Tại sao Trung Quốc không tham gia Hiệp ước INF và START?

Bắc Kinh sẽ không ký kết các hiệp ước hạn chế vũ khí, vì cho rằng có thể đe dọa an ninh Trung Quốc.

Tên lửa tầm trung Dongfeng DF-26. (Nguồn: Global Security)

Cho đến năm 2019, Mỹ và Nga vẫn thực thi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và hiện đang đàm phán gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START III). Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói về mong muốn xây dựng một START mới ba bên giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc. Nếu có sự tham gia của Bắc Kinh, thỏa thuận song phương sẽ trở thành ba bên, mà theo nhiều chuyên gia, sẽ có tác động tích cực đến tình hình chính trị-quân sự thế giới.

START III

Hiệp ước START-3 được Nga và Mỹ ký năm 2010 và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2011. Theo điều khoản của START III, mỗi nước tham gia có thể có tới 800 phương tiện mang vũ khí hạt nhân, riêng ở trạng thái triển khai, được phép có tới 700 phương tiện với 1.550 đầu đạn hạt nhân.

Tính đến ngày 1/9/2019, Nga có 757 phương tiện, trong đó có 513 bệ phóng triển khai với 1.426 đầu đạn. Còn Mỹ có 800 phương tiện, trong đó 668 bệ phóng triển khai với 1.376 đầu đạn. Ngoài ra, trong kho vũ khí của hai nước có vũ khí hạt nhân không triển khai không thể được tính theo Hiệp ước.

Tên lửa ICBM DF-41. (Nguồn: Military Watch Magazine)

Hiện chưa rõ số lượng chính xác về lực lượng hạt nhân chiến lược của Quân Giải phóng Trung Quốc (PLA). Theo các ước tính, Trung Quốc có một số loại đầu đạn hạt nhân cho các mục đích khác nhau với tổng số lượng từ 250-300 đến 800-900, và khoảng 1.200-1.500 phương tiện các loại. Có đến 200-250 tên lửa đạn đạo bố trí trên đất liền, trên không và trên biển có khả năng mang vũ khí hạt nhân có thể được triển khai đồng thời.

Trung Quốc hiện đang kém Mỹ và Nga về số lượng vũ khí hạt nhân; số phương tiện mang và đầu đạn trong trang bị và đang trực chiến ít hơn mức cho phép theo các điều khoản của Hiệp ước. Với số lượng như vậy, việc Trung Quốc gia nhập START III là không có ý nghĩa, trong khi START III có thể hạn chế đáng kể sự phát triển trong tương lai của lực lượng hạt nhân chiến lược Trung Quốc về mặt số lượng, có thể bất lợi hoặc thậm chí nguy hiểm cho Trung Quốc.

INF

Trước đây, khi INF vẫn còn hiệu lực, Nga và Mỹ đã bày tỏ ý tưởng một nước thứ 3 tham gia thỏa thuận, có thể là Trung Quốc - nước sở hữu số lượng lớn tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã nhanh chóng từ chối đề xuất đó, với lý do “lợi ích quốc gia”.

Các lực lượng tên lửa PLA được trang bị các tổ hợp gồm tất cả các lớp chính, chủ yếu là các hệ thống tầm trung và ngắn. Ngoài các đầu đạn hạt nhân, Trung Quốc có ít nhất 30 tổ hợp DF-26 và xấp xỉ 80 tên lửa DF-21 cùng với chừng ấy số lượng tên lửa đạn đạo và khoảng 200 tên lửa lầm ngắn.

Xu hướng phát triển

Trung Quốc không công bố kế hoạch về các lực lượng hạt nhân chiến lược, đó là lý do các số liệu chỉ dựa vào các ước tính và giả định. Gần đây, Trung Quốc đã phát triển và đưa vào sử dụng nhiều hệ thống tên lửa, thiết kế cho các lực lượng trên bộ, trên không và trên biển cũng như triển khai việc phát triển đầu đạn hạt nhân. Nhiều khả năng là Trung Quốc sẽ tiếp tục các quá trình trong tương lai, dẫn đến sự thay đổi về số lượng và chất lượng

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ cho rằng trong những năm tới, trọng tâm sẽ là việc tăng số lượng phương tiện và đầu đạn hạt nhân; đến năm 2030, dự kiến sẽ tăng gấp đôi kho vũ khí.

Trung Quốc có khả năng công nghệ để cải tiến phương tiện mang hạt nhân và hoàn toàn có thể tăng số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa với sự gia tăng dần tỷ lệ tham gia trong lực lượng tên lửa. Theo đó, tầm quan trọng của tên lửa tầm trung và tầm ngắn sẽ bị giảm. Tuy nhiên, vị trí địa chính trị của Trung Quốc không cho phép chuyển đổi hoàn toàn sang tên lửa liên lục địa - hệ thống tầm trung và tầm ngắn sẽ vẫn là một công cụ quan trọng cho một số nhiệm vụ quân sự và chính trị.

JL-2 - ICBM tích hợp trên tàu ngầm. ( Nguồn: Global Security)

Tương lai

Trung Quốc không muốn tham gia các hiệp ước Nga-Mỹ về phát triển và triển khai lực lượng hạt nhân chiến lược với các lý do dễ hiểu. Trong khi đó, tình hình trên thế giới đang thay đổi, các lực lượng hạt nhân chiến lược của các cường quốc cũng đang thay đổi. Tuy vậy, không nên mong đợi Bắc Kinh thể hiện sự quan tâm đến các thỏa thuận trên.

Các hạn chế của START III cao hơn nhiều so với khả năng của các lực lượng hạt nhân chiến lược PLA, do đó, một thỏa thuận như vậy đơn giản là vô nghĩa. Ký hiệp ước chỉ có ý nghĩa như một cử chỉ thiện chí và thể hiện hòa bình. Ngược lại, INF đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và Trung Quốc sẽ không bao giờ tham gia.

(theo Top War, Global Security)

Lê Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tai-sao-trung-quoc-khong-tham-gia-hiep-uoc-inf-va-start-112042.html