Thiết kế đa tháp pháo hay nhiều pháo như tàu chiến sẽ khiến xe có kích thước rất lớn, để bù cho khối lượng bị giới hạn thì các nhà thiết kế sẽ giảm khối lượng của vũ khí hoặc giáp của xe, do đó độ hiệu quả để bù lại kích thước quá khổ này không hoàn toàn xứng đáng.
Tiếp theo là xét về khoảng cách tác chiến của xe tăng. Khoảng cách tác chiến hiệu quả thường chỉ từ 500m đến 2.000m. Do đó các vấn đề về chính xác không ảnh hưởng quá nhiều nên không cần phải lấy mật độ bù vào như bên tàu chiến. Bên cạnh đó thì việc lắp nhiều pháo lên xe tăng cũng làm ảnh hưởng cực lớn đến độ chính xác và độ bền của xe.
Nếu một pháo nhỏ không đủ sát thương lên mục tiêu thì dù có bắn nhiều pháo nhỏ nó cũng không tạo ra sự khác biệt quá lớn. Thay vào đó dùng một pháo duy nhất nhưng to hơn thì lại tạo sự khác biệt rất nhiều.
Ví dụ đơn giản thì dự án KV-7-2 được trang bị 2 pháo F-34 76.2mm nhưng vì thiết kế này tỏ ra không hiệu quả, nên ban thiết kế quyết định sử dụng khẩu pháo có cỡ nòng 152.4mm lên thay cho 2 khẩu 76.2mm kia và được đổi tên thành KV-7 U-18, tiền thân của SU-152.
Nhiều tháp pháo và pháo trên AFV sẽ làm quá tải chỉ huy (đối với thiết kế nhiều tháp pháo) hoặc quá tải nạp đạn viên (đối với thiết kế nhiều pháo một tháp), khiến hiệu quả tác chiến lâu dài không cao và còn có thể bị giảm sút nhanh chóng do phải chỉ huy hoặc nạp đạn phải phụ trách khối lượng công việc quá khả năng.
Thêm vào đó thì thiết kế này khiến AFV trở nên phức tạp không cần thiết, ảnh hưởng nhiều đến khả năng sửa chữa và bảo hành, nhất là đối với số lượng lớn như xe tăng. Thêm vào đó thì kích thước lớn của thiết kế này khiến các phương tiện dễ phải chịu nhiều thiệt hại hơn từ các xe đối phương, vì kích thước lớn hơn nên dễ bị bắn trúng.
Về các đối tượng mục tiêu của các AFV thì nó cũng không giống như mục tiêu của tàu chiến nước xanh. Các mục tiêu này thường không trụ được quá một đến hai phát bắn nên việc gia tăng số lượng đạn vào mục tiêu cũng không cần thiết nữa.
Nếu nói về việc tăng tốc độ phản ứng khi bắn hụt phát đầu thì thực tế mỗi phát bắn, pháo rất rung và sẽ tốn một khoảng thời gian khá nhiều để xạ thủ ổn định pháo và tan khói đầu nòng cho ống ngắm.
Cuối cùng là về các đối tượng mục tiêu. Nếu chống bộ binh thì thay vì nhiều pháo, AFV sẽ chọn súng máy cho vai trò này vì súng máy có hiệu quả sát thương đối với các mục tiêu mềm như bộ binh hơn so với pháo.
Nếu xét đến các công sự thì cũng như đã nói ở trên, nhiều pháo bé không hiệu quả thì bắn cũng không tạo khác biệt nhiều, thay vào đó thì sử dụng nòng pháo lớn có thể kết liễu mục tiêu dễ dàng hơn.
Tóm lại thì AFV thường không có thiết kế tháp pháo nhiều pháo hay nhiều tháp pháo giống tàu chiến vì thiết kế này thừa thải và kém hiệu quả đối với các phương tiện chiến đấu trên bộ. Thậm chí nó còn đội chi phí và thời gian cho việc chế tạo, sửa chữa và bảo trì cho các phương tiện ngay trên chiến trường.
Nhưng đối với các mẫu AFV sử dụng pháo không giật như M50 Ontos và Type 60 hay các hệ thống MRL như BM-13 Katyusha huyền thoại thì đặc điểm này lại khá cần thiết vì tốc độ bắn rất chậm cũng như độ chính xác không quá cao, cũng như việc nạp đạn cho những khẩu pháo này khá khó chịu do phải chui ra ngoài để nạp đạn vì phần đuôi pháo không thể đưa vào trong tháp được.
Điểm mạnh của thiết kế này đối với các mẫu xe trên là nó giúp tạo ra một mật độ hỏa lực cực lớn trong thời gian ngắn trên diện cực rộng nhưng xét về mặt duy trì hỏa lực và độ chính xác của nó lại không tốt lắm, trừ khi chúng khai hỏa từng phát một.
Lê Quang