi và quy định trẻ dưới 10 tuổi, thấp hơn 1,35m không được ngồi hàng ghế trước (ngang với người lái) là vấn đề được quan tâm nhiều.
Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, ngoài việc quy định trong luật (độ tuổi, chiều cao của trẻ), phải có một chiến dịch tuyên truyền, vận động người dân áp dụng để nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Đồng cũng cũng cần xử phạt nặng với hành vi vi phạm để tăng sức răn đe.
Thêm vào đó, các tiêu chuẩn về an toàn, lắp đặt đối với ghế ngồi chuyên dụng của trẻ em cũng phải được luật hóa trong bộ tiêu chuẩn quốc gia để áp dụng đối với cả nhà sản xuất xe ô tô cũng như nhà sản xuất ghế mà việc tham khảo kinh nghiệm từ các nước phát triển là hết sức quan trọng; Trẻ em cũng cần được hướng dẫn về quyền được bảo đảm an toàn với ghế ngồi chuyên dụng trên xe ô tô khi tham gia giao thông.
Việt Nam cần sớm xem xét nghiên cứu, luật hóa để thực hiện. Các phụ huynh cũng cần lưu ý, không nên để con thích ngồi đâu trên xe cũng được bởi đây là vấn đề liên quan đến an toàn, tính mạng con người. Nâng cao ý thức từ chính bản thân mới là cách bảo vệ tối ưu nhất dành cho những người thân xung quanh mình.
Theo luật của EU, trẻ em có chiều cao dưới 1,35m phải sử dụng ghế ngồi thiết kế và lắp đặt dành riêng cho trẻ em phù hợp với trẻ. Trẻ em cao hơn có thể sử dụng loại ghế có thắt dây an toàn của người lớn. Đặc biệt, loại ghế trẻ em có mặt quay về phía sau không được phép lắp đặt cho trẻ ở hàng ghế đầu cạnh tài xế trừ khi túi khí đã được vô hiệu hóa kích hoạt.
Tại EU, tiêu chuẩn ECE R129 (còn gọi là i- Size) đã được áp dụng với những tiêu chuẩn mới cho ghế ngồi trẻ em trên xe được tính căn cứ vào chiều cao của trẻ thay vì cân nặng bởi lẽ các vị phụ huynh sẽ dễ nhớ chiều cao của trẻ hơn trẻ đó cân năng bao nhiêu.
Tại Đức, trẻ dưới 12 tuổi hoặc cao dưới 150cm phải sử dụng ghế ngồi cho trẻ em hoặc loại ghế nâng khi đi xe. Trẻ em không được ngồi hàng ghế phía trước trừ khi túi khí đã ngừng kích hoạt. Mức phạt khi vi phạm sẽ là 70 EUR.
Tại Pháp, trẻ em dưới 10 tuổi phải ngồi ghế dành cho trẻ em và không được ngồi ở hàng ghế phía trước cạnh tài xế.
Tại Nga, quy định này áp dụng với trẻ em dưới 12 tuổi.
Tại Anh, trẻ em dưới 12 tuổi hoặc cao dưới 135cm phải sử dụng ghế trẻ em khi di chuyển bằng ô tô. Trẻ hơn 12 tuổi hoặc cao hơn 135cm phải thắt dây an toàn. Trẻ dưới 15 tháng tuổi phải sử dụng ghế trẻ em (i-Size) có mặt quay về phía sau tại hàng ghế phía sau.
Tại Mỹ, dù mỗi tiểu bang có quy định khác nhau về vấn đề ghế ngồi cho trẻ em trong độ tuổi dưới 12 tuổi, nhưng quy định về ghế ngồi cho trẻ em (ghế chuyên dụng có dây giữ, ghế nâng, thắt dây an toàn) luôn luôn được yêu cầu phải thực hiện nghiêm chỉnh.