Tại sao Trung Quốc 'đứng ngồi không yên' trước tình hình Kazakhstan?
Với ý nghĩa địa chính trị và kinh tế quan trọng của Kazakhstan, chuyên gia nhận định rằng 'mất đi tầm ảnh hưởng ở nước này có thể khiến sáng kiến BRI của Trung Quốc thất bại'.
Là một trong những điểm khởi đầu của sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Kazakhstan mang ý nghĩa to lớn đối với Trung Quốc.
“Mất Kazakhstan có thể đồng nghĩa với việc Bắc Kinh mất đi ảnh hưởng rất cần thiết đối với khu vực Trung Á. Điều này có thể dẫn đến thất bại của sáng kiến BRI”, nhà nghiên cứu địa chính trị người Mỹ Brandon J. Weichert nói với Zing.
Ông Weichert từng là chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Mỹ và tác giả của cuốn sách "Cách nước Mỹ duy trì vị thế siêu cường".
Tầm quan trọng của Kazakhstan
Các chuyên gia cho rằng với vai trò địa chính trị quan trọng của Kazakhstan, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại nếu Nga gia tăng sức ảnh hưởng ở quốc gia này.
Theo nhà nghiên cứu địa chính trị Weichert, Trung Quốc không thực sự “hoan nghênh” động thái can thiệp vào bất ổn tại Kazakhstan của Nga. "Ngoài mặt, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết họ ủng hộ sự can thiệp của Nga để ngăn chặn ảnh hưởng của phương Tây cũng như "ổn định" tình hình tại quốc gia láng giềng của mình", ông cho biết.
Tuy nhiên, thật khó để tin rằng ông Tập ủng hộ sự can thiệp quân sự của Nga vào Kazakhstan, ông Weichert nhận định.
Trước tình hình bất ổn tại Kazakhstan, ông Zhu Yongbiao, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Sáng kiến BRI thuộc Đại học Lan Châu, nói với Zing rằng một Kazakhstan ổn định phù hợp với lợi ích của Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Kazakhstan và là thị trường xuất khẩu hàng đầu của quốc gia Trung Á này. Tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 22,94 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2021, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ hải quan Trung Quốc.
Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Kazakhstan, Trung Quốc đã đầu tư 19,2 tỷ USD vào nước này trong giai đoạn 2005-2020, bao gồm cả lĩnh vực dầu khí và khoáng sản, South China Morning Post đưa tin.
Nhiều năm qua, Trung Quốc đã sử dụng Trung Á làm cầu nối giữa các công xưởng trong nước với thị trường Tây Á - châu Âu thông qua các dự án hàng tỷ USD thuộc sáng kiến BRI.
Với sáng kiến đầy tham vọng này, họ muốn “kết nối Trung Á với khu vực Á - Âu để tạo thành một mạng lưới thương mại do Trung Quốc đứng đầu”, ông Weichert cho biết. Điều này sẽ mang lại cho Bắc Kinh vị thế thống trị trên toàn khu vực.
Tuy nhiên, với sự gia tăng hiện diện của Nga ở Kazakhstan, Bắc Kinh giờ đây phải điều chỉnh lại các kế hoạch của mình đối với Trung Á.
“Tình hình bất ổn đã làm dấy lên lo ngại về những ảnh hưởng đối với các công ty Trung Quốc hoạt động tại Kazakhstan, vốn đã được đầu tư theo sáng kiến BRI", South China Morning Post cho biết trong một báo cáo.
Quan ngại nếu Nga ngày càng gia tăng ảnh hưởng
Ngày 9/1, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Kazakhstan trong việc giải quyết tình trạng bất ổn trong nước.
Nhiều chuyên gia cho rằng sự ủng hộ của Trung Quốc thể hiện những quan ngại của nước này khi Nga tiếp tục gia tăng ảnh hưởng ở Kazakhstan và khu vực Trung Á nói chung.
Sự can thiệp của Moscow có thể là một phần trong chiến lược dài hạn của Tổng thống Vladimir Putin, nhằm thúc đẩy ảnh hưởng của Nga trên toàn khu vực. Điều này có thể làm giảm sức ảnh hưởng mà Trung Quốc đang cố gắng gây dựng tại Trung Á, theo RFE/RL.
Chia sẻ với quan điểm này, nhà phân tích địa chính trị Brandon J. Weichert cho biết: “Tôi tin rằng sự can thiệp của Nga ở Trung Á là một phần trong chiến lược lớn hơn của Moscow".
"Bằng cách khôi phục càng nhiều ảnh hưởng đối với các vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ, đặc biệt là khu vực Trung Á, Tổng thống Putin có thể buộc Trung Quốc và kế hoạch BRI của nước này phải thay đổi theo cách có lợi hơn cho Nga”, ông cho biết.
“Hãy nhớ rằng, Trung Quốc từng coi Nga là lực lượng đã suy yếu. Tuy nhiên, nếu Moscow thay đổi quyền lực và mức độ ảnh hưởng, Bắc Kinh sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra những điều khoản tốt hơn cho Nga”, vị chuyên gia nói với Zing.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có thể đối mặt với nguy cơ phụ thuộc nhiều hơn vào Nga. Từ năm 2014, Trung Quốc và Nga đã ký thỏa thuận cung cấp khí đốt kéo dài 30 năm, theo Washington Post.
Trong tháng 12/2021, hai quốc gia này cũng dự định tiến tới thỏa thuận về một đường ống dẫn khí đốt mới, trước bối cảnh gia tăng căng thẳng trong vấn đề năng lượng từ phương Tây, Nikkei Asia đưa tin.
Giờ đây, Moscow đang can thiệp vào Kazakhstan - một nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch lớn của Trung Quốc. “Điều này có thể khiến Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào Moscow, đồng thời làm phức tạp các chính sách về năng lượng và an ninh của quốc gia này”, ông Weichert nhận định.
Vị chuyên gia cho rằng sự can dự của Nga ở Kazakhstan đóng vai trò như một rào cản đối với những tham vọng lớn hơn của Trung Quốc ở Trung Á.
Theo ông Weichert, phản ứng của Bắc Kinh trước sự can thiệp của Nga vào Kazakhstan cho thấy ông Tập Cận Bình cần các đồng minh để chống lại những bước tiến của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, ông Tập “chắc hẳn rất khó chịu và lo ngại về những gì ông Putin đang làm ở Trung Á”, ông nói thêm.
Trước tình hình bất ổn đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng gia tăng, từ các cuộc biểu tình do giá nhiên liệu đến bạo loạn và mâu thuẫn nội bộ, cũng như sự can thiệp của quân đội Nga, Bắc Kinh đã thận trọng hơn trong các bước đi của mình.
Temur Umarov, chuyên gia về chính sách của Trung Quốc ở Trung Á tại Trung tâm Carnegie Moscow, cho biết: “Trung Quốc hiểu rằng họ không thể can thiệp vào tình hình ở Kazakhstan theo cách giống như Nga. Và họ cũng không muốn bị ràng buộc quá nhiều”.
Trong khi đó, ông Zhu Yongbiao cho rằng việc triển khai quân đội Nga ở Kazakhstan sẽ không ảnh hưởng tới quan hệ Nga - Trung. Trung Quốc hiểu rằng lực lượng của CSTO đã đến Kazakhstan theo lời kêu gọi của chính phủ Kazakhstan.